Bà Lê Thị Tuyết Đào (thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) do làm ăn thua lỗ, đã nợ 13 người ở thị xã Đồng Xoài với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng và bị kiện ra Tòa dân sự.
Khi tòa án đang tiến hành kê biên tài sản thì bà Phạm Thị Phương cùng 3 chủ nợ khác ập tới, yêu cầu trả 1 tỷ đồng. Bà Đào không có tiền, xin khất nợ thì họ yêu cầu làm giấy tờ sang gấp căn nhà đang ở với giá 1,1 tỷ đồng. Bà Đào không đồng ý và việc “xiết nợ” không thành.
Cứ tưởng mọi việc như vậy tạm êm, song ngày 6-10-2004, bà Đào bị công an phường Tân Phú mời lên làm việc. Phía bà Phương yêu cầu bà Đào phải ký hợp đồng mua bán nhà do bà Phương soạn sẵn. Giá lúc này bị “ém” từ 1,1 tỷ đồng xuống còn… 220 triệu đồng.
Tới 8-10-2004, TAND Thị xã Đồng Xoài mời bà Đào lên hòa giải với các chủ nợ, thì bà Phương đưa ra quyết định số 3768/QĐ-UB, do ông Phan Văn Phúc (Chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài ký ngày 7-10-2004) xác định chủ quyền căn nhà của bà Đào đã thuộc về bà Phương.
“Thật kinh ngạc vì chỉ đúng 8 giờ hành chính, họ đã phù phép để có “sổ hồng” căn nhà của tôi”, bà Đào nói. Còn ông Phan Văn Phúc giải thích lý do: “UBND thị xã tiến hành cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt những thủ tục rườm rà, tránh phiền hà cho dân. Vì thế, việc cấp sổ đỏ, sổ hồng trở nên nhanh chóng".
Tuy nhiên, vụ việc không hoàn toàn như vậy. Theo Thanh tra tỉnh Bình Phước, từ năm 2002 đến 2004 có 13 cán bộ Phòng Nông nghiệp - Địa chính thị xã và “cò” đã nhận hơn 2.800 “sổ đỏ” của dân (chiếm 22,73% tổng số giấy đã cấp).
70 người khai nhận đã đưa tiền cho cán bộ và “cò” khi làm sổ đỏ. Điều này lý giải vì sao việc cấp sổ đỏ cho bà Phương lại chỉ trong vòng có 8 tiếng đồng hồ. Đoàn thanh tra còn phát hiện phần lớn cán bộ, công chức của Phòng Nông nghiệp - Địa chính thị xã đều trở thành “cò” sổ đỏ. Ông Trần Bá Long (Phó phòng) đã “bao” 127 sổ đỏ. Ba trường hợp khai đã phải đưa cho Long 3,4 triệu đồng.
Vũ Đình Sử (cán bộ nghiệp vụ của phòng) cũng nhận của 5 trường hợp gần 33 triệu đồng. Ngọ Văn Lâm (cán bộ nghiệp vụ) cầm của 26 người với số tiền 21,9 triệu đồng. Hai đồng nghiệp Ninh Văn An, Trần Văn Kiên “ôm” hàng chục sổ đỏ của dân để nhận tiền “trà nước” từ vài trăm ngàn đến 6 triệu đồng.
Không chịu thua cánh “nghiệp vụ”, Nguyễn Công Sơn (lái xe của phòng) cũng tranh thủ làm “cò” cho 116 trường hợp. Qua xác minh có 3 người khai nhận đã phải đưa 3,6 triệu đồng cho Sơn. Đặng Tứ Hải là cán bộ văn thư, kiêm bảo vệ cũng “làm” được 180 sổ đỏ…
Cán bộ phòng làm “cò” luôn sẵn sàng thực hiện “dịch vụ” cấp giấy chỉ vài giờ đồng hồ. Thanh tra còn phát hiện hàng chục hồ sơ khác của dân không qua “cò” bị “ngâm” 2-24 tháng, thậm chí có người nộp hồ sơ làm sổ đỏ 48 tháng mới được cấp, trong khi thời hiệu giải quyết chỉ 28-47 ngày.
Thanh tra Bình Phước đang đề nghị xem xét kỷ luật các cán bộ vi phạm và làm rõ cán bộ nhận bao nhiêu tiền qua “dịch vụ cò tập thể”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận