Sạt lở kinh hoàng tại khu vực núi Cấm, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, 40 căn nhà bị đất đá vùi lấp - Ảnh: LÂM THIÊN
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, nội dung công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai nói trên là khắc phục khẩn cấp hậu quả sạt lở tại núi Cấm và xây dựng khu tái định cư khẩn cấp cho 117 hộ dân sống trong vùng sạt lở tại này.
Quy mô khắc phục hậu quả sạt lở tại núi Cấm là đào dọn toàn bộ khối lượng đất, đá sạt lở, vận chuyển đến bãi thải theo quy định và tổ chức đưa 117 hộ dân ra ngoài vùng nguy hiểm.
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu địa phương, các ngành chức năng nghiên cứu giải pháp hạn chế sạt lở; chuyển đổi rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, từng bước khôi phục hiện trạng núi Cấm (không cho khai thác cây trồng hiện trạng), tạm dừng các hoạt động khai thác gỗ keo, ngăn chặn việc khai thác các loại cây phía trên núi.
Đồng thời, xây dựng mới công trình hạ tầng kỹ thuật, quy mô cấp IV (diện tích san lấp mặt bằng khoảng 4,5ha) làm khu tái định cư cho 117 hộ dân đang nằm trong vùng nguy hiểm dưới chân núi Cấm.
"Hiện tại, UBND tỉnh giao UBND huyện Phù Cát thông báo, cảnh báo cho người dân biết vị trí trên đường giao thông dưới chân núi Cấm bị ảnh hưởng, thường xuyên theo dõi quá trình sạt lở núi Cấm, thông báo cho người dân được biết để phòng tránh. Tổ chức sơ tán 117 hộ dân ra ngoài vùng sạt lở, nguy hiểm", ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết thêm.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định giao Sở Kế hoạch - đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan hướng dẫn UBND huyện Phù Cát thực hiện dự án khẩn cấp theo đúng quy định.
Trước đó, trong tháng 11-2021, huyện Phù Cát có mưa rất to gây sạt lở tại khu vực núi Cấm thuộc thôn Chánh Thắng (xã Cát Thành) khiến hơn 35.000m3 đất đá từ trên đỉnh núi Cấm đổ xuống khu dân cư, chảy vào nhà và sân vườn của hơn 40 hộ dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của 117 hộ dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận