Theo văn bản số 2651 ngày 10-7-2023 của Sở Y tế Bình Phước, sở được UBND tỉnh giao đấu thầu tập trung.
Tuy nhiên, sau những sự cố xuất phát từ dịch COVID-19 cùng việc các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu thay đổi liên tục, dẫn đến việc lúng túng trong quá trình triển khai. Một bộ phận còn có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm.
Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công, do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn.
Giá hàng hóa nhiều biến động, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất… càng trở nên khó khăn hơn. Do một số khó khăn, các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm.
Trước đó, nhiều người dân đến khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước bức xúc vì dù có bảo hiểm y tế nhưng vẫn phải ra hiệu thuốc bên ngoài mua từ bông băng, kim tiêm…
Trường hợp bệnh nhân Bùi Ngọc Thanh Phương (ngụ huyện Bù Đăng) được chỉ định mổ do gãy xương đòn. Dù có bảo hiểm y tế, bác sĩ liệt kê một loạt danh mục vật tư tiêu hao như gạc phẫu thuật, bơm, kim tiêm, chỉ, dao mổ, băng keo, mũ phẫu thuật, bộ nẹp… với tổng số tiền hơn 12 triệu đồng.
Anh Trần Đình Cường (ngụ thị xã Phước Long) bị rạn xương bánh chè. Bác sĩ chỉ định mua một loạt vật tư y tế như kim tiêm, gạc phẫu thuật, nẹp khóa mâm chày… với số tiền hơn 8 triệu đồng.
Ngày 17-10, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước đã đề nghị Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo đấu thầu, năng lực đội ngũ nhân sự làm công tác đấu thầu.
Sở Y tế thường xuyên theo dõi, đôn đốc công tác xây dựng, thực hiện đấu thầu; triển khai gói thầu tập trung sau khi được phê duyệt; ưu tiên thẩm định các gói thầu cấp thiết của Bệnh viện Đa khoa tỉnh; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ cho bệnh viện trong thực hiện đấu thầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận