Cảng cạn Hoa Lư được quy hoạch có vị trí trong khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư thuộc huyện Lộc Ninh với quy mô khoảng 25ha, tại thị xã Chơn Thành với quy mô khoảng 46 ha và ICD tại huyện Đồng Phú với quy mô khoảng 40 ha.
Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu vực tỉnh Bình Phước nằm trong hành lang vận tải Đắk Nông - Bình Phước - TP.HCM.
Năng lực thông qua cảng cạn trên hành lang này đến năm 2030 khoảng từ 1,86 triệu - 2,65 triệu TEU/năm. Tổng diện tích quy hoạch cảng cạn trên hành lang vận tải đến năm 2030 khoảng từ 186 ha - 265 ha.
Vị trí các cảng cạn bố trí tại các vị trí có khả năng kết nối đa phương thức bao gồm đường bộ, đường sắt.
Tại Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn, khu vực Bình Phước được định hướng phát triển cảng cạn Chơn Thành và cảng cạn Hoa Lư kết nối với các cảng biển Đồng Nai, Vũng Tàu, TP.HCM.
Trong đó, cảng cạn Chơn Thành kết nối với Quốc lộ 13, được quy hoạch với năng lực hàng hóa thông qua khoảng 100.000-150.000 Teu/năm. Cảng cạn Chơn Thành có chức năng cung cấp các dịch vụ cảng cạn phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu của khu công nghiệp Becamex - Bình Phước. Đồng thời, phân phối hàng hóa nhập khẩu phục vụ tiêu dùng cho khu vực và vùng lân cận.
Cảng cạn Hoa Lư kết nối với Quốc lộ 13 và đường sắt tuyến TP.HCM - Lộc Ninh, có tổng diện tích đến năm 2030 khoảng 15 - 25ha và có năng lực hàng hóa thông qua khoảng 150.000 - 250.000 Teu/năm.
Cảng cạn Hoa Lư cung cấp các dịch vụ cảng cạn phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu của khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Phước đồng thời phân phối hàng hóa nhập khẩu phục vụ tiêu dùng cho khu vực và vùng lân cận.
Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư - Ảnh: BBP
Đặc biệt, bên cạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đường bộ, Bình Phước ưu tiên phát triển hệ thống dịch vụ thương mại, chuỗi cung ứng, hành lang vận tải đa phương thức và logistics… Đây là một ưu tiên trong định hướng phát triển, vì như đã nói Bình Phước không giáp biển, không cảng biển và cảng sông.
Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư; tích cực thúc đẩy thương mại thị trường trong nước, thương mại điện tử, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu và biên mậu; phát triển tập trung vào các lĩnh vực phân phối, bán lẻ, vận tải, logistics; thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ như: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ nông thôn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận