Những ngày gần đây, dư luận nhân dân cả nước “nóng ran” chuyện trang bị và Lexus 570 đắt tiền, gắn biển số xanh ở hai tỉnh nghèo Hậu Giang và Sóc Trăng.
Đặc biệt, với những tình tiết ông phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh - người sử dụng xe sang Lexus biển xanh - liên quan đến vụ thất thoát, thua lỗ mấy ngàn tỉ đồng ở Tổng công ty Xây lắp dầu khí (nơi ông này đã làm lãnh đạo), được “nhấc” lên vị trí quan trọng ở Bộ Công thương, được điều chuyển về làm lãnh đạo tỉnh và được đề cử bầu làm đại biểu Quốc hội... khiến người ta không khỏi quan ngại có dấu hiệu bất bình thường.
Và người dân mong muốn cơ quan chức năng làm rõ có hay không chuyện chạy chức chạy quyền, việc bao che cán bộ doanh nghiệp nhà nước sai phạm... vốn đang là những vấn nạn nhức nhối.
Cũng liên quan đến vấn đề cán bộ, đúng ngày Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo ở Hậu Giang thì tại TP.HCM lại xảy ra vụ tân giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Lê Minh Tấn tổ chức tiệc tùng trong giờ hành chính với sự tham gia của đông đảo cán bộ thuộc cấp và khoảng 50 chiếc ôtô công vụ.
Mới đây lại ồn lên chuyện Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) chất vấn lãnh đạo Bộ Công thương xung quanh việc con trai nguyên bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vào các chức vụ ở doanh nghiệp nhà nước. Người dân lại đặt vấn đề phải chăng vẫn có những cán bộ sẵn sàng thách thức dư luận khi làm những việc mà lẽ ra hơn ai hết họ phải nhận thức được là không nên và không được làm?
Đáng lo là những vụ việc như các chuyện nói trên không phải là cá biệt. Đâu đó, cán bộ, nhân dân vẫn xì xầm chuyện vị cán bộ này, lãnh đạo kia bị phát hiện lem nhem vụ lợi ở cấp thấp lại được quy hoạch ngồi ghế lãnh đạo cao hơn.
Hay “chuyện như đùa” gần đây ở một tỉnh khu vực miền Trung - Tây nguyên: cùng phát hiện cả giám đốc và phó giám đốc một sở chưa hề tốt nghiệp cấp III mà vẫn có “trình độ đại học”. Riêng vấn đề dùng công quỹ mua, sử dụng xe sang, thậm chí xin được biển số đặc biệt vốn quy định chỉ cấp cho cơ quan trung ương quan trọng cũng không phải hiếm.
Nguyên nhân của những vụ việc này như các văn kiện của Đảng đã chỉ ra là có nhiều, nhưng chung quy và cốt lõi vẫn là những khiếm khuyết trong công tác tổ chức, cán bộ. Chính sự sơ hở, buông lỏng, thậm chí tiêu cực đã tạo ra “lỗ kim” cho những “con lạc đà” cơ hội, trục lợi, tham vọng địa vị... “lọt” qua, làm xói mòn lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Làm rõ được vụ xài xe sang sẽ như “phát súng mở màn chiến dịch” củng cố, nâng cao chất lượng công tác tổ chức, cán bộ và công tác thanh tra - kiểm tra trong nội bộ Đảng, chính quyền, nhằm giải đáp được băn khoăn lâu nay là “một bộ phận không nhỏ cán bộ hư hỏng” nằm ở đâu?
Lần theo những chiếc xe sang, những dinh thự, biệt thự, sự thăng tiến không bình thường của cán bộ... mà dư luận đặt dấu hỏi ắt sẽ tìm được địa chỉ “bộ phận không nhỏ” ấy. Nhưng để phát hiện và lần theo được những “dấu vết” kia, việc cấp bách là cần bịt ngay những lỗ hổng trong công tác tổ chức, cán bộ.
Dân không cần chỉ “rút kinh nghiệm” Trong câu chuyện xe Lexus từ biển số trắng được “hóa kiếp” thành biển số xanh mà các chuyên gia về pháp luật cũng như đại diện ngành có liên quan khẳng định là sai pháp luật nghiêm trọng, bí thư tỉnh này xin phép được… rút kinh nghiệm. Mới đây ở Gia Lai, những người có trách nhiệm đối với dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác của tỉnh này đã nghiệm thu khống giúp nhà thầu số tiền gần 65 tỉ đồng, song giải pháp khắc phục của các cá nhân và tập thể liên quan được lãnh đạo tỉnh đồng ý lại vẫn là “rút kinh nghiệm”. Có vẻ như “sợi dây kinh nghiệm” của chúng ta quá dài nên cứ “rút miết thôi…” như cách nói của cố bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Nhưng liệu người dân có cần quan chức rút kinh nghiệm kiểu như vậy? Lấy trường hợp nghiệm thu khống gần 65 tỉ đồng ở Gia Lai, lý giải cho những sai phạm, người có trách nhiệm phụ trách dự án cho rằng: “Tôi nhận bàn giao từ trưởng ban cũ, thực tế thiết bị như thế nào tôi cũng không biết, chuyên môn kỹ thuật không rành, nhiệm vụ của tôi rất nặng nề…”. Có thể thấy nguyên do dẫn đến sai phạm được vị này nêu ra không mới và có vẻ là nguyên do dễ được thông cảm nhất: sự yếu kém về nhận thức và năng lực, từ đó dẫn đến cách xử lý vấn đề dễ được chấp nhận bằng hình thức “rút kinh nghiệm”. Tuy vậy, chắc hẳn dư luận không bao giờ chấp nhận việc rút kinh nghiệm một cách giản đơn như vậy. Bởi sau những sai phạm là thất thoát tiền của nhân dân, và nghiêm trọng hơn là thất thoát niềm tin vào công lý, vào bộ máy công quyền. Vậy nên, trước những sai phạm đã xảy ra, cơ quan chức năng cần nghiêm túc nhìn thẳng vào vấn đề để có biện pháp xử lý đúng đắn, triệt để theo hướng khắc phục hậu quả, thu hồi những thất thoát về tài chính cũng nhằm “thu hồi” sự thất thoát niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền. Trên hết, cần một cơ chế chặt chẽ để những cá nhân yếu kém về nhận thức và năng lực không ngồi vào những vị trí quá tầm với họ, để rồi trước những sai phạm lại dễ dàng cho qua chỉ bằng động tác giản đơn là “rút kinh nghiệm”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận