30/07/2024 08:16 GMT+7

Bình Dương chủ động 'giải cứu' tiến độ quốc lộ 13

Để 'giải cứu' tiến độ quốc lộ 13, ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết hiện địa phương đã thống nhất với ngành điện lực là trước mắt ngân sách địa phương sẽ ứng tiền để di dời lưới điện.

Bình Dương chủ động 'giải cứu' tiến độ quốc lộ 13- Ảnh 1.

Các cột điện trên quốc lộ 13 đoạn qua thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương đang được di dời để bàn giao mặt bằng mở rộng thêm hai làn xe (ảnh chụp tháng 7-2024)

Sau này khi có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trung ương, chi phí di dời lưới điện nói trên do ngành điện lực hoàn trả hoặc tính vào chi phí dự án thì sẽ thực hiện theo kết luận chính thức.

Ông Minh cho biết thêm đã yêu cầu các nhà thầu thi công cắm các trụ điện dọc trên tuyến quốc lộ 13 kết hợp với cắt điện di dời phải hạn chế thời gian mất điện.

Đồng thời phải đảm bảo tiến độ di dời lưới điện từ nay tới tháng 10-2024 nhằm sớm hoàn thành toàn bộ dự án.

Lý giải thêm về vướng mắc của việc di dời lưới điện để thi công quốc lộ 13, một cán bộ am hiểu cho biết có sự "vênh" nhau giữa quy định của nghị định về quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và Luật Đất đai 2013.

Theo nghị định thì với các dự án như quốc lộ 13 tại Bình Dương, trách nhiệm di dời lưới điện là của chủ đầu tư công trình (cam kết tự di dời và không yêu cầu bồi thường).

Trong khi quy định của Luật Đất đai thì chi phí di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật (bao gồm cả lưới điện, nước, cáp điện thoại, Internet…) được phê duyệt thuộc chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.

Một lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết với một số dự án giao thông trọng điểm khác tại địa bàn thì việc di dời lưới điện và hạ tầng kỹ thuật cũng là một khâu quan trọng để bàn giao mặt bằng thi công, tuy nhiên đã có hướng ra.

Ví dụ như với các dự án có tính chất đầu tư mở mới tuyến đường (không phải cải tạo mở rộng đường hiện hữu) như vành đai 3 TP.HCM thì chi phí di dời được tính vào chi phí của tuyến đường.

Hiện chủ đầu tư dự án vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn Bình Dương đang di dời đường ống cấp nước, cáp viễn thông, lưới điện trung hạ thế… thuộc phạm vi dự án theo đúng quy định.

Phải xử lý đơn vị triển khai thủ tục ì ạch

TS Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - cho hay trong các dự án lúc triển khai đều có kinh phí để đảm bảo di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Để đảm bảo tiến độ dự án thì cần phải nghiên cứu để rút ngắn các thủ tục hành chính. Chẳng hạn trong quá trình thi công nếu một số vị trí cần mặt bằng cấp bách có thể phê duyệt cục bộ phương án di dời tạm thời để thực hiện.

Nếu thiếu kinh phí, có thể đề xuất tạm ứng kinh phí để làm ngay thay vì chờ các thủ tục xong mới triển khai.

Cũng theo ông Thuận, với các dự án giao thông, công tác khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng, đền bù.

Vì vậy, thật khó để chấp nhận rằng việc khó nhất của các dự án là giải tỏa nhà dân đã làm xong, còn các trụ điện ít phức tạp hơn lại còn chình ình trên tuyến, cản trở tiến độ dự án.

Để đảm bảo tiến độ chung của toàn dự án, cần thiết phải xử lý trách nhiệm đơn vị làm kéo dài thủ tục gây nên chậm trễ này.

Bình Dương muốn bán đấu giá nhiều khu đất để phát triển hạ tầngBình Dương muốn bán đấu giá nhiều khu đất để phát triển hạ tầng

Để có nguồn lực phát triển hạ tầng, tỉnh Bình Dương lên kế hoạch bán đấu giá nhiều khu đất lớn, đồng thời xây dựng đề án khai thác các quỹ đất với quy mô hàng chục ngàn ha.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên