Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm - Ảnh: Chinhphu.vn |
Trước 3.500 đại biểu về dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 – 19-12-2016) được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội ngày 18-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh hình tượng những chiến sĩ cảm tử của Hà Nội “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” ngày toàn quốc kháng chiến mãi mãi là biểu tượng bất tử về cuộc chiến tranh nhân dân, mà ở đó mỗi người dân đều là chiến sĩ và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc...
Tham dự lễ kỷ niệm cấp quốc gia có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước…
Trong diễn văn kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh ngày 19-12-1946 là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Trong bối cảnh lịch sử sau năm 1945, Chính quyền cách mạng non trẻ gặp muôn vàn khó khăn, cùng lúc phải giải quyết nạn đói, nạn mù chữ và đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi phải đối phó với “thù trong giặc ngoài”, Chính phủ Việt Nam đã chủ động đàm phán với Chính phủ Pháp để tránh cuộc chiến tranh, song “phía ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới”.
Trước tình thế đó, nêu cao tinh thần yêu nước và trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) đã quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc, kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước đứng lên chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc.
Đáp lời hiệu triệu của Bác, quân và dân Hà Nội đã chính thức mở đầu cuộc kháng chiến với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Cùng với Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam, như Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… đã đồng loạt đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.
Cuộc chiến đấu của quân dân Thủ đô trong 60 ngày đêm anh dũng được đánh giá đã tiếp nối khí phách hào hùng của Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... với những chiến công vang dội đã trở thành huyền thoại trên mảnh đất Thăng Long - Đông Đô xưa như Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Đông Bộ Đầu, Ngọc Hồi, Đống Đa...
Đến nay, khi non sông thống nhất, Tổ quốc liền một dải, đất nước lại đang nỗ lực bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển.
“Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình,tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986 - 2016 đạt khá, khoảng 6,6%/năm.
Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên; GDP tăng gấp gần 7 lần và kim ngạch xuất khẩu tăng gấp hơn 200 lần so với trước đổi mới. GDP bình quân đầu người năm 2016 đạt khoảng 2.200 USD. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, với nhiều công trình lớn, hiện đại được hoàn thành, tạo diện mạo mới cho đất nước”- ông Hải dẫn chứng.
Đại diện nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, có mặt trong 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô, Đại tá Nguyễn Huy Du - cựu chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa - bày tỏ sự xúc động khi nhớ về những năm tháng lịch sử.
“Bao nhiêu năm ấy, tôi không bao giờ quên được những ngày đầu giá rét của Hà Nội mùa đông năm 1946. Chúng tôi đã học được bài học về tinh thần đoàn kết, dựa vào nhân dân, thực hiện trong đánh ngoài vây, trong ngoài cùng đánh, dựa vào những khu phố cổ thân quen của mình để giam chân địch.
Đến giờ, những người trong Trung đoàn Thủ đô năm xưa của chúng tôi cũng đều đã ngoài 90 tuổi, vẫn sống trong những ký ức sinh động của 60 ngày đêm chiến đấu cùng Hà Nội”- ông Du bồi hồi nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đại tá Nguyễn Huy Du, nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia chiến đấu chống Pháp trong 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô - Ảnh: Chinhphu.vn |
Tiếp nối truyền thống cha anh, tân PGS trẻ nhất năm 2016, giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội Trần Xuân Bách chia sẻ lớp trẻ tự hào và biết ơn cha ông khi bình thản đi vào cuộc chiến đấu chống kẻ thù với lời thề son sắt quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.
“Thế hệ trẻ ý thức sâu sắc về trách nhiệm với những đòi hỏi của thời đại mới. “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, PGS Bách nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận