14/06/2013 06:23 GMT+7

Bình mới, rượu có mới?

QUẾ VIÊN
QUẾ VIÊN

TT - Hôm nay 14-6, 48 triệu cử tri Iran đi bầu tổng thống. Ðối với phương Tây, cuộc bầu cử này có ý nghĩa quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp với hòa bình thế giới, ổn định trong khu vực cũng như thị trường dầu khí.

TT - Hôm nay 14-6, 48 triệu cử tri Iran đi bầu tổng thống. Ðối với phương Tây, cuộc bầu cử này có ý nghĩa quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp với hòa bình thế giới, ổn định trong khu vực cũng như thị trường dầu khí.

hi90EYoB.jpgPhóng to
Ứng cử viên tiềm năng Saeed Jalili trong một buổi vận động tranh cử ở Tehran hôm 13-6 - Ảnh: AFP

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Tuy nhiên, đối với nhiều người dân thủ đô Tehran, đây cũng chỉ là "sự lựa chọn trong những người đã được chọn lựa kỹ"!

Giống như các cuộc bầu cử quốc hội hay tổng thống trước đây vốn luôn thu hút rất nhiều hồ sơ đăng ký ứng cử, cuộc bầu cử tổng thống năm nay cũng không là ngoại lệ với 686 ứng cử viên, trong số này có 30 phụ nữ (tất nhiên có nhiều người biết trước là hồ sơ ứng cử của họ sẽ không được duyệt). Hội đồng bầu cử gồm 12 vị, đại diện cho hội đồng giáo sĩ và tòa án, đã chấp thuận hồ sơ của tám ứng cử viên, trong số này sáu người được xem là ủng hộ đường lối bảo thủ, hai người ôn hòa.

Jalili: "Ahmadinejad phiên bản 2.0"

Những gương mặt đáng chú ý là Saeed Jalili, tổng thư ký Hội đồng An ninh tối cao, trưởng ban đàm phán về chương trình hạt nhân; Mohammad Qalibaf, thị trưởng Tehran từ năm 2005; Gholami Haddad Adel, chủ tịch quốc hội; Ali Akbar Rezale, nguyên ngoại trưởng, cố vấn ngoại giao của lãnh đạo tối cao Iran, đại giáo chủ Ali Khamenei; Mohsen Rezale, nguyên tổng chỉ huy Lực lượng vệ binh cách mạng.

Hai ứng cử viên theo đường lối cải cách trong kỳ bầu cử 2009, Hossein Moussavi - lãnh đạo Phong trào xanh và Mehdi Karroubi - nguyên chủ tịch Quốc hội Iran, đã không được ra ứng cử do đang bị quản thúc tại gia. Tổng thống đương nhiệm Mahmoud Ahmadinejad, vị tổng thống đầu tiên không phải là giáo sĩ, và giáo chủ Mohammad Khatami, vị tổng thống ủng hộ đường lối cải cách từ 1997-2005, cũng không được phép ra tranh cử nữa theo luật bầu cử. Còn giáo chủ Hashemi Rafsanjani, tổng thống Iran từ 1989-1997, bị bác hồ sơ do quá lớn tuổi (78 tuổi).

Ứng cử viên có nhiều triển vọng nhất là Jalili, 47 tuổi, một thương binh trong cuộc chiến Iran - Iraq. Báo chí phương Tây gọi ông này là "diều hâu" do thái độ rất cứng rắn đối với phương Tây trong các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran cũng như trước những cáo buộc về sự can thiệp của Tehran vào Syria. Còn đối với những người Iran bảo thủ, Jalili là đại diện cho "phong trào chống xâm lược", chỉ liên minh quân sự với Syria và phong trào Hezbollah (cũng theo Hồi giáo hệ phái Shia) tại Libăng và một số nhóm Palestine.

Theo ông Rasool Nafisi, chuyên gia về các vấn đề Iran tại Ðại học Strayer, bang Virginia (Mỹ), Jalili là "Ahmadinejad phiên bản 2.0". Còn theo nhà báo Thomas Erdbrink của báo New York Times, Jalili là người đang được giáo chủ Khamenei ủng hộ. Trong tuần qua, Jalili đã hai lần đến Qom, trung tâm tôn giáo của Iran, để gặp giáo chủ Mohammad Yazdi, nhân vật thứ hai tại Qom sau Khamenei. Yazdi cũng là người đã ủng hộ mạnh mẽ "chú ngựa ô" Ahmadinejad trong cuộc bầu cử năm 2005. Ngoài ra, Jalili cũng nhận được sự ủng hộ của Basij, Lực lượng vệ binh cách mạng đầy quyền lực tại Iran.

Lá phiếu của cử tri trẻ

Dù vậy, các ứng cử viên đều ra sức tranh thủ lực lượng cử tri trẻ. Hai cuộc bầu cử trước đây họ chịu khó đi bầu hơn những cử tri trung niên. Ðối với hơn 24 triệu thanh niên nam nữ Iran (thống kê năm 2011) thì sự trì trệ của nền kinh tế xem ra quan trọng hơn chương trình hạt nhân. Theo Ngân hàng Trung ương Iran, tỉ lệ lạm phát tháng 3-2013 là 40,84% nhưng con số thật có thể cao hơn nhiều. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên là 29-30%. Do vậy, không lạ khi các ứng cử viên đều đưa ra những lời hứa hấp dẫn về vực dậy nền kinh tế, giảm lạm phát và tạo thêm công ăn việc làm. Mohammad Reza Aref, theo khuynh hướng cải cách, tuyên bố sẽ dành ưu tiên cho việc tạo thêm 1 triệu việc làm mỗi năm cùng với một chương trình đặc biệt để giải quyết vấn đề nhà ở cho thanh niên và giảm tỉ lệ thất nghiệp. Gholam Ali Hadad Adel lại hứa sẽ có kế hoạch giúp thanh niên nam nữ "thành hôn dễ dàng" vì trong những năm gần đây nhiều thanh niên nam nữ Iran không dám kết hôn do thấy tương lai bấp bênh.

Nói chung, các ứng cử viên đều đưa ra những tuyên bố rất hùng hồn nhưng lại nói khá ít về những kế hoạch cụ thể! Có lẽ đã tiên liệu được chuyện các ứng cử viên thi nhau hứa nên ngày 4-6, trong lễ kỷ niệm 24 năm ngày mất của giáo chủ Khomeini - nhà sáng lập nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, giáo chủ Khamenei đã nhắc nhở các ứng cử viên hãy đưa ra "những lời hứa thực tế".

Những người dân thủ đô Tehran như anh bạn Mohammad P. chưa quên các cuộc biểu tình dữ dội của hàng ngàn người, kéo dài hàng tháng trời để phản đối kết quả bầu cử tổng thống năm 2009, bất chấp sự đàn áp dữ dội của cảnh sát. Sự ủng hộ mà họ dành cho ứng cử viên cải cách Hossein Moussavi dù thất bại và không thể đem lại cuộc "Cách mạng xanh" như chờ đợi, nhưng chắc cũng cho những người có thẩm quyền đối với đất nước này biết người dân cần gì, muốn gì.

QUẾ VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    H\u00f4m nay 14-6, 48 tri\u1ec7u c\u1eed tri Iran \u0111i b\u1ea7u t\u1ed5ng th\u1ed1ng. \u00d0\u1ed1i v\u1edbi ph\u01b0\u01a1ng T\u00e2y, cu\u1ed9c b\u1ea7u c\u1eed n\u00e0y c\u00f3 \u00fd ngh\u0129a quan tr\u1ecdng v\u00ec \u1ea3nh h\u01b0\u1edfng tr\u1ef1c ti\u1ebfp v\u1edbi h\u00f2a b\u00ecnh th\u1ebf gi\u1edbi, \u1ed5n \u0111\u1ecbnh trong khu v\u1ef1c c\u0169ng nh\u01b0 th\u1ecb tr\u01b0\u1eddng d\u1ea7u kh\u00ed." />