Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt sai phạm của các đơn vị khai thác cát như trốn thuế, buôn lậu cát, khai thấp hơn trữ lượng khai thác…
Lợi dụng giấy phép, khai thác trái phép hàng trăm ngàn khối cát
Trở lại mỏ cát bồi nền (xã Tân Tiến, thị xã La Gi) của Công ty TNHH Phương Nam - Bình Thuận, chúng tôi không còn thấy mỏ này hoạt động rầm rộ như trước do đang bị điều tra vì dính nhiều vi phạm.
Trước đó, kiểm tra tại mỏ cát này, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận phát hiện doanh nghiệp có gần 1,6ha chưa hoàn tất thủ tục thuê đất nhưng đã tự ý khai thác cát.
Chưa hết, doanh nghiệp này còn khai thác ngoài ranh cấp phép trên diện tích gần 1.300m2 với khối lượng khai thác trái phép hơn 9.000m3 cát. Ngoài ra, doanh nghiệp đã thông tin khai thác thấp hơn mức thực tế, có dấu hiệu trốn thuế số tiền gần 900 triệu đồng; buôn lậu cát bồi nền, thu lợi bất chính hơn 170 triệu đồng…
Tương tự, Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Long Thái Việt (Công ty Long Thái Việt) khai thác tại mỏ cát xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân chưa hoàn thành thủ tục thuê đất đối với diện tích 8ha, chậm nộp tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng rất "nhanh nhẹn" trong việc khai thác ngoài thực địa và còn khai thác vượt quá ranh giới được cấp phép.
Doanh nghiệp này có dấu hiệu trốn thuế số tiền gần 534 triệu đồng và buôn lậu cát bồi nền, thu lợi bất chính hơn 1 tỉ đồng. Trước những sai phạm trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận đã chuyển hồ sơ vụ việc hai đơn vị trên sang Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận để điều tra theo thẩm quyền.
Khai thác ầm ầm nhưng phải cưỡng chế mới nộp thuế
Ngoài hai doanh nghiệp đang bị điều tra nêu trên, thời gian qua Công an tỉnh Bình Thuận và các địa phương đã khởi tố nhiều "cát tặc" và cán bộ xã thiếu trách nhiệm. Tỉnh ủy Bình Thuận đã chỉ đạo phải mạnh tay với "cát tặc" và việc lợi dụng "lá bùa" giấy phép để khai thác cát vượt công suất và ngoài phạm vi, trốn thuế.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay tình trạng bát nháo trong khai thác cát ở địa phương phần nào được chấn chỉnh. Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy vẫn có những dấu hiệu bất thường ở các mỏ khai thác cát. Đơn cử mỏ cát tại thôn 5, xã Tân Đức, huyện Hàm Tân do Công ty TNHH Quyền Thuyền làm chủ đầu tư, nằm sâu trong các cánh rừng, tứ bề đã được rào chắn.
Quan sát từ trên cao có thể thấy hiện trạng đất khu vực này đã bị thay đổi, nhiều diện tích đất giờ đây đã biến thành hồ chứa nước có màu đục ngầu. Trước đó vào ngày 16-3-2023, tỉnh Bình Thuận đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Quyền Thuyền 120 triệu đồng do không khai báo sản lượng khai thác thực tế hàng tháng.
Không chỉ vậy, bãi tập kết cát của doanh nghiệp này cạnh quốc lộ 1 ở thôn 5 xã Tân Đức cũng không được cấp phép theo quy định.
Tương tự, Công ty TNHH Lan Thu Hà (khu phố 7, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân) cũng có dấu hiệu khai thác ngoài phạm vi. Mỏ cát Tân Nghĩa 2 của công ty này được tỉnh Bình Thuận cấp phép cuối năm 2017 với diện tích 12,2ha, trữ lượng 304.229m3. Tuy nhiên, kết luận Thanh tra tỉnh Bình Thuận ghi nhận đến tháng 11-2020 doanh nghiệp này mới có hợp đồng thuê đất.
Doanh nghiệp đã nộp hơn 3,6 tỉ đồng tiền cấp quyền khai thác, còn nợ hơn 256 triệu đồng (đến ngày 31-1-2021), hơn 331 triệu đồng tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường cũng chưa nộp…
Lãnh đạo UBND thị trấn Tân Nghĩa cho biết gần đây nhất, giám đốc Công ty TNHH Lan Thu Hà là ông Trần Quốc Hùng mới bị UBND huyện Hàm Tân xử phạt hơn 130 triệu đồng về hành vi xây nhà xưởng, bãi tập kết cát trên đất nông nghiệp sát quốc lộ 1.
Ngoài ra, sau khi bị Chi cục Thuế khu vực Lagi - Hàm Tân cưỡng chế, Công ty Lan Thu Hà mới nộp gần 1 tỉ đồng tiền thuế. Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân Hà Lê Thanh Chung cho biết sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh liên tục khởi tố vụ án và bắt giam bị can, đa số "cát tặc" đã chùn tay.
"Địa phương đang phối hợp, báo cáo số liệu tình hình khai thác khoáng sản cho cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ", vị này cho biết.
Xử lý gần 1.000 vụ khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, trong năm 2023 và sáu tháng đầu năm 2024, tại địa phương xuất hiện nhiều điểm nóng khai thác cát trái phép. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã xử lý một số vụ việc khai thác khoáng sản trái phép nổi cộm, kéo dài ở Tánh Linh, Hàm Tân…
Số liệu cho thấy từ đầu năm 2023 đến hết tháng 5-2024, địa phương đã xử lý 857 vụ khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép và xử phạt tổng số tiền khoảng 12,3 tỉ đồng. Tuy nhiên theo cơ quan này, vẫn còn một số địa phương có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý, để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép.
"Việc xử lý không nghiêm minh, triệt để và việc xử lý hình sự cũng còn hạn chế, chưa tương xứng với thực trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép…" - báo cáo của cơ quan này thừa nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận