Lãnh đạo tỉnh Bình Dương chứng kiến nhà đầu tư Singapore và chủ đầu tư dự án "Thành phố mới" ký kết hợp tác phát triển - Ảnh: B.S.
Dịp kỷ niệm 25 năm xây dựng và phát triển của Bình Dương (1997-2022) đánh dấu nhiều nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền và người dân trong tỉnh để vượt qua COVID-19 với những tín hiệu vui.
Sau 25 năm xây dựng và phát triển, hệ thống hạ tầng Bình Dương được đầu tư bài bản và quy mô. Bình Dương đang nỗ lực tìm kiếm cách làm mới thông qua chương trình xây dựng "TP thông minh", thúc đẩy các dự án giao thông kết nối vùng… để tiếp tục là "vùng đất hứa" cho nhiều người tới lập nghiệp, sinh sống.
Ông Võ Văn Minh (chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương)
Thêm công trình kết nối
Ngày 27-12, UBND tỉnh Bình Dương và UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Bạch Đằng 2, bắc qua sông Đồng Nai, là một trong những công trình không chỉ kết nối hai tỉnh mà còn góp phần phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong khi đó, cầu bắc qua sông Sài Gòn và đường nối giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh cũng đang được nỗ lực thi công để sớm đưa vào sử dụng.
Đối với tuyến đường huyết mạch cho xe tải, xe container vận chuyển hàng hóa giữa Bình Dương - TP.HCM là đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã được thông xe tại "nút thắt" cuối cùng với đường ĐT741 (TP Thủ Dầu Một) để tạo "dải lụa" toàn tuyến.
Đường ĐT743 nối Bình Dương và quốc lộ 1 cũng đã xong công đoạn giải phóng mặt bằng, đang gấp rút mở rộng lên 6 làn xe. Đối với ngã tư 550 (TP Dĩ An và Thuận An) là nút giao thông huyết mạch thường xuyên kẹt xe cũng đang chuẩn bị xây dựng cầu vượt...
Các phân đoạn của tuyến đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng kết nối các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới ở phía bắc của tỉnh Bình Dương cũng bắt đầu được triển khai.
Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết trong bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh, trong đó Bình Dương có khoảng bốn tháng bị "khóa chặt, đông cứng" nên gần như các hoạt động bị tạm dừng để tập trung chống dịch. Nay khi dịch bệnh đã được kiềm chế, tỉnh đẩy mạnh các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng, các dự án "đòn bẩy" để thu hút, thúc đẩy các dự án đầu tư của xã hội.
Nhiều dự án lớn
Mới đây, vào ngày 8-12, một dự án với quy mô lên tới hơn 1 tỉ USD được Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) và chủ đầu tư Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) ký ghi nhớ hợp tác với sự chứng kiến của Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh và lãnh đạo các bộ ngành. Dự kiến, nhà máy của Tập đoàn LEGO tại Bình Dương sẽ được xây dựng trên khu đất rộng 44ha, mang đến 4.000 cơ hội việc làm trong vòng 15 năm tới.
Giữa tháng 12-2021, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương, Tập đoàn CapitaLand (Singapore) và Tổng công ty Becamex IDC đã ký kết hợp tác để phát triển TP mới.
Ông Ronald Tay - tổng giám đốc CapitaLand Development - cho rằng Bình Dương có hạ tầng đồng bộ với chiến lược rõ ràng nên tập đoàn này đã tin tưởng đầu tư dự án quy mô lớn với tổng diện tích 18,9ha; sẽ góp phần tạo quỹ nhà ở cho khoảng 13.000 dân...
Cũng tại TP mới Bình Dương, Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) tiếp tục triển khai nhiều dự án, trong đó sẽ có siêu thị quy mô lớn để tạo ra các tiện ích cho người dân...
Theo Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Dương, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng với nhiều hoạt động nỗ lực tiếp thị đầu tư trực tuyến, dòng vốn đầu tư vào tỉnh không bị sụt giảm mà tiếp tục thu hút nhiều dự án khả quan. Tính từ đầu năm tới ngày 15-11-2021, Bình Dương đã thu hút thêm hàng trăm dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư mới hoặc tăng vốn đầu tư.
Tổng vốn FDI đã đăng ký được hơn 2 tỉ USD (chưa tính dự án hơn 1 tỉ USD của Tập đoàn LEGO). Bình Dương tiếp tục thuộc top dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với trên 4.000 dự án đang hoạt động, có tổng vốn đăng ký 37 tỉ USD (chỉ đứng sau TP.HCM).
Gần 500 tỉ đồng xây cầu Bạch Đằng 2 nối Bình Dương - Đồng Nai
Thi công cầu Bạch Đằng 2 nối Bình Dương và Đồng Nai - Ảnh: B.SƠN
Cầu Bạch Đằng 2 nối Bình Dương và Đồng Nai và đường nối có quy mô 4 làn xe, nối giữa thị xã Tân Uyên (Bình Dương) và huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai). Tổng mức đầu tư của dự án trên 490 tỉ đồng, do ngân sách hai tỉnh cùng đóng góp mỗi bên một nửa.
Dự án được giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư. Dự án là một trong những công trình được khởi động để chào mừng 25 năm phát triển tỉnh Bình Dương (1997-2022) và dự kiến được đưa vào hoạt động sau 15 tháng xây dựng.
Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết cầu có tổng mức đầu tư không lớn nhưng là một trong các công trình có ý nghĩa quan trọng, góp phần kết nối giữa hai tỉnh nên được ưu tiên làm ngay. Cầu Bạch Đằng 2 sau khi hoàn thành sẽ kết nối đường ĐT747 (tỉnh Bình Dương) và ĐT768 (tỉnh Đồng Nai). Qua đó cầu sẽ góp phần tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đi lại của nhân lực trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Cao Tiến Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết cầu Bạch Đằng 2 không chỉ là công trình mơ ước của người dân địa phương nơi có cầu mà còn có tính liên kết vùng. Ngoài cây cầu vừa khởi công, UBND hai tỉnh còn tính toán để triển khai nhiều công trình nữa để kết nối Đồng Nai, Bình Dương.
Trước mắt, phía tỉnh Bình Dương sẽ làm đường nối cầu Bạch Đằng 1 và cầu Bạch Đằng 2 thuộc địa phận của mình, còn phía Đồng Nai cũng sẽ làm đường dẫn từ cầu tới hương lộ 7, triển khai đường vành đai 4 Biên Hòa... nhằm "kéo dài" hiệu quả dự án.
Trong tương lai, với các công trình kết nối Bình Dương và các tỉnh được xây dựng còn tạo ra các trục kết nối thuận tiện cho hàng hóa, phương tiện từ các tỉnh ở Tây Nguyên, Bình Phước, Tây Ninh... lưu thông tới sân bay Long Thành và các cảng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận