Cầu sắt Bình Lợi lùi vào lịch sử, nhưng nó sẽ được nhớ đã góp phần phát triển Sài Gòn - TP.HCM
Nhiều năm nhắc nhớ tháng ngày không quên, ông Lê Minh Đức - nguyên tổng cục phó Tổng cục Đường sắt - vẫn vẹn nguyên ký ức về cây cầu thân thương với người Sài Gòn.
“Chỉ ít ngày sửa chữa, cây cầu hỏa xa Bình Lợi bị đứt đoạn vì chiến cuộc lại được nối liền, mở đầu con đường nối liền non sông một dải.
Ông Lê Minh Đức
Nối nhịp cầu gãy
Một buổi chiều trong ngôi nhà hẻm nhỏ vốn là khu tập thể hỏa xa Sài Gòn, ông Đức từng kể cho tôi nghe rằng mình bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng ngày 27-4-1975, rồi đi ôtô vào Sài Gòn theo tốc độ chiến cuộc.
Ngày 2-5, ông tiếp quản Bộ Giao thông công chánh Sài Gòn để khôi phục tuyến đường sắt ra vĩ tuyến 17 đã bị bom đạn chiến tranh làm tê liệt.
Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên ông phải thực hiện là nối lại nhịp cầu hỏa xa Bình Lợi bị quân đội Sài Gòn phá hỏng nhằm chặn đường quân cách mạng. "Cũng may là họ không phá cầu Sài Gòn, nếu không thì nhiệm vụ nặng nề hơn nhiều" - ông Đức kể.
Xem lại các tài liệu và trao đổi với kỹ sư công chánh phụ trách cầu đường Sài Gòn, ông Đức quyết định phải nối liền nhịp cầu Bình Lợi một cách nhanh nhất, việc khởi đầu cần làm để phục hồi đường sắt Bắc - Nam. Và tuyến xe lửa Biên Hòa - Sài Gòn có thể tái hoạt động ngay nếu thông được cầu Bình Lợi.
Ông Đức kể cũng may là quân đội Sài Gòn chỉ làm sập một nhịp giữa cầu Bình Lợi cho xe cơ giới quân cách mạng không vào được cửa ngõ này, chứ họ không dùng chất nổ phá hủy hoàn toàn. Do đó, việc đầu tiên là sửa chữa nhịp cầu sập, tái sử dụng những gì còn sử dụng được.
Một chiếc sà lan hạng nặng chở được 240 tấn của Sài Gòn được chọn để lợi dụng nước triều dâng cao sẽ đưa nhịp cầu được sửa chữa này vào hai mố cầu. Trước đó, việc sửa chữa, thi công nhịp cầu đã được thực hiện ngay trên sà lan.
Tính toán kỹ thuật của ông Đức: "Tôi quyết định phương pháp dùng sà lan nổi, lợi dụng nước thủy triều dâng cao, đến lúc nước đứng thì lắp dầm cầu, đưa dầm gá vào mố trụ hai đầu. Khi nước ròng, dùng ky, kích hạ thì dầm cầu sẽ vào vị trí an toàn và nhanh nhất".
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện lắp lại nhịp cầu Bình Lợi bị trễ kế hoạch. Ngày đầu không làm kịp. Ngày thứ 2, họ tính lao dầm cầu trước lúc 6h sáng.
Chiếc canô máy lớn kéo sà lan ngược dòng nước đến vị trí lao dầm, nhưng sức nước chảy mạnh suýt làm dây kéo bị đứt. Cuối cùng đến 12h trưa, dầm cầu cũng đã được đưa lên đúng vị trí hai mố cầu. Sau đó, sà lan nhờ con nước ròng hạ thấp xuống hơn dầm cầu để canô kéo ra...
Mai này chỉ còn đoạn ngắn ven bờ để nhắc nhớ từng có một cầu Bình Lợi
Những ký ức không quên
Dòng chảy thời cuộc như nước trôi qua cầu. Bom đạn lùi vào lịch sử thì nỗi lo cơm áo dâu bể khó khăn cuốn đến, và cầu Bình Lợi lại tiếp tục là chứng nhân thời cuộc. Người trẻ thời nay không biết mấy về cây cầu cửa ngõ Sài Gòn, nhưng nhiều người cao tuổi ở thành phố đều có kỷ niệm khó quên.
Người dân sống xóm nghèo ven đầu cầu vẫn nhớ những năm cuối thập niên 1970 và 1980, Bình Lợi là một địa điểm khét tiếng "nhảy tàu".
Đó là thời kỳ quá khó khăn, không phải ai cũng có điều kiện mua được vé xe lửa để ra Bắc vào Nam, nên "nhảy tàu" là cách liều lĩnh nhất để lên được xe lửa mà không có tiền.
Lợi dụng lúc xe lửa chạy qua cầu Bình Lợi phải chạy chậm lại, người đi chui trốn sẵn dưới mố cầu hay bên thành cầu sẽ lén nhảy lên xe lửa. Hồi đó, tôi có một người bạn tên Hùng, chỉ lớn hơn mình 5 tuổi, tức tầm 15, 16 tuổi, đã thạo "chín ngón món nhảy tàu" để về quê Bắc.
Nhà Hùng ở đường Bà Hạt, quận 10, cậu ta đi bộ đến tận cầu Bình Lợi để "mật phục" xe lửa. Nghe kể, Hùng và nhiều người liều lĩnh còn leo lên cả thanh sắt vòm cầu để "phi thân" xuống nóc xe...
Thời vừa hậu chiến, cầu Bình Lợi ngày đêm có bộ đội ôm súng bảo vệ hai đầu. Đường sắt cũng có công an theo xe, ấy vậy mà Hùng và nhiều người vẫn đi Bắc về Nam bạt mạng thế này.
Tuy nhiên, nhắc nhớ cây cầu cửa ngõ Sài Gòn còn có nhiều kỷ niệm gần gũi, thân thương khác, chứ không chỉ những tay một sống hai chết.
Ông Trần Danh Nghiệp, 71 tuổi, một cựu ngư dân ngay trên sông nước này, kể: "Không hiểu sao, tầm hồi 1980 về trước, đoạn sông Sài Gòn qua chân cầu Bình Lợi nhiều cá lắm, nhiều hơn hẳn đoạn chảy qua cầu xây Sài Gòn. Đời ông bà già tui, rồi đến đời tui chỉ với chiếc ghe nhỏ quanh quẩn dưới chân cầu cũng nuôi được sắp con khôn lớn".
Những "cánh tay sắt" của cầu Bình Lợi cũ đang được tháo dỡ - Ảnh QUANG ĐỊNH
20 năm đã bỏ sông lên bờ, ông Nghiệp vẫn chưa quên những năm còn chiến tranh 1950 - 1960, nhiều mẻ lưới họ kéo cả "giạ cá", gần 40kg, ở ngay khúc sông ven thành. "Cá lăng, cá trê, cá lóc con nào cũng bự cỡ bắp tay trở lên.
Ba tui kéo cá, mẹ tui đem vào chợ chồm hổm Bà Chiểu bán cũng dư đong gạo nuôi con. Nhiều bữa còn cho cả bà con nghèo sống ở làng lụp xụp ven cầu", ông Nghiệp nhắc nhớ. Nhưng đó là cha con ông mới kéo cá vào ban ngày, ban đêm lính tráng canh gác không cho ghe xuồng đánh cá lảng vảng gần cầu Bình Lợi, "vì không phân biệt được dân chài hay... đặc công nước nhập thành".
Người ta tin rằng cá nhiều ở đây do chúng quần tụ quanh các trụ cầu mát mẻ suốt ngày. Nhưng cũng có người cho là nơi này gần đầu mấy nhánh kênh đổ ra nên cá gom về tìm thức ăn.
Sau chiến tranh, ông Nghiệp cũng như nhiều dân chài khác vẫn còn kiếm cá được ở đoạn sông này, mãi đến những năm cuối thập niên 1980 mẻ lưới của họ mới thưa thớt dần vì ít cá. Nhiều người lên bờ kiếm nghề khác sinh nhai, nhưng gia đình ông Nghiệp vẫn nương tựa dưới bóng cầu Bình Lợi mãi đến năm 1993 mới giã từ sông nước...
Những ngày này, cầu Bình Lợi đang được người ta hối hả tháo dỡ. Mai sau, người qua cầu xây mới sẽ chỉ thấy một đoạn nhỏ sắt thép hoen gỉ ven bờ "bảo tồn lịch sử", mà cũng có thể chẳng mấy người để ý cái vụn vỡ còn sót của bao cuộc bể dâu.
Nhưng những người lớn tuổi như ông Nghiệp chắc chắn sẽ khó quên. Những người chạy lánh bom đạn chiến tranh về nương bóng chân cầu. Rồi hòa bình lặp lại, bao đoàn người lại qua cửa ngõ này để về những vùng đất kinh tế với bao khó khăn đổi thay cuộc đời...
Thời cuộc như nước trôi qua cầu. Tiếc và nhớ! Nhưng cái gì ở đời không đổi thay?
Cây cầu phát triển
"Gần đây có người gọi Bình Lợi là cây cầu tự tử, vì nhiều người ra đây nhảy sông, nhưng không nên gọi buồn như thế. Phải nói đúng đây là cây cầu chứng nhân lịch sử của Sài Gòn - TP.HCM. Vương triều hưng thịnh và suy vong.
Pháp đến rồi đi. Người Mỹ và khói lửa chiến tranh 20 năm. Tất cả đều như dâu bể vụt trôi qua cầu. Rồi suốt thời gian khó khăn sau năm 1975 và đổi mới, cầu Bình Lợi vẫn là cửa ngõ đường sắt cho Nam - Bắc lưu thông. Nó góp phần gánh cả nhiệm vụ phát triển đất nước".
(Nhà nghiên cứu Sài Gòn Nguyễn Đình Tư)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận