19/04/2017 09:02 GMT+7

Bình Nhưỡng có gì trong tay?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Do tương quan quá chênh lệch với đối phương, Triều Tiên đã khai thác tối đa năng lực có sẵn để phát triển chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo, kho vũ khí hóa học cùng năng lực về chiến tranh mạng.

Quân đội Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo chiến lược từ dưới nước. Ảnh do Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên công bố ngày 24-4-2016 -
 Ảnh: Reuters
Quân đội Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo chiến lược từ dưới nước. Ảnh do Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên công bố ngày 24-4-2016 - Ảnh: Reuters

Nếu Triều Tiên bị tấn công, ta có thể hình dung ra tình trạng rối loạn lúc đầu. Nhưng chuỗi hệ thống chỉ huy của Triều Tiên ra sao? Chúng ta vẫn chưa có kinh nghiệm trong đánh giá về hiệu quả của nó trong tình huống chiến tranh

Bà Valérie Niquet (phụ trách mảng châu Á của Quỹ nghiên cứu chiến lược của Pháp)

Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, giảng viên Học viện Chính trị Paris và làm việc tại Quỹ nghiên cứu chiến lược (Pháp), đánh giá rằng đến nay Triều Tiên chắc chắn chưa đủ khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và phát triển tên lửa liên lục địa (tên lửa tầm xa).

Bí ẩn công nghệ tên lửa Triều Tiên

Mối đe dọa thực sự từ Triều Tiên xuất phát từ tên lửa tầm ngắn (tầm bắn từ 100-300km). Tên lửa tầm ngắn có thể đe dọa các mục tiêu ở Hàn Quốc và Nhật cùng các đơn vị quân đội Mỹ đồn trú trong khu vực (ước tính 70.000-80.000 quân).

Đặc biệt các mục tiêu ở Hàn Quốc dễ bị tấn công nhất bởi thủ đô Seoul chỉ cách biên giới Triều Tiên 50km, tức nằm trong tầm của đạn pháo thông thường có mang đầu đạn hóa học.

Thật ra Triều Tiên không công bố số liệu thực sự về tiềm lực quân sự của họ. Muốn tìm hiểu, Mỹ và nhiều nước phải tung gián điệp thu thập dữ liệu.

Nói chung, dù có thông tin khái quát về tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên nhưng hồ sơ kỹ thuật tên lửa Triều Tiên đến nay vẫn còn là điều bí ẩn.

Căn cứ thông tin về các lần phóng tên lửa vừa qua như đạn đạo, kích thước tên lửa, các mảnh vỡ được tìm thấy, ảnh chụp và dữ liệu về địa chấn, Mỹ biết được Triều Tiên ngày càng tăng khối lượng chất nổ sử dụng.

Phương Tây cũng chưa rõ công nghệ tên lửa Triều Tiên là “đặc sản” do Triều Tiên nghiên cứu và phát triển hay đây là công nghệ nước ngoài được Triều Tiên cải tiến

Vụ hồi tháng 9-2016 (vụ thử lần thứ năm) đạt đến sức nổ từ 10-15 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn chất nổ TNT).

Phương Tây cũng chưa rõ công nghệ tên lửa Triều Tiên là “đặc sản” do Triều Tiên nghiên cứu và phát triển hay đây là công nghệ nước ngoài được Triều Tiên cải tiến.

Phần lớn kho vũ khí tên lửa của Triều Tiên có nguồn gốc Liên Xô (cũ) như tên lửa Scud tầm ngắn đã được Triều Tiên mua của Ai Cập trong thập niên 1980.

Từ năm 1987-1992, Triều Tiên phát triển các thế hệ mới của tên lửa Scud-C (500km) gồm Rodong-1 (1.300km), Taepodong-1 (2.500km), Musudan-1 (3.000km) và Taepodong-2 (6.700km).

Tên lửa Nodong cao 12m, nặng 16 tấn, sử dụng nhiên liệu lỏng để tăng tầm bắn đến 2.500km. Nodong là giai đoạn thứ hai trong quá trình phát triển tên lửa thế hệ mới Taepodong của Triều Tiên (có Iran và Trung Quốc hỗ trợ).

Triều Tiên đã nghiên cứu nâng tầm bắn lý thuyết của tên lửa thế hệ Taepodong-2 lên 6.700km. Tuy nhiên, vụ bắn thử vào tháng 1-2016 đã gặp thất bại. Tên lửa không bay theo quỹ đạo parabol và rơi đột ngột.

Nếu Triều Tiên thủ đắc hoàn chỉnh công nghệ tên lửa liên lục địa, tên lửa sẽ đủ sức tấn công đến Mỹ hay lợi ích của Mỹ ở nước ngoài.

Khó tin Triều Tiên có 100 đầu đạn hạt nhân

Cuối tháng 2-2015, sau 15 năm nghiên cứu về tiềm lực vũ khí Triều Tiên, nhà nghiên cứu Joel Wit ở Viện Mỹ - Hàn Quốc (Đại học John Hopkins ở Washington) và đồng nghiệp David Albright đã đưa ra ba giả thiết.

Tương quan lực lượng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc năm 2015 theo khảo sát của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) và trang Global Security

Đến năm 2020, một là Triều Tiên có thể sở hữu 100 đầu đạn hạt nhân, hai là Triều Tiên có 50 đầu đạn hạt nhân và ba là Triều Tiên sở hữu 20 đầu đạn hạt nhân với một số đầu đạn đã thu nhỏ để lắp vào tên lửa đạn đạo.

Trong ba giả thiết, các nhà nghiên cứu cho rằng đến năm 2020 Triều Tiên có 50 đầu đạn hạt nhân là giả thiết đáng tin cậy nhất.

Dù vậy, theo chuyên gia Pháp Antoine Bondaz, trong 10 năm qua kho vũ khí của Triều Tiên không phát triển nhanh, chỉ tăng từ 5-10 hay 15 đầu đạn. Chuyên gia này cho rằng chuyện Triều Tiên sở hữu 100 đầu đạn hạt nhân vào năm 2020 là điều rất khó tin.

Chỉ có điều chắc chắn là đến năm 2020, Triều Tiên sẽ cải thiện khả năng tên lửa tầm ngắn.

Tên lửa tầm ngắn có nhiều lợi ích hơn như chi phí thấp, khó bị đánh chặn hoặc khó gặp trục trặc kỹ thuật trong khi bay, có thể bắn ngăn chặn bằng cách bắn nhiều tên lửa cùng lúc để gây rối hệ thống phòng thủ tên lửa.

Nếu kịch bản này diễn ra như thế trong tương lai, Hàn Quốc và Nhật sẽ bị đe dọa hơn hết.

Triều Tiên cũng đang cố phát triển tên lửa biển đối đất bắn từ tàu ngầm. Loại tên lửa này sẽ gia tăng khả năng đáp trả bởi lẽ tàu ngầm thường xuyên di chuyển nên khó bị phát hiện.

Đối với lo ngại tên lửa đạn đạo liên lục địa, thực sự Triều Tiên rất muốn phát triển nhưng chưa đạt đến trình độ này.

Tên lửa liên lục địa đòi hỏi phải vượt qua ngưỡng công nghệ liên quan đến kỹ thuật, hệ thống viễn thông cho các công đoạn ngắm mục tiêu và dẫn hướng, công nghệ bay trở lại khí quyển, tránh chấn động trong khi bay và chống phát nổ.

Cần phải đủ trình độ điều khiển cho bom nổ đúng lúc vì bom hạt nhân phải nổ cách mặt đất vài trăm mét mới đạt sức công phá tối đa. Hiện thời Triều Tiên chưa vượt qua các trở ngại này.

Ví dụ rõ nhất là vụ bắn thử tên lửa sáng sớm 16-4 vừa qua và tên lửa đã phát nổ gần như ngay sau khi phóng. Chuyên gia vũ khí John Schilling (Đại học John Hopkins) đánh giá Triều Tiên đã bắn thử loại tên lửa mới.

Ông cho rằng tên lửa mới phát triển của Triều Tiên bị phát nổ là chuyện vẫn thường xảy ra bởi Triều Tiên chưa kiểm soát được các công đoạn phóng và dẫn hướng. Lầu Năm Góc cho biết đó là tên lửa tầm trung nhưng không nói rõ đó là loại nào.

Nhưng đối với phía Triều Tiên, việc phát triển vẫn sẽ tiếp diễn, nói theo thứ trưởng ngoại giao Han Song Ryol trong cuộc trả lời phỏng vấn mới nhất tại Bình Nhưỡng với Đài BBC: “Chúng tôi sẽ tiến hành thêm các vụ thử tên lửa với tần suất hằng tuần, hằng tháng và hằng năm”.

Theo trang web GlobalFirePower, quân số CHDCND Triều Tiên gồm 700.000 quân thường trực và 4,5 triệu quân dự bị.

Vũ khí cá nhân chủ yếu là AK47. Triều Tiên sở hữu 4.200 xe tăng, trong đó có 1.200 xe TU-62 của Nga và 200 chiếc thế hệ TU-80 có trang bị kính ngắm tầm nhiệt. Ngoài ra, Triều Tiên còn có khoảng 9.000 xe bọc thép các loại và 4.500 khẩu pháo.

Không quân Triều Tiên làm chủ 950 máy bay và 200 trực thăng. Trong số máy bay chiến đấu có 560 chiếc đời cũ như Mig 25, Mig 21, chỉ có khoảng 50 chiếc Sukhoi 25 thuộc đời mới. Trong 700 tàu chiến có 70 tàu ngầm.

______________________________

Kỳ tới: Tình hình có thể cứu vãn?

Xem các kỳ trước:

>> Kỳ 1: 

>> Kỳ 2: 

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên