02/11/2024 11:10 GMT+7

Bịt lỗ hổng đào tạo tiến sĩ ra sao?

Vấn nạn 'tiến sĩ dỏm' là câu chuyện nhức nhối, đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận.

Bịt lỗ hổng đào tạo tiến sĩ ra sao? - Ảnh 1.

Đó không chỉ là câu chuyện về một số cá nhân gian lận, mà còn là lời cảnh báo về những lỗ hổng trong kiểm soát chất lượng đào tạo và sự lỏng lẻo trong quy trình giám sát đào tạo tiến sĩ.

Những lỗ hổng này đã dẫn đến việc một số cá nhân không đủ tiêu chuẩn, thậm chí gian lận, vẫn đạt được học vị cao.

Trách nhiệm của cơ sở đào tạo, người hướng dẫn

Đáng lo ngại là những lỗ hổng này thường chỉ bị phanh phui qua mạng xã hội thay vì được phát hiện bởi các cơ quan quản lý có trách nhiệm.

Điều này cho thấy công tác giám sát và kiểm định chất lượng tại các cơ sở đào tạo chưa đủ thực chất, đồng thời phản ánh sự thiếu phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Mặc dù các quy trình giám sát có thể tồn tại trên giấy, nhưng việc thực thi lại đang bị bỏ ngỏ.

Trong hệ thống giáo dục đại học, đặc biệt là ở bậc đào tạo tiến sĩ, vai trò của các giáo sư, phó giáo sư rất quan trọng. Họ không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn là những người định hình tư tưởng và phát triển nhân cách cho thế hệ tiếp theo.

Trách nhiệm của họ không chỉ dừng lại ở việc đánh giá kết quả học thuật, mà còn nằm ở việc đảm bảo rằng mỗi tiến sĩ được cấp bằng đều phải đạt chuẩn về năng lực và đạo đức. Một giáo sư hay phó giáo sư thiếu trách nhiệm, dễ dãi trong việc đào tạo có thể làm suy giảm chất lượng đào tạo và ảnh hưởng đến uy tín của cả hệ thống giáo dục đại học.

Mặc dù giáo sư và phó giáo sư có nhiệm vụ hướng dẫn, giám sát, đánh giá chịu trách nhiệm chính, nhưng trách nhiệm kiểm soát thuộc về chính các cơ sở đào tạo. Các trường đại học cần thiết lập những cơ chế kiểm soát chất lượng học thuật và giám sát nội bộ chặt chẽ hơn, nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong quá trình đào tạo.

Không thể chỉ dựa vào đạo đức của cá nhân các giáo sư hay phó giáo sư mà cần có hệ thống trách nhiệm rõ ràng. Các trường cần chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng đào tạo, thay vì để công luận và mạng xã hội đóng vai trò phát hiện sai phạm.

Trách nhiệm giải trình

Trong những năm qua, hệ thống giáo dục đại học đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng đào tạo, từ việc ban hành các quy định siết chặt đầu vào, yêu cầu nghiên cứu sinh công bố công trình khoa học đến việc thắt chặt quá trình bảo vệ luận án.

Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn chưa đủ mạnh hoặc chưa được thực hiện đồng bộ, khiến nhiều trường hợp vẫn có thể "qua mặt" hệ thống. Điều này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo cũng như chịu trách nhiệm trực tiếp trước xã hội về những sản phẩm giáo dục của mình.

Ngoài ra, việc "vừa đá bóng, vừa thổi còi" cần được hạn chế. Các cơ sở đào tạo không nên vừa là nơi đào tạo, vừa là nơi tự buông lỏng quy chế. Việc kiểm định, giám sát và đánh giá chất lượng đào tạo đi vào thực chất hơn để đảm bảo sự khách quan. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ mà còn lấy lại niềm tin từ xã hội.

Đạo đức nghề nghiệp luôn được đặt lên hàng đầu. Cơ quan quản lý đào tạo nên xử lý kỷ luật những người hướng dẫn nghiên cứu sinh và thành viên hội đồng đánh giá thiếu trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Lỗ hổng chất lượng chỉ có thể bịt được bền vững khi những người chịu trách nhiệm, có thẩm quyền luôn giữ vững được tinh thần cống hiến và liêm chính.

Tình trạng "tiến sĩ dỏm" không phải là một vấn đề mới nhưng đã tồn tại dai dẳng trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Chỉ khi những lỗ hổng trong quản lý chất lượng được bịt lại bền vững, trách nhiệm của các cơ sở đào tạo được xác định rõ ràng, và kiểm định khách quan, thực chất được thiết lập, chúng ta mới có thể xây dựng một nền học thuật vững mạnh.

Hoàn thiện quy chế đào tạo tiến sĩ

Trong bối cảnh tăng cường tự chủ đại học, các giáo sư, phó giáo sư có vai trò rất quan trọng, nhưng trách nhiệm đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ của các cơ sở đào tạo càng quan trọng hơn vì cơ sở đào tạo là những đơn vị có quyền quyết định trong việc lựa chọn nhân sự, đào tạo, giám sát và cấp bằng.

Cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện hơn nữa quy chế đào tạo, quy định cụ thể năng lực, đạo đức nghề nghiệp của người hướng dẫn, tăng cường ứng dụng công nghệ giám sát chất lượng đào tạo, nhanh chóng xử lý sai phạm và hỗ trợ quản lý chất lượng cho cơ sở đào tạo.

Bịt ngay lỗ hổng đào tạo tiến sĩ - Ảnh 2.Một tiến sĩ bị thu bằng, nhiều người cùng xấu hổ

Bức tranh biếm họa diễn tả cảnh một nghiên cứu sinh tiến sĩ bị thu bằng, nhưng rất nhiều người liên quan cùng xấu hổ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên