Dinh phó toàn quyền nguyên thủy, hai bên cửa chính có hai pho tượng nữ thần - Ảnh: belleindochine.free.fr |
Phương án quy hoạch đầu tiên cho Sài Gòn của đại tá công binh Coffyn làm theo dạng quy hoạch Paris của thị trưởng Haussmann, ô vuông bàn cờ với đại lộ, quảng trường, rất thời thượng ở châu Âu cuối thế kỷ 19.
Phố thị mang tính phô trương
Vào năm 1865, đô đốc Rose ra sắc lệnh hủy bỏ hết nhà gỗ lá bản địa để xây nhà cửa kiểu Tây ở khu trung tâm và phố chợ Sài Gòn. Nhà mới sử dụng gạch, sắt với hàng hiên bao quanh, cửa cuốn, sàn dầm thép trên cuốn gạch kiểu “hourdis” (gạch bọng), mái lợp ngói máy hoặc thạch bản “Ardoise”, phổ biến là mái gãy “Mansart” cho hầu hết các công trình lớn.
Chỉ có những tập đoàn người Âu, Hoa kiều hoặc Ấn kiều mới đủ khả năng mua đất xây cất các dãy phố lầu ở quanh khu Chợ Cũ. Nhà Tây lúc này không còn bị các quy định phong kiến ràng buộc nên sáng sủa, chắc chắn.
Đặc biệt, họ xây dựng một số công trình kiến trúc hoành tráng nhằm phô trương thanh thế đế quốc Pháp, ví như Dinh Norodom, nhà thờ Nhà nước, Bưu điện, Dinh thống soái Nam kỳ, nhà hát Tây, trễ nhất là Dinh Xã Tây, chợ Bến Thành.
Phong cách kiến trúc là kiểu tân cổ điển pha chế kiểu Baroque, Rococo thời đế chế Napoleon III và Cộng hòa Pháp cuối thế kỷ 19. Nào hàng cột Hi Lạp - La Mã, phù điêu trang trí, hình tượng thần thoại phương Tây, chạm trổ hoa lá Rococo diêm dúa mặt tiền, tháp chuông, mang tính phô trương bên ngoài. Tòa án thì xây dựng theo kiểu cổ điển, đặt thêm tượng thần Công lý, mang phong cách pháp đình châu Âu.
Chính quyền thực dân trong thực tế chiếm đoạt các khu đất trung tâm béo bở bán cho tư sản châu Âu, Hoa, Ấn và đẩy người bản địa về phía bên kia rạch Bến Nghé, xuống phía Nam Sài Gòn, mà việc quy hoạch phát triển Sài Gòn khó chủ động, gây nạn đầu cơ đất đai kéo dài.
Phê phán quy hoạch thành phố Sài Gòn thời các đô đốc Pháp, nhiều nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng người Pháp nặng về phần phô trương quyền lực thực dân với trục đường hoành tráng, cửa nhà khang trang nhưng lại chưa xây dựng được hạ tầng kỹ thuật đô thị và nhất là đẩy người bản xứ vào các khu ở chật chội, lầy lội, thiếu vệ sinh.
Trong cuốn sách The politics of design in French colonial urbanism (Chính sách thiết kế trong quy hoạch xây dựng thuộc địa thời Pháp), Nhà xuất bản Đại Học Chicago (1991), nhà nghiên cứu Mỹ Gwendolyn Wright khi nói về các đô thị thuộc địa Pháp cho rằng kiểu làm đó là lối “quy hoạch giả tạo”, không giải quyết được các vấn đề cơ bản đô thị và mang tính phân biệt đối xử...
Phù điêu cá chép hóa rồng |
Xuất hiện Dinh phó toàn quyền
Ban đầu công trình này được xây dựng với mục tiêu làm nơi triển lãm thương mại nên có tên là Bảo tàng Thương mại. Bảo tàng được xây từ năm 1885 đến năm 1890 hoàn thành, do kiến trúc sư người Pháp Alfred Foulhoux thiết kế. Nơi đây chuyên trưng bày những sản vật của xứ Nam kỳ.
Từ khi hoàn thành đến năm 1975, nơi đây đã chứng kiến biết bao lần thay ngôi đổi chủ với những biến cố lịch sử ở miền Nam. Có thể nhắc đến thời điểm tháng 9-1945, tại đây tướng Nhật Yoshio Minoda trao kiếm đầu hàng quân Đồng minh khi thất trận trong Thế chiến II.
Từ năm 1954 đến 1975 tòa nhà đổi tên thành Dinh Gia Long. Chính tại đây, nội các Trần Văn Hữu thân Pháp thời bù nhìn Bảo Đại đóng trụ sở và chứng kiến cảnh học sinh Trần Văn Ơn bị bắn chết tại hàng rào dinh, làm nổ ra cuộc đấu tranh đô thị quy mô lớn đầu tiên khắp nước.
Tổng thống Việt Nam cộng hòa Ngô Đình Diệm cũng đã trú ngụ tại đây vào năm 1962 khi Dinh Độc Lập bị các phi công phe đảo chính bỏ bom. Năm 1963 lại nổ ra cuộc đảo chính quân sự. Ngô Đình Diệm cùng người em là Ngô Đình Nhu đã lẻn ra ngoài theo đường hầm thông ra cống, chạy vào nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn rồi bị sát hại sau đó.
Dinh Gia Long trở thành trụ sở các chính quyền sau năm 1963 và bị các cuộc biểu tình học sinh sinh viên bao vây nhiều lần, nhất là vào thời nội các Trần Văn Hương cuối năm 1964. Năm 1978, TP.HCM quyết định sử dụng tòa nhà này làm Bảo tàng Cách mạng TP.HCM. Đến năm 1999, tòa nhà được đổi tên thành Bảo tàng TP.HCM cho đến nay.
Dinh xây dựng theo phong cách tân cổ điển với những hàng cột thức và điêu khắc Hi Lạp quy mô lớn để phục vụ cho những tham vọng chính trị của toàn quyền Đông Dương ở xứ thuộc địa, một biểu tượng mang “thiên chức khai hóa” của đế quốc Pháp.
Do sự kiện Dinh Norodom (Dinh Độc Lập cũ, nay là Dinh Thống Nhất), công trình tiêu biểu nổi trội nhất về chủng loại dinh thự Pháp bị bom phe đảo chính phá hủy năm 1962 và phải xây dựng mới, Dinh phó toàn quyền hiện còn tồn tại, với phong cách chiết trung điển hình có thể xem là đóng vai trò biểu tượng cho văn minh “mẫu quốc” trong cuộc hiện đại hóa của văn hóa đô thị Pháp ở Đông Dương.
Với các dãy cột thức Doric ở mặt trước và ở dãy hiên uốn khúc ở mặt sau tòa nhà, đặc biệt ở hệ thống trang trí suốt phần trán tường ở mặt trước và bên hông. Đó là chưa kể ngoài những biểu tượng phù điêu đặc trưng Hi Lạp - La Mã và Pháp, còn có những hình tượng bản địa với nghệ thuật chạm khắc thể hiện hết sức tinh xảo và sinh động như: cá chép hóa rồng, cá sấu, cò vạc, rái cá... Đông Dương trong trí tưởng tượng của người Pháp chủ yếu là vùng vẫn còn hoang sơ, cần sự thám hiểm và mở mang.
Tượng nữ thần Athena |
Ý nghĩa các phù điêu trên kiến trúc mặt tiền Mặt tiền mang đậm nét kiến trúc phương Tây với những ô cửa cao, xen giữa là các cột tròn, to kiểu thức Hi Lạp - La Mã chạy song song theo hành lang, làm nổi bật hình khối, góc cạnh. Trên các cột được điểm xuyết bằng những phù điêu với họa tiết đầy tinh tế và quý phái. Giữa mỗi hàng cột là tượng đầu sư tử thể hiện sự mạnh mẽ, quyền uy. Mặt trong cửa sổ được trang trí đơn giản nhưng tạo được cảm giác thoáng đạt, rộng rãi cho tòa nhà. Ta nhìn thấy trên mặt tam giác trán tường chính trung tâm của tòa nhà có bức tượng khá độc đáo. Đó là tượng khuôn mặt “Nữ thần Athena” (tên La Mã: Minerva) - nữ thần chiến binh và biểu tượng cho trí tuệ, thi ca, y học, âm nhạc. Nhìn cận những chi tiết cho thấy nữ thần Athena đội nón sắt cùng những biểu tượng gắn liền như ngựa chiến, hai bên là chim cú và một con “gà trống Gaulois” (tượng trưng cho nước Pháp), hai con rắn, và nhánh cây ôliu do nữ thần sáng tạo ra làm tặng vật cho thành Athens để sản sinh ra dầu ôliu và đem lại sự thịnh vượng lâu bền. Bên dưới tượng Athena có lẽ là đầu tượng thần biển hoang dã Poseidon - vị thần từng tranh đua với Athena nhưng bị thất bại. Ở đây tượng nữ thần Athena là biểu tượng trung tâm, hàm nghĩa chính là sự toàn thắng của văn minh đô thị. Ở trên đầu cột thức Ionic trang trí dạng mũ với lá ô rô hình xoắn là đầu thần Hermes (Mercury) đội mũ sắt có cánh, là sứ giả truyền tin. Ở đây Hermes hàm nghĩa sự truyền bá “ánh sáng văn minh”. Những hình tượng bản địa: phù điêu cá chép hóa rồng mang ý nghĩa về sự “tiến hóa”, môtip hai bông nha phiến và cá sấu trên đầm lầy thuở còn nguyên sơ của đất rừng phương Nam, vạc bắt mồi. |
_____________________________________________________
Kỳ tới: Ernest Hebrard và phong cách kiến trúc Đông Dương
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận