19/08/2018 19:44 GMT+7

Bình đẳng công - tư mới có tự chủ đại học

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Tự chủ đại học được coi là giải pháp để các trường đại học công lập bứt phá, phát triển, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước.

Bình đẳng công - tư mới có tự chủ đại học - Ảnh 1.

Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - Ảnh: M. GIẢNG

Còn các trường ĐH ngoài công lập tự chủ ngay từ khi thành lập nhưng sự phát triển về số lượng, chất lượng vẫn chưa như mong muốn và kỳ vọng.

Các trường nói sao về vấn đề này?

Một khi công - tư bình đẳng, không chỉ trường tư phát triển tốt hơn mà ngay cả các trường công cũng năng động hơn, không còn ỷ lại và sẽ có những bước phát triển cao hơn, góp phần đưa hệ thống giáo dục ĐH phát triển hài hòa và đồng đều.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng (hiệu trưởng ĐH Nguyễn Tất Thành)


* TS LÊ TRƯỜNG TÙNG (chủ tịch HĐQT ĐH FPT):

Phải bỏ hết "giấy phép con" giáo dục

Trong hệ thống giáo dục ĐH hiện nay, các trường công chiếm tới 86% số sinh viên, các trường tư mới chỉ chiếm 14%. Do đó, nói đến thật ra đó là "cởi trói" cho các trường công.

Các trường tư mang tiếng tự chủ nhưng thực sự vẫn còn nhiều việc phải xin phép, được đồng ý mới được làm. Các trường tư bị những rào cản về hành lang pháp lý này, nên dù là tự chủ nhưng bị giới hạn rất nhiều.

Trường tư tự chủ toàn bộ về kinh phí, nhân sự, học thuật nhưng mở ngành phải xin, tuyển sinh theo mong muốn phải xin, liên kết quốc tế cũng xin... Cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng để các trường căn cứ vào đó thực hiện, cơ quan quản lý hậu kiểm, xử phạt nếu trường làm sai, trong lĩnh vực kinh tế người ta gọi là bỏ hết các giấy phép con.

Điều quan trọng nhất của tự chủ là có những căn cứ pháp lý rõ ràng để các trường làm mà không phải xin phép. Với trường công tự chủ, dù gì họ cũng là tổ chức công nên chỉ làm những gì được phép, trong khi trường tư sẽ làm những gì không cấm.

* PGS.TS TRẦN THỊ MỸ DIỆU (hiệu trưởng ĐH Văn Lang):

Cần cạnh tranh minh bạch và sòng phẳng

Có thể gọi trường tư thục là tự chủ, nhưng chỉ là tự chủ nửa vời bởi nhiều thứ vẫn phải nằm trong khuôn khổ, vẫn phải xin phép. Ngay cả trường có thế mạnh, có nguồn lực về lĩnh vực nào đó, đã được kiểm định và muốn phát triển mạnh hơn, mở rộng đào tạo nhưng nếu bộ không cho vẫn không thể triển khai được.

Trường tư phải tự đầu tư mọi thứ, nếu không có nguồn lực tốt sẽ khó phát triển được. Ngay cả khi có nguồn lực đầu tư ban đầu tốt vẫn cần thời gian dài để phát triển đội ngũ, cơ sở vật chất như mong muốn trước khi có tích lũy, tái đầu tư mạnh mẽ để phát triển cao hơn.

Tự chủ là để các trường tự quyết định sao cho hiệu quả nhất nhưng trong tình hình hiện nay, rất nhiều vấn đề các trường không thể tự quyết.

Trường ngoài công lập thực sự gặp rất nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh khốc liệt với khối trường công lập hùng mạnh cả về số lượng và các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, uy tín. Đầu vào trường ngoài công lập phần lớn là những thí sinh không đủ điểm vào trường công.

Để đảm bảo chất lượng và uy tín, sinh viên tốt nghiệp được xã hội thừa nhận, trường ngoài công lập phải bỏ ra nhiều công sức hơn, đào tạo nhiều hơn để có chất lượng cân bằng với trường công.

Không chỉ cạnh tranh đầu vào, mà đầu ra trường ngoài công lập cũng phải cố gắng gấp bội so với trường công để có sản phẩm chất lượng tương đương.

Nếu có sự bình đẳng công - tư, vận hành của các trường sẽ rất khác và khi đó xã hội đánh giá được sự khác biệt về quy trình hoạt động cũng như chất lượng của các trường. Khi đó, sự cạnh tranh sẽ minh bạch và sòng phẳng hơn, đóng góp tốt hơn cho xã hội và các trường sẽ có cơ hội nhiều hơn để phát triển, khẳng định mình.

* TS NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO (chủ tịch HĐQT ĐH Đông Á, Đà Nẵng):

Nhà nước chỉ đầu tư ngành trọng điểm

Giáo dục công - tư là đường hướng phát triển chiến lược về giáo dục và con người. Vì thế phải điều phối sao cho nhịp nhàng, hợp lý, trao cho các trường niềm tin và động lực, phát huy lợi thế của mỗi loại hình trường, mỗi trường chứ không chỉ để bảo hộ trường công.

Nhà nước chỉ nên đầu tư những ngành trọng điểm, những ngành mà các trường ngoài công lập không đào tạo được, còn lại nên để các trường cạnh tranh bình đẳng, như thế vừa tiết kiệm ngân sách vừa tạo động lực để các trường phát triển.

Các trường ngoài công lập gặp nhiều trở ngại trong quá trình phát triển có nguyên nhân chính do sự điều phối chưa phù hợp, chưa bình đẳng. Những gì Nhà nước khuyến khích phát triển thì cho cạnh tranh, công - tư gì cũng cạnh tranh công bằng theo luật.

Trường tư như cây mọc giữa nơi khắc nghiệt, phải học cách thích nghi để tồn tại và phát triển, trong khi trường công được trồng ở mảnh đất màu mỡ và được chăm bón thường xuyên.

Cần phải có chính sách công bằng công - tư về tiếp cận các nguồn vay ưu đãi, nguồn chất xám từ đầu tư của Nhà nước (những người học nước ngoài bằng ngân sách) cũng nên cho phép trường tư tiếp cận, bởi hiện nay mới chỉ có trường công được thụ hưởng là bất hợp lý.

* TS HOÀNG NGỌC VINH (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT):

Quan trọng là quản trị ĐH

So với trường công, các trường tư thục đã tự chủ gần như toàn bộ về nhân sự, tài chính, học thuật... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được tự chủ hoàn toàn, chẳng hạn mở ngành, mở cơ sở đào tạo ngoài trụ sở chính, liên kết đào tạo.

Hiện nay, hệ thống các trường tư thục có sự phát triển khá nhanh cả về cơ sở vật chất, vốn liếng, đội ngũ, đào tạo, tuy nhiên cũng có không ít trường còn nhiều khó khăn.

Các trường tư không lớn, không phát triển được bởi họ phải cạnh tranh không bình đẳng với trường công. Trường công vốn có lợi thế về vị trí địa lý (vị trí trường tốt), cơ sở vật chất, đội ngũ được Nhà nước đầu tư, kinh phí được Nhà nước hỗ trợ trong khi trường tư phải tự tạo ra tất cả.

Trong một sân chơi mà không có sự bình đẳng như thế, trường tư sẽ khó phát triển hết năng lực.

Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng làm các trường tư chậm phát triển là vấn đề quản trị ĐH. Lãnh đạo trường ĐH phải chuyên nghiệp và tận tâm, năng động.

Hầu hết lãnh đạo các trường tư là người từ trường công qua, họ chưa quen với môi trường và cách thức tổ chức hoạt động của trường tư nên chưa thực sự thích nghi tốt.

Không ít trường tư đang phát triển tốt, có tích lũy cao. Tuy nhiên, khi có lợi nhuận lại nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến mất đoàn kết, không cùng chí hướng, đấu đá nhau dẫn đến sự thụt lùi của trường.

Tự chủ đại học, không thể để các trường tự "bơi"

TTO - Tự chủ đại học là xu thế tất yếu, nhưng không thể để các trường tự 'bơi' mà cần có hành lang pháp lý tạo điều kiện tốt nhất cho các trường thực hiện tự chủ.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên