TTCT - Sau một thời gian “đi trên dây”, các công ty công nghệ nước ngoài đã lũ lượt rút hoặc giảm quy mô hoạt động ở Trung Quốc đại lục khi một đạo luật về quyền riêng tư dữ liệu đi vào hiệu lực. Với họ, tính bất ổn về pháp lý và rủi ro hình ảnh xem ra đã lớn hơn lợi ích của việc bám trụ lại thị trường tỉ dân. Ảnh: china-experience.comNgày 2-11, Yahoo Inc. tuyên bố các dịch vụ của họ tại Trung Quốc đã ngừng hoạt động kể từ đầu tháng 11 vì “môi trường kinh doanh và pháp lý ngày càng thách thức”. Engadget China, trang blog công nghệ tiếng Trung do Yahoo quản lý, cũng ngừng xuất bản nội dung mới.Yahoo là công ty công nghệ Mỹ thứ 3 rút lui khỏi thị trường Trung Quốc chỉ trong vòng vài tuần. Mới tháng trước, mạng xã hội công việc LinkedIn của Microsoft cho biết sẽ đóng cửa phiên bản tiếng Trung của nền tảng này trong năm nay và thay thế bằng một trang web chỉ có chức năng đăng thông tin việc làm. “Môi trường hoạt động thách thức hơn và các đòi hỏi về tuân thủ cao hơn ở Trung Quốc” là một trong những lý do được LinkedIn viện dẫn cho quyết định trên (dù thông báo bằng tiếng Trung “quên” không đề cập chi tiết này).Trước Yahoo 1 ngày, Công ty Epic Games - nhà sản xuất tựa game Fortnite đình đám - cũng thông báo ngừng thử nghiệm phiên bản beta của trò chơi này tại thị trường Trung Quốc từ ngày 15-11, chỉ 2 tháng sau khi nước này ban hành quy định mới giới hạn giờ chơi trực tuyến của trẻ em xuống còn 3 giờ/tuần. Trước đó, Fortnite được ra mắt tại đại lục thông qua nhà phát hành game lớn nhất Trung Quốc là Tencent - công ty sở hữu 40% cổ phần của Epic.Giọt nước tràn lyLuật bảo vệ thông tin cá nhân (PIPL) của Trung Quốc - có hiệu lực từ ngày 1-11 - được cho là nguyên nhân của sự ra đi của Yahoo lẫn LinkedIn. Luật này giới hạn số lượng thông tin cá nhân mà các công ty được phép thu thập cũng như đặt ra các tiêu chuẩn về cách các thông tin này được lưu trữ. Theo đó, các công ty phải được sự đồng ý của người dùng nếu muốn thu thập, sử dụng hoặc chia sẻ dữ liệu của họ, đồng thời cung cấp các giải pháp để người dùng có thể tùy chọn từ chối chia sẻ dữ liệu bất cứ lúc nào. Các công ty cũng phải được người dùng cho phép trước khi gửi thông tin cá nhân của họ ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc.PIPL được cho là làm tăng chi phí tuân thủ cộng thêm rủi ro pháp lý đối với các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc. Doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm các quy định của luật mới có thể chịu mức phạt lên đến 50 triệu nhân dân tệ (hơn 177 tỉ đồng) hoặc 5% doanh thu hằng năm. Dù lấy cảm hứng từ Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Liên minh châu Âu, việc PIPL tiếp cận vấn đề chuyển dữ liệu mạnh tay hơn nhiều cho thấy Bắc Kinh xem đây không phải chuyện đùa.PIPL chỉ là giọt nước tràn ly đẩy những công ty còn bám trụ cuối cùng rời Trung Quốc. Từ lâu nước này đã vận hành cái gọi là “Vạn lý tường lửa” (Great Firewall) để thực thi kiểm duyệt trên mạng, trong đó mạng xã hội Facebook và Twitter là 2 trong số những cái tên Big Tech bị chặn truy cập ở đại lục. Các công ty được phép hoạt động thì phải chịu trách nhiệm đối với nền tảng của họ và phải xóa các bài đăng cũng như từ khóa được cho là nhạy cảm hoặc không phù hợp nếu không muốn bị xử phạt.“Tôi nghĩ câu hỏi (mà các công ty nước ngoài ở Trung Quốc) đặt ra ở đây là tại sao phải cố đấm ăn xôi để mang về lợi tức hạn chế trong khi trách nhiệm pháp lý đi kèm lại quá nặng nề như vậy” - Francis Lun, CEO Công ty GEO Securities có trụ sở tại Hong Kong, nói với Đài ABC News.Michael Norris, giám đốc chiến lược nghiên cứu tại Công ty tư vấn Agency China có trụ sở tại Thượng Hải, dự báo chi phí tuân thủ đối với các công ty nước ngoài sẽ tiếp tục tăng khi PIPL đi vào hiệu lực. “Sự ra đi của Fortnite là một đòn nặng nề, vì nó cho thấy ngay cả quan hệ đối tác chặt chẽ và khoản đầu tư cùng Tencent là chưa đủ để bảo chứng cho khả năng làm ăn tại Trung Quốc” - ông Norris nhận xét.Cuộc đại thử nghiệm“Bỏ qua những tít báo nhuốm màu sắc u tối và những mẩu chuyện phiếm chính trị bất tận, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc quả thật là một sân chơi rộng lớn dành cho các nhà hoạch định chính sách” - báo The Guardian bình luận sau vụ Yahoo. Trang CNET gọi đây là cuộc “đại thử nghiệm” để tìm ra con đường đúng đắn nhất nhằm quản lý các tập đoàn công nghệ khổng lồ.“Thế giới gọi đây là cuộc “đàn áp”, còn Trung Quốc lại dùng từ “cải cách”. Tôi hoàn toàn đồng ý với họ” - bà Kendra Schaefer, trưởng bộ phận nghiên cứu chính sách công nghệ tại Công ty nghiên cứu Trivium China, nói với The Guardian.Theo Schaefer, các động thái của Bắc Kinh có thể xếp thành 4 loại nỗ lực cải cách khác nhau, mỗi nỗ lực được thúc đẩy bởi một cơ quan chính phủ với mục tiêu riêng biệt. Đầu tiên là nỗ lực từ ngân hàng trung ương để giảm thiểu rủi ro mang tính hệ thống do sự tăng trưởng đột biến của ngành công nghệ tài chính (fintech). Thứ hai là nỗ lực của cơ quan quản lý không gian mạng nhằm bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng, được cụ thể hóa bằng PIPL. Thứ nữa là nỗ lực của cơ quan quản lý thị trường nhằm chấm dứt các hành vi chống cạnh tranh của các nền tảng trực tuyến. Cuối cùng là một loạt nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề xã hội do công nghệ gây ra, ví dụ như bảo vệ quyền lợi tài xế của các ứng dụng gọi xe công nghệ.“Đây đều là những lĩnh vực mà các công ty công nghệ ở Trung Quốc đã được hưởng lợi từ quy định lỏng lẻo trong vài thập niên qua, và điều này chấm dứt tại đây” - Schaefer nói. Thị trường Trung Quốc đang trở thành một mẫu thử khổng lồ mà các cơ quan quản lý ở những nơi khác sẽ phải để mắt đến khi trăn trở về cách đối phó với một thế giới ngày càng số hóa.Hướng về “thịnh vượng chung”Nỗ lực của chính quyền Trung Quốc là một phần của chiến dịch lớn hơn vì “cộng đồng phú dụ”, hay thịnh vượng chung (common prosperity), cụm từ đã trở thành khẩu hiệu kể từ khi xuất hiện trong các bài phát biểu gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình. Khoảng 30% của cải đất nước hiện đang nằm trong tay nhóm 1% người giàu nhất Trung Quốc. “Đạt được sự thịnh vượng chung không chỉ là một vấn đề kinh tế mà còn là một vấn đề chính trị quan trọng” - The Guardian dẫn lời ông Tập nói trong một cuộc họp với quan chức cấp tỉnh hồi đầu năm nay.Một sự so sánh với Mỹ - nơi bất bình đẳng cũng là một chủ đề chính trị mạnh mẽ - là khó tránh khỏi. Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn những người giàu nhất đất nước giúp tài trợ cho các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng đắt đỏ, và các tập đoàn lớn là mục tiêu thường được nhắm đến vì mức thuế phải trả khiêm tốn so với lợi nhuận khủng. Tuy nhiên, Washington đến nay vẫn dè dặt và thận trọng trong vấn đề kiểm soát những gã khổng lồ công nghệ của mình, lúng túng trước một ngành đang phát triển với tốc độ mà luật pháp không thể theo kịp. Ở phía ngược lại, đến nay chúng ta đã chứng kiến hàng loạt tỉ phú công nghệ Trung Quốc, từ Pony Ma của Tencent cho đến Lei Jun của Xiaomi, đột nhiên nổi máu thiện nguyện khi đóng góp hàng tỉ USD để giúp đất nước đạt được phồn vinh chung. Bắc Kinh cũng đã mất nhiều năm vật lộn để tìm điểm cân bằng giữa quyền lực mềm của giới công nghệ và quyền lực nhà nước, nhưng có vẻ như bây giờ cả hai bên đều có cùng một chí hướng mang tên “thịnh vượng chung”.“Không nghi ngờ gì nữa, khẩu hiệu này đang tái định nghĩa mối quan hệ giữa lĩnh vực công nghệ, xã hội và bộ máy quan liêu của Trung Quốc” - cây bút Vincent Ni viết cho The Guardian. Trong tương lai, các công ty công nghệ sẽ được kỳ vọng không chỉ mang lại lợi nhuận cho các cổ đông mà còn phải gánh vác cả trách nhiệm xã hội và đảm bảo ổ bánh được chia đều cho mọi người ở Trung Quốc.“Đó là một tầm nhìn thể hiện cách mà ông Tập hiện thực hóa thế hệ tiếp theo của chủ nghĩa xã hội kiểu Trung Quốc - trong đó các công ty được hoan nghênh tích lũy tài sản, nhưng họ không thể đạt được điều bằng sự hy sinh của người lao động mà phải giúp nhà nước đạt được các mục tiêu quốc gia” - bà Schaefer giải thích.Apple - tay chơi kiên trì nhất?Dù chứng kiến lần lượt các công ty Big Tech ra đi, Apple vẫn kiên nhẫn với thị trường Trung Quốc vì “các ưu tiên khác biệt” và thực tế là họ đã lún sâu vào thị trường này hơn bất cứ công ty công nghệ nào khác của Mỹ, phóng viên James Clayton viết cho BBC. Apple đã thu về 15 tỉ USD từ Trung Quốc đại lục và vùng lãnh thổ Đài Loan trong quý 3-2021 - một con số biết nói. Chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple cũng phụ thuộc vào nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, và để làm ăn tại đây thì Apple hiểu rõ họ cần phải tuân thủ luật chơi - kể cả khi điều đó đồng nghĩa gỡ bỏ các ứng dụng khỏi kho App Store khi có yêu cầu từ phía Bắc Kinh. “Apple thực sự là một trong những công ty dẫn đầu thị trường ở Trung Quốc... Tôi không nghĩ Apple sẽ rút khỏi Trung Quốc trong tương lai gần vì bất cứ lý do gì” - nhà báo Rebecca Fannin nói với BBC. Câu hỏi đặt ra là bao nhiêu quy định và kiểm duyệt sẽ là điểm tới hạn của Apple? Tags: Trung QuốcBắc KinhCông nghệMicrosoftBig TechYahooLinkedin
Đường nối Trần Quốc Hoàn cùng hai công trình lớn ở TP.HCM đã thông xe đón Tết CHÂU TUẤN 27/01/2025 Đường nối Trần Quốc Hoàn, đường Dương Quảng Hàm, cầu Bà Hom đã lần lượt được thông xe, giúp người dân có thêm sự lựa chọn đi lại dịp Tết.
Ô tô tông liên hoàn trước cổng chợ hoa Tết, xe máy bị cuốn vào gầm, 4 người nhập viện HỒNG QUANG 27/01/2025 Chiếc ô tô hiệu Toyota tông liên hoàn vào 2 xe máy rồi lao tiếp vào chiếc ô tô màu đỏ đi cùng chiều phía trước trước cổng chợ hoa Quảng An.
Bộ Nội vụ đề xuất chi tiết cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ gồm 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ THÀNH CHUNG 27/01/2025 Bộ Nội vụ đã có tờ trình gửi Chính phủ đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ.
Trọng tài bị dọa giết sau khi rút thẻ đỏ cầu thủ Arsenal ĐỨC KHUÊ 27/01/2025 Trọng tài Michael Oliver trở thành mục tiêu tấn công trên mạng sau quyết định gây tranh cãi trong trận đấu giữa Arsenal và Wolverhampton cuối tuần rồi.