Ngày 17-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra, một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh tiếp thu các nội dung được kết luận và chủ động rà soát, thực hiện các yêu cầu được nêu ra trong kết luận thanh tra, trong đó sẽ chấn chỉnh các dự án bất động sản có sai phạm.
Một trong những nội dung liên quan tới nhiều người dân là tình trạng phân lô bất động sản, xây dựng trái quy định được Thanh tra Chính phủ nhận định là "phức tạp, diễn ra trong thời gian dài".
Theo kết luận thanh tra, Bình Dương đã "để xảy ra tình trạng phân lô, tách thửa tự phát, xây dựng trái phép, không phép tại nhiều huyện, thị, thành phố".
Trong thời kỳ thanh tra (từ năm 2011 đến 2019), các địa bàn có nhiều khu phân lô như thành phố Dĩ An có 362 khu với tổng diện tích hơn 114ha (chủ yếu hình thành trước năm 2014), Thuận An có 187 khu với tổng diện tích hơn 65ha...
Hay TP Tân Uyên có 99 khu với tổng diện tích 58,6ha, trong đó có nhiều khu hình thành sau năm 2014 dù đã có chấn chỉnh của chủ tịch UBND tỉnh thời điểm đó.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết thực hiện yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, tỉnh Bình Dương sẽ tiến hành thanh tra toàn diện việc "phân lô, bán nền" trái phép trong toàn tỉnh. Ngoài ra tỉnh sẽ thanh tra các dự án nhà ở thương mại chậm tiến độ, xác định lại giá đất làm căn cứ nộp tiền sử dụng đất với các dự án bất động sản...
Vừa qua, Thanh tra tỉnh Bình Dương đã tiến hành thanh tra một số dự án bất động sản có sai phạm, có tình trạng người dân khiếu kiện đông người như chung cư Roxana Plaza trên quốc lộ 13 (ngay cổng chào tỉnh Bình Dương, giáp với TP.HCM), khu nhà ở Suối Giữa (TP Thủ Dầu Một)…
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Bình Dương kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan tới các sai phạm đã được kết luận chỉ ra. Ngoài ra còn yêu cầu xử lý tài chính, truy thu đối với một số dự án nhà ở thương mại, dự án thuê đất của Nhà nước… để tránh thất thoát cho ngân sách.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, đoàn thanh tra được thành lập theo quyết định của Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn, bắt đầu thực hiện từ tháng 12-2020 nhưng tới nay sau gần 3 năm mới công bố kết luận.
Ông Trần Văn Mây - trưởng đoàn thanh tra, cục trưởng Cục 3 Thanh tra Chính phủ - cho biết thời kỳ thanh tra và nội dung thanh tra tại Bình Dương khá rộng, gồm các nội dung như thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quản lý sử dụng đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh sang đất ở...
Bình Dương "siết" việc quản lý bất động sản công
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bình Dương có tới hơn 8.700 thửa đất công với tổng diện tích hơn 2.885ha. Trong đó có hơn 1.500 thửa đất với diện tích hơn 580ha là đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp…
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương đã thu hồi 4 trụ sở công từng giao cho doanh nghiệp khai thác kinh doanh không qua đấu giá, gồm: trụ sở cũ của Ban tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, nhà khách Tỉnh ủy và văn phòng Tỉnh ủy.
Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Dương đã bán đấu giá được 5 khu đất với tổng diện tích hơn 45ha. Hiện trung tâm này đang quản lý 9 khu đất khác với tổng diện tích gần 24ha, đang được lên phương án đấu giá theo quy định.
Về tài sản tại doanh nghiệp nhà nước, có tới 9 trong tổng số 11 doanh nghiệp thuộc UBND tỉnh Bình Dương quản lý đã được cổ phần hóa. Các doanh nghiệp này đang tiếp tục sử dụng khoảng 240 khu đất với tổng diện tích hơn 17.206ha.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận