22/12/2016 19:04 GMT+7

Bình Định: nông dân khổ sở cứu ruộng sau lũ

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Nước lũ vừa rút, nhiều nông dân ở tỉnh Bình Định đã đổ ra đồng cứu những đám ruộng bị bồi lấp nặng nề sau năm đợt lũ lớn. Người chăn nuôi cũng cố gượng dậy sau khi bị lũ gây thiệt hại nặng nề.

Chuồng trại nuôi heo trong nông trại của bà Trịnh Thị Tam (xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) bị lũ cuốn đổ sập – Ảnh: DUY THANH
Chuồng trại nuôi heo trong nông trại của bà Trịnh Thị Tam (xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) bị lũ cuốn đổ sập - Ảnh: DUY THANH

Sáng 22-12, ông Phạm Đình Hóa, nông dân thôn An Điềm (xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), cùng hơn mười thanh niên vác cuốc, xẻng, trang ra đám ruộng hai sào (1.000m2) ở cánh đồng Cải Tạo xúc lớp cát dày 40-50cm mà lũ “ném” vào ruộng ông và cả cánh đồng này.

Giúp nhau dẹp “sa bồi thủy phá”

Cánh đồng sáng nay như một bãi cát khổng lồ! Trên các thửa ruộng, người cào cát thành đống, người xúc lên thùng các xe máy cày loại trung để chở đi đổ ở nơi khác. Không khí cứu ruộng khẩn trương như đang vào vụ mùa.

Ruộng ông Hóa bị sa bồi khoảng một sào, lượng cát lên đến 200m3 nên ông phải thuê cùng lúc ba máy cày chở cát đi nơi khác đổ.

“Mấy chục năm nay tôi làm ruộng xứ này, chưa bao giờ gặp cơn lũ khủng khiếp như đợt ngày 15-12. Lũ trên sông La Tinh ào về, nước dâng nhanh đến thấy. Mấy ngày sau lũ rút thì khoảng 3ha, chiếm hơn nửa cánh đồng, bị lấp một lớp cát, sỏi dày cộp. Tui phải dọn gấp vì quá chậm lịch thời vụ rồi” - quệt dòng mồ hôi chảy từ thái dương xuống má, ông Hóa nói.

Mấy hôm trước, ông phải chạy đôn đáo đi nhờ những người bà con và trai tráng trong làng để hôm nay ra ruộng cào, xúc cát. “Mười con người, ba chiếc máy cày, nhưng chắc phải xúc hơn hai ngày mới tạm hết cát trong ruộng ông Hóa. Tụi tui đều là nông dân, giúp qua giúp lại lúc khó khăn thôi, không tính thiệt hơn chi” - anh Phan Hữu Hiếu, một thanh niên đang xúc cát trên ruộng giúp ông Hóa, cho hay.

Nếu cánh đồng Cải Tạo có hàng chục người đang nỗ lực giải phóng sa bồi thì cánh đồng rộng lớn ở bờ tả sông La Tinh, phía dưới cầu Cát Lâm bị bồi lấp khủng khiếp hơn lại vắng bóng nông dân.

Chị Phạm Thị Lệ có bốn sào ruộng ở đồng này, đứng nhìn đám ruộng với ánh mắt bất lực: “Cát, đá, cây cối bồi lên ruộng hơn cả mét như vầy thì làm sao múc đi được. Nếu không được chính quyền hỗ trợ giúp nạo vét thì cánh đồng không chỉ phải dừng sản xuất vụ này đâu!”.

Cả xã Cát Lâm có 43,5ha ruộng ở ven sông bị sa bồi sau trận lũ giữa tháng 12, trong đó có khoảng 30ha bị nặng.

“Xã đã báo cáo với huyện nhờ hỗ trợ lực lượng của huyện đội, công an huyện, Huyện đoàn để phối hợp với người của địa phương và nông dân mới có thể xử lý được diện tích ruộng bị sa bồi, một số ruộng phải dùng cơ giới chứ người không thể làm nổi” - ông Trương Ngọc Hạnh, phó chủ tịch UBND xã Cát Lâm, nói.

Ông Phạm Đình Hóa (đứng, ở xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) cùng các thanh niên, người thân xúc cát bồi lấp trên ruộng đưa lên máy cày để kịp sản xuất vụ đông xuân – Ảnh: DUY THANH
Ông Phạm Đình Hóa (đứng, ở xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) cùng các thanh niên, người thân xúc cát bồi lấp trên ruộng đưa lên máy cày để kịp sản xuất vụ đông xuân - Ảnh: DUY THANH

 

Đôn đáo tìm mua lúa giống

Vài ngày trước, ông Hoàng Ngọc Liên ở thôn Hội Long (xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân) cùng một số nông dân phải chạy xuống Trung tâm Giống cây trồng đặt tại huyện Hoài Nhơn mua giống lúa chuẩn bị gieo sạ.

“Nhà tôi làm bốn sào ruộng, đợt đầu mới gieo bị lũ cuốn, đợt hai mới ngâm ủ thì lũ về nên giống bỏ luôn. Hàng trăm nông dân bị cảnh này lắm, ai cũng hết lúa giống, nên giờ phải chạy đi tìm nơi bán giống có chất lượng để về sạ lại. Mong là đừng có thêm trận lụt muộn nào nữa” - ông Liên bày tỏ.

Theo ông Hoàng Phi Long - chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, các đợt lũ đã làm nông dân địa phương này mất sạch 54 tấn lúa giống.

Trong lúc người trồng lúa vất vả cứu ruộng thì người chăn nuôi cũng gắng gượng vực dậy chuồng trại sau lũ. Đầu giờ chiều 22-12, vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng (xã Cát Sơn, huyện Phù Cát) chạy xe máy đến nông trại rộng lớn, kiên cố chăm sóc đàn heo còn lại.

Ông Dũng cùng người hàng xóm là bà Trình Thị Tam xây dựng hệ thống chuồng trại này xong hồi tháng 7-2016. Ông nuôi 150 con heo thịt, còn bà Tam nuôi 65 con.

Heo chết 53 con, hai ngăn chuồng của ông Nguyễn Văn Dũng (xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) giờ bỏ không – Ảnh: DUY THANH
Heo chết 53 con, hai ngăn chuồng của ông Nguyễn Văn Dũng (xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) giờ bỏ không - Ảnh: DUY THANH

“Giữa trưa 15-12, vợ chồng tôi về nhà ăn cơm, định bụng nghỉ trưa một lát rồi ra với đàn heo. Ai dè khoảng 12g30 thì nước ngập cầu, không qua được. Chỉ hai tiếng đồng hồ sau, tôi đứng bên này nhìn dãy chuồng đã ngập 1,5m nước mà nước mắt chảy dài, nghĩ đàn heo chắc chết hết rồi!” - ông Dũng kể.

Trưa hôm sau, ông đi bọc qua núi mới vô được nông trại thì chết điếng khi thấy cảnh tượng hàng chục con heo bê bết bùn đất nằm chết bên trong, bên ngoài chuồng, số còn sống thì rất yếu vì lạnh và đói.

“Tui muốn khuỵu xuống khi thấy cảnh tượng đó. Bao nhiêu tiền của, hi vọng của gia đình đặt vào nông trại giờ đã bị lũ cuốn” - ông Dũng đỏ hoe mắt khi nhớ lại. Dù được ủ ấm, tiêm thuốc bổ… nhưng đàn heo sau lũ vẫn bị lạnh và chết dần mòn, tổng cộng hai chủ nuôi đã mất 72 con heo do lũ, chưa kể kho cám cũng vứt luôn vì bị lũ nhấn chìm, chuồng trại của bà Tam bị sập.

“Tui thiệt hại gần 300 triệu đồng, còn số nợ tiền cám là 200 triệu đồng. Giờ cố chăm sóc cho số heo còn lại không bị chết nữa để sắp tết xuất bán một số lớn, trả bớt nợ nần rồi tính tiếp” - ông Dũng cho hay.

Nông nghiệp thiệt hại nặng nề

Theo ông Hồ Quốc Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, mưa lũ làm hơn 2.250ha lúa mùa đang trổ bị ngập úng, hư hỏng; 17.300ha lúa đông xuân mới gieo sạ bị hư hoàn toàn; 1.012 tấn lúa giống bị ngập, hỏng; 1.500ha ruộng bị sa bồi thủy phá; gần 3.200 gia súc, 195.000 gia cầm bị cuốn trôi...

Theo ông Dũng, trong khi chờ trung ương hỗ trợ, tỉnh quyết định mua chịu lúa giống để cấp cho dân gieo sạ kịp lịch thời vụ đã điều chỉnh lần thứ ba. Còn về hạ tầng thủy lợi hư hỏng, tỉnh chỉ đạo khắc phục tạm thời đến trước Tết Nguyên đán, đảm bảo cung cấp nước tưới cho vụ đông xuân, sau đó tìm nguồn lực kiên cố hóa.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên