Sông Sài Gòn đoạn chảy qua huyện Củ Chi - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chính vì vậy, việc giữ gìn và phát huy thế mạnh của sông Sài Gòn là mong mỏi rất lớn của người dân. Tôi rất hy vọng thành phố mình có biểu tượng (logo) và khẩu hiệu (slogan) cho riêng sông Sài Gòn.
Lịch sử hơn 300 năm của thành phố cũng chính là quãng thời gian mà sông Sài Gòn ghi đậm dấu ấn thăng trầm.
Chúng ta có thể nhớ tới các logo của thành phố, kiến trúc, lịch sử và văn hóa như những đặc trưng không thể tách rời. Nhưng chúng ta đã bao giờ giới thiệu về con sông Sài Gòn gói gọn bằng logo hay slogan chưa? Tôi thật sự không tìm được.
TP.HCM hiện nay đang thay đổi rất nhanh, đô thị hóa với tốc độ phi mã, nhất là các khu vực ngoại thành. Vì vậy có thể sẽ phá vỡ vẻ đẹp trong quy hoạch ngay cả những vành đai đô thị.
Sông Sài Gòn cũng không phải ngoại lệ khi quá trình đô thị hóa khiến cho việc lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, các công trình xây dựng trái phép, các khu nhà ổ chuột nhếch nhác… vẫn đang tồn tại.
Để không phải hối tiếc vì chậm chạp nâng tầm con sông thiêng liêng này thì rất cần một biểu tượng, một câu khẩu hiệu thể hiện được bản sắc và bộ mặt của sông Sài Gòn trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới.
Và đây là những gợi ý để đi tìm biểu tượng - khẩu hiệu cho sông Sài Gòn:
1. Cách nhanh nhất và có sức thu hút là tổ chức những cuộc thi sáng tác biểu tượng và khẩu hiệu sông Sài Gòn với giải thưởng hấp dẫn, xứng tầm, thu hút được rộng rãi các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia một cách hào hứng.
Từ những cuộc thi này sẽ lựa chọn một biểu tượng và khẩu hiệu tiêu biểu, đặc sắc, mang đầy đủ ý nghĩa lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội… của thành phố, đồng thời thể hiện nét riêng của sông Sài Gòn.
2. Biểu tượng sông Sài Gòn cần có tính khái quát, phản ánh những nội dung điển hình tiêu biểu riêng có về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử - văn hóa của vùng đất và con người Sài Gòn gắn bó với con sông trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
3. Câu khẩu hiệu sông Sài Gòn thể hiện bằng cả ngôn ngữ tiếng Việt và ngôn ngữ quốc tế là tiếng Anh nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh của con sông, khơi dậy lòng tự hào, nêu cao ý thức trách nhiệm giữ gìn, phục vụ các hoạt động thông tin tuyên truyền, giới thiệu về tiềm năng phát triển của sông Sài Gòn liên quan mật thiết đến các sự kiện văn hóa - xã hội của thành phố.
4. Biểu tượng và khẩu hiệu về sông Sài Gòn sẽ được sử dụng một cách rộng rãi, thống nhất và được đăng ký bản quyền thương hiệu, bao gồm cả các nền tảng số hóa để sử dụng trên phạm vi quốc tế. Đây sẽ là tài sản chung của thành phố và mọi người dân, mọi khách du lịch được tiếp cận một cách hợp pháp, bảo đảm quy chuẩn.
Tôi may mắn khi được đi qua một số quốc gia, đi qua nhiều thành phố có nền kinh tế - văn hóa rất phát triển để trải nghiệm và có cái nhìn đa chiều.
Nhiều thành phố ở châu Âu và châu Mỹ có đời sống kinh tế rất tốt, nhưng họ không có sông kiểu như sông Sài Gòn mà TP.HCM đang có. Tôi cảm nhận được cái khao khát của người dân bản địa ở những thành phố không có mạch sông hồ, kênh rạch lớn như thế nào.
Chính vì vậy, sông Sài Gòn chính là "chìa khóa vàng" để chúng ta tự hào, phát triển nâng tầm thành phố lên tầm cao mới. Tôi hy vọng thành phố sẽ tìm được câu khẩu hiệu và biểu trưng xứng tầm cho riêng sông Sài Gòn trong thời gian tới.
Cảm ơn bạn đọc đã gửi bài dự thi
Báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi “Hiến kế phát triển sông Sài Gòn” nhằm tìm các ý tưởng và giải pháp để góp phần phát triển sông Sài Gòn.
Các bạn có thể gửi ý kiến, bài viết, công trình nghiên cứu, đồ án, kế hoạch, ý tưởng… góp phần vào mô hình phát triển mới, hình dung về các đô thị bên sông của dòng sông trù phú này. Các bài viết, đồ án sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ.
Kết quả cuộc thi sẽ công bố trên các ấn phẩm Tuổi Trẻ và đặc san kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước 30-4. Bài dự thi gửi về email: [email protected] hoặc gửi về báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM - ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi “Hiến kế phát triển sông Sài Gòn”.
Thời gian nhận bài dự thi: hết ngày 20-4-2022. Giải thưởng: Giải tập thể: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng. Giải cá nhân: 1 giải nhất: 20 triệu đồng; 1 giải nhì: 10 triệu đồng; 1 giải ba: 5 triệu đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải 3 triệu đồng.
Ban tổ chức
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận