Tổ công tác của Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Thuận vừa phối hợp kiểm tra thực địa, ghi nhận việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm ở thôn Nam Hà, xã Đông Hà, huyện Đức Linh.
Tổ công tác ghi nhận các trang trại chăn nuôi trên đều phát tán mùi hôi, gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư công nghiệp, đời sống của người dân và công nhân.
Tương tự, đại diện chính quyền địa phương ở thôn Nam Hà cho rằng mùi hôi từ các trang trại chăn nuôi trên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo UBND huyện Đức Linh cho biết đặc thù của nghề nuôi heo không thể triệt tiêu được hết mùi hôi đặc trưng.
Vị lãnh đạo này cho biết do trước đây địa phương kêu gọi ngành nghề chăn nuôi về đầu tư trước, sau này hình thành nên các cụm công nghiệp và khu dân cư hiện đại xung quanh. Việc này dẫn đến "xung đột" lợi ích giữa các bên.
Chủ đầu tư cụm công nghiệp cho rằng chăn nuôi gây ra mùi hôi, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và sức khỏe công nhân, dân cư địa phương.
Vì vậy chủ đầu tư đề nghị giải quyết dứt điểm mùi hôi phát tán từ các trang trại này để thu hút đầu tư, công nhân và chuyên gia nước ngoài yên tâm sản xuất.
Người dân địa phương cho biết Xí nghiệp chăn nuôi heo Vissan còn đấu ống ngầm dẫn nước từ bên trong đổ ra ngoài càng tăng thêm mùi hôi thối, ô nhiễm nguồn đất.
Còn đại diện các trang trại cho rằng hoạt động công nghiệp nhộn nhịp sẽ ảnh hưởng đến an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Về lâu dài, lãnh đạo huyện Đức Linh thừa nhận nhu cầu và lợi ích của hoạt động công nghiệp mang lại giá trị cao hơn, thay đổi diện mạo của địa phương.
Vì vậy, địa phương yêu cầu các chủ đầu tư trang trại phải chấp hành đúng quy định về bảo vệ môi trường, vận động chuyển dịch về nơi khác để phù hợp và tránh xung đột về lâu dài.
Chủ đầu tư Xí nghiệp chăn nuôi Vissan - Bình Thuận nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Tâm - giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi heo Vissan Bình Thuận - cho rằng đơn vị đã thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi.
Nhưng vì sao đến nay người dân vẫn phản ánh còn mùi hôi nồng nặc từ trang trại? Ông giải thích đến nay chưa có quy định, định lượng hay định tính nào về mùi hôi. Đơn vị đã đầu tư nhiều cơ sở vật chất, thức ăn, hóa chất… để giảm thiểu thấp nhất mùi hôi.
Riêng việc đấu ống ngầm đưa nước từ bên trong trang trại ra ngoài, ông Tâm cho rằng đã thực hiện theo hướng dẫn của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về việc tưới cây sau khi hợp quy nước thải chăn nuôi.
"Còn hôi như thế nào là phụ thuộc vào cảm quan mỗi người. Người trực tiếp lao động, chăn nuôi sẽ đánh giá khác so với người làm văn phòng. Bản thân doanh nghiệp đã hạn chế thấp nhất có thể, vì trong chăn nuôi không tránh khỏi việc này", ông Tâm cho biết.
Bàn về việc di dời xí nghiệp đến nơi mới, ông Tâm giải thích do đơn vị trực thuộc vốn đầu tư nhà nước là chủ đạo, đồng thời còn có nhiều cổ đông khác nên không phải muốn làm là làm liền.
"Việc di dời một trang trại chăn nuôi lớn cần phải có lộ trình, đầu tư cơ sở mới hoàn toàn. Xí nghiệp trực thuộc Nhà nước nên phải họp bàn kỹ lưỡng với hội đồng quản trị và cổ đông. Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với địa phương về việc di dời xí nghiệp, nhưng cũng phải khoảng năm 2029 mới hoàn tất", ông Tâm giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận