Ngày 6-12, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lần thứ nhất năm 2023.
Dân tộc thiểu số chiếm gần 20% dân số
Toàn tỉnh Bình Phước có hơn một triệu người với 41 dân tộc cùng sinh sống đoàn kết, đan xen trên địa bàn. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 200.000 người, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh.
Trong những năm qua, các chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân người dân tộc thiểu số điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Giai đoạn 2021-2023, Bình Phước có nhiều điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiêu biểu trong các trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh, góp phần xây dựng - phát triển đất nước.
Theo đó, các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã phát huy có hiệu quả vai trò của mình, luôn gương mẫu về lối sống, làm nhiều việc tốt, được nhân dân tin tưởng và làm theo. Họ là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân; tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Bình Phước còn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức, cần phải được quan tâm giải quyết.
Cụ thể, kinh tế - xã hội trong vùng còn chậm phát triển; nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác, phát huy đúng mức; trình độ dân trí còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, một số tập tục lạc hậu còn tồn tại; đời sống một số hộ dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn; giá cả hàng nông sản không ổn định, mất giá; tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong vùng dân tộc thiểu số còn cao…
Năm 2023 giảm hơn 2.000 hộ nghèo
Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Tuyết Minh - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - khẳng định hội nghị có ý nghĩa quan trọng, không chỉ ghi nhận vai trò của người có uy tín, già làng tiêu biểu, cán bộ cốt cán, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân... trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, mà còn thể hiện sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.
Theo đó, thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của Bình Phước năm 2023 có nhiều điểm sáng tích cực.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khá, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,34%, đứng thứ 11 cả nước và đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đứng 13 của cả nước.
Đặc biệt, trong lĩnh vực giảm nghèo, trong năm đã giảm khoảng 2.000 hộ nghèo (bao gồm khoảng 1.100 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số), góp phần đưa tổng số hộ nghèo của tỉnh giảm sâu xuống khoảng 1.000 hộ…
Để tiếp tục cải thiện cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, bà Minh đề nghị các cơ quan, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng thời, lưu ý các cơ quan, địa phương, đơn vị tiếp tục nhân rộng các điển hình tiên tiến, phát huy hiệu quả vai trò của già làng, người có uy tín, cán bộ cốt cán, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, người sản xuất - kinh doanh giỏi và thế hệ trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Cũng tại hội nghị, 4 tập thể và 39 cá nhân điển hình, tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023 được trao tặng bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước.
54 hợp tác xã do đồng bảo dân tộc thiểu số quản lý
Trong tổng số 241 hợp tác xác đang hoạt động của Bình Phước có 54 hợp tác xã do người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia quản lý, điều hành và có đông người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 22,4% tổng số hợp tác xã.
Trong đó, có 30/54 hợp tác xã của đồng bào dân tộc thiểu số đang hoạt động là thành viên chính thức của Liên minh hợp tác xã tỉnh Bình Phước. Đặc biệt, 3 hợp tác xã gồm 100% thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Các hợp tác xã trên hoạt động chủ yếu về lĩnh vực nông nghiệp.
Theo thống kê, các hợp tác xã của đồng bào dân tộ thiểu số có 7.860 thành viên, tổng số lao động làm việc trong các hợp tác xã hơn 3.500 người (đồng bào dân tộc thiểu số có 1.643 người).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận