Dù ai cũng mong con được đến trường nhưng khi ngày đến trường trước mặt, băn khoăn, lo lắng vẫn ùa đến.
Vẫn là những câu hỏi: "có sao không?", "lây nhiễm thì sao?", "dịch còn đó sao trẻ phải đến trường?"...
Cha mẹ có lý khi đặt lên hàng đầu vấn đề an toàn - nhu cầu căn bản thứ hai của con người mà nhà tâm lý học Abraham Maslow đã khái quát trong học thuyết nổi tiếng mang tên ông. Không có gì quý bằng sức khỏe! Vậy tại sao các nhà giáo dục học, tâm lý học, ngành giáo dục và chính quyền lại muốn cho trẻ đến trường?
Nhiều hệ lụy đã được đề cập khi con trẻ ở nhà quá lâu, nhất là sự mất kết nối, sự đứt gãy các tương tác xã hội, gia tăng các bệnh như trầm cảm, thị giác, rồi sự "lên ngôi" của các tệ nạn như game online, bạo hành…
Rồi ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập khi có gia đình phải "cử" người nghỉ làm để trông con. Nhưng quan trọng hơn đó là chất lượng dạy học trực tuyến chưa như mong muốn do ngành giáo dục chưa được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng cho hình thức dạy học mới mẻ này.
Đi học là đi sống! Câu nói kinh điển của nhà giáo dục người Mỹ John Dewey thật thấm thía trong thời khắc này: "Giáo dục không phải là chuẩn bị cho cuộc sống. Giáo dục chính là cuộc sống".
Con trẻ đến trường không chỉ để học chữ, học kiến thức mà còn là đi sống, là kết nối, là hành trình phát triển từ con người sinh vật, con người bản năng thành con người văn hóa, con người xã hội.
Vai trò của giáo dục trực tiếp, vai trò của nhà trường quan trọng là vậy nhưng "an toàn" vẫn là yếu tố quan trọng số 1, vẫn là rào cản ngăn bước học sinh đến trường. Đa số cha mẹ vẫn nghĩ để con ở nhà cho an toàn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dịch tễ đã khẳng định trong bối cảnh người lớn đã "bình thường mới", trẻ ở nhà chưa chắc đã an toàn. Ngại đưa con đến trường nhưng không ít cha mẹ vẫn muốn con được hít thở không khí bên ngoài, rồi con tới nơi công cộng, quán ăn, đi nhà sách, đi du lịch...
Những nơi đó sao có thể an toàn bằng nhà trường, nơi đã được chuẩn bị kỹ các biện pháp phòng dịch, đã sẵn sàng các kịch bản để trẻ đi học an toàn?
Mở cửa trường không hề là quyết định dễ dàng! Đó là quyết định dựa trên triết lý lấy con trẻ làm trung tâm, suy nghĩ cho trẻ và đặt quyền lợi, tương lai của trẻ lên hàng đầu. Lúc này, niềm tin của phụ huynh vào nhà trường, vào chính con em mình là vô cùng quan trọng. Có niềm tin sẽ có chuẩn bị tốt, có sự phối hợp, đồng hành tốt với nhà trường.
Cơ sở để nuôi dưỡng niềm tin khi gần một tháng qua, học sinh lớp 9 và lớp 12 của Trường THCS-THPT Thạnh An, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ đã đến trường. Dù có 3 học sinh là F0 nhưng nhà trường, phụ huynh và học sinh đã bình tĩnh xử lý "gọn gàng". Cổng trường vẫn mở và học sinh vẫn tới lớp bình thường, an toàn.
Người lớn đã "bình thường mới", con trẻ không là ngoại lệ. Điều phụ huynh cần là niềm tin, tin vào nhà trường, tin vào con trẻ và tin trong sự hiểu biết, tin trong sự chuẩn bị kỹ càng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận