28/06/2008 03:00 GMT+7

Bình đẳng giới, chuyện mơ!

LAN ANH
LAN ANH

TT - Báo chí, phim ảnh... đã nói rất nhiều về bình đẳng giới, nhưng trong điều tra quốc gia lần đầu tiên về gia đình do Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch và Unicef vừa công bố, bình đẳng giới vẫn còn là chuyện trong tương lai ở VN!

SPYU8B75.jpgPhóng to
Chăm con là công việc thắt chặt tình cảm cha con nhưng có rất ít ông bố Việt chịu làm (ảnh chỉ mang tính minh họa) - Ảnh: Gia Tiến
TT - Báo chí, phim ảnh... đã nói rất nhiều về bình đẳng giới, nhưng trong điều tra quốc gia lần đầu tiên về gia đình do Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch và Unicef vừa công bố, bình đẳng giới vẫn còn là chuyện trong tương lai ở VN!

Một số thống kê của điều tra này cho thấy số phụ nữ và nam giới đứng tên sở hữu tài sản (nhà, đất, công cụ sản xuất...) gần tương đương nhau. Theo một số chuyên gia, chỉ báo này thể hiện sự bình đẳng trong gia đình đã có những bước tiến quan trọng. Nhưng thực tế, chính trong điều tra này, phụ nữ lại dành thời gian gấp... sáu lần so với nam giới trong việc chăm sóc con dưới 15 tuổi!

Bên cạnh đó, dù chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình đã được Nhà nước ta thực hiện nhiều năm, nhưng một tỉ lệ rất lớn người dân vẫn rất thích có con trai. Mà mục tiêu của việc có con trai là để mọi người khỏi cười chê (6,4%), và cái chính là để có người nối dõi tông đường (85,7%)!

Nhóm điều tra đã đi thực tế để quan sát sự bình đẳng giới trong thực hiện các công việc gia đình. Tỉ lệ thật đáng ngạc nhiên: số nam giới tham gia các công việc nội trợ chỉ chiếm một con số cực kỳ khiêm tốn là 3,5%, trong khi đó số chị em "đầu tắt mặt tối" với việc nhà lên đến 82,5%! Trong chăm sóc con cái, tỉ lệ bình đẳng giới cũng rất chênh lệch: 68,3% phụ nữ chăm sóc con, nhưng chỉ có 2,4% nam giới chịu khổ cùng vợ để thực hiện công việc đầy tình cảm này. Việc chăm sóc người già, người ốm trong gia đình cũng gần như là "đặc quyền" của phụ nữ. Trong khi về hoạt động sản xuất, kinh doanh ở gia đình, tỉ lệ nữ và nam tham gia gần như nhau, với 27,6% nữ và 36,7% nam.

Cũng theo điều tra nói trên, tỉ lệ người chồng ở khu vực nông thôn đứng tên ba loại tài sản lớn của hộ gia đình là nhà ở - đất ở, đất canh tác, cơ sở sản xuất kinh doanh đều cao hơn rất nhiều so với người vợ. Ở thành thị, tỉ lệ này có cân bằng hơn chút ít do có nguyên nhân mang tính lịch sử: nhà đất do Nhà nước phân phối thường do phụ nữ đứng tên. Trong trường hợp ly hôn, nhóm nghiên cứu kết luận phụ nữ thường là người chịu thiệt thòi nhiều nhất do phần lớn họ đảm nhận việc chăm sóc con cái, nhưng rất ít người được nhận cấp dưỡng nuôi con từ phía người chồng dù đã được tòa xử!

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên