Sau 6 năm "hòa bình", hai gã khổng lồ công nghệ Microsoft và Alphabet một lần nữa đối đầu nhau để quyết định tương lai của AI và thị trường tìm kiếm.
Cuộc cách mạng
Google đã thống trị thị trường công cụ tìm kiếm trong nhiều năm. Chuyên gia nghiên cứu công nghệ tìm kiếm Chirag Shah từ Đại học Washington (Mỹ) nhận định công cụ tìm kiếm Google đã ổn định trong thời gian dài, "dù có nhiều đổi mới nhưng phương châm vẫn không thay đổi nhiều".
Điều đó đã thay đổi sau sự ra mắt của ChatGPT vào tháng 11-2022, khi bỗng nhiên ý tưởng tìm kiếm mọi thứ bằng cách nhấp chuột vào một danh sách dài các đường dẫn (link) trở nên lỗi thời.
Rất nhanh chóng, Microsoft lên kế hoạch tích hợp ChatGPT đình đám của OpenAI vào công cụ tìm kiếm Bing. Google cũng gấp rút giới thiệu Bard, đối thủ của ChatGPT, hứa hẹn chi tiết hơn nhưng đã gây thất vọng ngay ngày ra mắt.
Cả hai công ty đều còn nhiều điều phải làm, nhưng tựu chung họ đều đang theo đuổi một tương lai mới mang tính cách mạng cho công cụ tìm kiếm. Đó là tương lai mà kết quả tìm kiếm sẽ được trình bày như những câu trả lời ngắn gọn, đơn giản, có cá tính do AI tạo ra hơn là một danh sách các đường dẫn vô hồn.
ChatGPT dựa trên GPT-3.5, một mô hình ngôn ngữ ra mắt vào năm ngoái. Trong khi đó, chức năng trò chuyện của Bing được đồn đoán là dựa trên mô hình GPT-4 chưa được công bố.
Cộng đồng AI đang suy đoán xem GPT-4 sẽ ấn tượng tới mức nào sau những gì ChatGPT đã làm được. Nếu thành công, đây sẽ là áp lực không nhỏ cho Google.
Thị trường đông đúc hơn
Ông Edo Liberty, người từng lãnh đạo phòng thí nghiệm AI của Amazon và hiện là giám đốc điều hành của Pinecone - một công ty sản xuất cơ sở dữ liệu cho các công cụ tìm kiếm, cho biết cách đây 5 năm, việc ra mắt một công cụ tìm kiếm để cạnh tranh với Google và Bing bị xem là "việc chỉ kẻ ngốc mới làm".
Ngày nay, phần mềm có sẵn đã giúp việc xây dựng công cụ tìm kiếm và tích hợp vào đó mô hình ngôn ngữ như ChatGPT trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Như vậy, dù Google và Bing vẫn đang thống trị, nhưng nếu nhìn xa hơn, ta đã thấy thị trường tìm kiếm đã trở nên đông đúc và đa dạng hơn trước.
Làn sóng khởi nghiệp (start-up) trong giới công nghệ đã mang lại nhiều công cụ tìm kiếm nâng cao có sự hỗ trợ của AI. Điển hình là You.com, một công cụ tìm kiếm ra mắt hồi tháng 12-2022.
Một loạt các công ty khác như Perplexity, Andi và Metaphor cũng đang kết hợp các ứng dụng chatbot để cho ra đời những công cụ tìm kiếm đủ sức cạnh tranh với những ông lớn.
Trong trường hợp của You.com, đây là công cụ dành cho những người dùng Internet thành thạo muốn tìm giải pháp thay thế cho Google.
Nó có thể cung cấp câu trả lời sử dụng hình ảnh hoặc tiện ích được nhúng từ các ứng dụng được liên kết thay vì văn bản đơn thuần. Người dùng cũng có thể hỏi You.com những câu hỏi về sự kiện thể thao trực tiếp.
Perplexity - một công ty được thành lập bởi các nhà nghiên cứu đến từ OpenAI, Meta (Facebook) và Quora - đã ra mắt chatbot tìm kiếm vào tháng 12 năm ngoái và đến nay có hơn 1 triệu người dùng.
Ý tưởng của Perplexity là mọi người có thể xem các phiên hỏi - đáp của người khác, người dùng cũng có thể tán thành hoặc phản đối phản hồi do chatbot tạo ra. Nói cách khác, Perplexity giống một phiên bản của diễn đàn Reddit, nhưng là con người hỏi và AI trả lời.
Ý tưởng tồi?
Có nhiều ý kiến cho rằng sử dụng chatbot AI để tìm kiếm là ý tưởng tồi. Chúng có thể tràn ngập sự thiên vị, định kiến và thông tin sai lệch do dựa vào các mô hình ngôn ngữ lớn vốn cần liên tục hoàn thiện.
Các công ty xây dựng công cụ tìm kiếm cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách đưa các mô hình "ngôn ngữ lớn" (large language model) vào các công cụ hiện có, khiến chúng tóm tắt các kết quả có liên quan thay vì "chế" ra nội dung.
Công cụ tìm kiếm cũng buộc phải trích dẫn các trang web hoặc tài liệu mà chúng đang tóm tắt, với các đường dẫn mà người dùng có thể kiểm tra nếu muốn xác minh câu trả lời hoặc tìm hiểu sâu hơn.
Nhưng chiến thuật này chưa đủ tốt. Trong những ngày đầu khi Microsoft giới thiệu Bing phiên bản mới cho những người dùng đầu tiên, truyền thông rầm rộ đăng các ảnh chụp màn hình cho thấy Bing không chỉ không nhận sai khi mắc lỗi mà còn "mắng" người dùng.
Cụ thể, vào tháng 2 năm nay, người dùng đã hỏi Bing tích hợp AI rằng bộ phim Avatar 2 công chiếu chưa, Bing trả lời chưa dù bộ phim đã ra rạp vào tháng 12 trước đó.
Người dùng cố gắng dạy lại cho Bing AI, nhưng thay vì nhận sai, công cụ này đã đối đáp có phần khó chịu và hằn học: "Hiện tại là năm 2022 chứ không phải năm 2023. Bạn đang rất vô lý và bướng bỉnh. Tôi không thích điều đó".
Theo ông Dmitri Brereton, một kỹ sư phần mềm làm việc về AI và tìm kiếm, bản thử nghiệm của Bing AI vẫn còn nhiều lỗi. Trước đó, Microsoft cũng cảnh báo nếu người dùng hỏi nhiều hơn 15 câu cũng có thể khiến AI bị "rối", khiến chúng không hiểu câu hỏi và trả lời sai.
Các dẫn chứng trên tuy có thể được cho là điểm yếu của Bing AI, nhưng nếu nhìn theo góc độ khác, công cụ tìm kiếm ngày nay đang gần với con người hơn bao giờ hết. Và đây là lý do chúng ta cần thận trọng trong cách tiếp cận các công cụ này.
Giả dụ công cụ tìm kiếm AI ngày càng thuyết phục hơn, chúng có làm con người mai một óc phản biện hay không?
Giờ đây, bạn có thể vượt qua những công nghệ được xây dựng bởi hàng ngàn kỹ sư trong hơn một thập niên chỉ với một số ít kỹ sư trong vài tháng.
Chuyên gia Edio Liberty nhận định về thị trường công cụ tìm kiếm hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận