TTCT - Những cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tranh của Israel ở Dải Gaza tại châu Âu và Mỹ làm gợi lại những phong trào sinh viên sôi sục của hơn nửa thế kỷ trước. Sinh viên Sciences Po biểu tình ủng hộ Palestine. Ảnh: Al ArabiyaTrên bục một giảng đường loại bé, chỉ ngoài 100 chỗ, người đàn ông trung niên nói chuyện đã qua được đến phần hỏi đáp. Ông là nhân vật chính trị tả phái đang được thời sự để ý tới. Ông đến trường theo lời mời của một hội sinh viên ở đây.Cuộc đụng độ ở Sciences PoAi cũng biết là thuyết trình của ông sẽ có vấn đề và trường sắp đặt 4 nhân viên an ninh để giữ trật tự cho buổi hội họp. Phần hỏi đáp qua lại đôi co rất là gay gắt, bỗng nhiên có người ném một vật gì đó từ phía sau. Một nhóm 5-7 thanh niên chồm lên giật dây loa và micro, xô đẩy ghế bàn và vung tay đấm đá. An ninh của trường ngăn họ lại, hai sinh viên thuộc ban tổ chức buổi nói chuyện vội dẫn diễn giả theo một nhân viên an ninh khác tẩu thoát qua cửa hông lắt léo ra hành lang. Tôi là một trong hai sinh viên đó, bảo vệ diễn giả bỏ chạy hụt hơi theo đuôi ông an ninh, rồi sau cùng dùng một cửa hậu thoát ra khỏi trường!40 năm về sau, tình cờ tôi có gặp một bạn có tiếng tăm và chúng tôi phát hiện là đồng song ngày nào. Hôm đó anh dẫn bạn gái đến nghe, và chỉ thuộc thành phần hiếu kỳ chứ chẳng ủng hộ phe nào hết. Cô với anh ngồi hàng đầu và cô lãnh một bao cao su dùng làm bong bóng nước ném tới. Sau đó là đấm đá túi bụi, anh cùng bạn gái rút lui. Anh kể là bất mãn với thành phần cực hữu khiêu khích và bạo lực hôm đó. 40 năm sau, tuy anh không nhớ diễn giả nói chuyện gì, nhưng vẫn còn sưng sỉa bực mình bọn kích động. Trường chúng tôi thì hiện đang được truyền thông thế giới nhắc đến, trường "Sciences Po", tức Viện Chính trị học ở tại Paris.Biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam ở Boston, Mỹ, năm 1965. Ảnh: The StarNgày 2-5 vừa rồi, cảnh sát Pháp đến Sciences Po và giải tỏa khuôn viên đang bị sinh viên chiếm đóng để phản đối chiến tranh tại Gaza. Số sinh viên bị trục xuất bèn lên quảng trường Panthéon cách đó vài trăm mét để biểu tình tiếp cùng sinh viên các trường lân cận. "Xóm học" truyền thống của Paris, hay "Quartier Latin" - xóm Latin, tập trung đủ các loại trường đại học trong một khu vực chỉ khoảng dưới 1km2.Từ đấy đến quảng trường Panthéon có sinh viên từ các trường lớn (đông sinh viên) như Paris Sorbonne, Paris Cité, lẫn nhỏ (ít sinh viên vì rất chọn lọc) như Trường cao đẳng Sư phạm cách đó có mấy bước. Đây đó các khuôn viên đại học cũng có biểu tình và bị chiếm đóng, con số đã lên tới 23 nơi ở Pháp. Riêng Sorbonne là đại học kính cẩn và lâu đời nhất nên được truyền thông quốc tế để mắt vì ai cũng biết. Phần Sciences Po, thì có lẽ nhờ trẻ em tị nạn ở Gaza, nay một số bạn đang đọc những dòng này mới biết tên.Tuy không nổi tiếng thế giới (như đồ hiệu LV chẳng hạn), nhưng riêng tại Pháp, việc ủng hộ Palestine của sinh viên Sciences Po gây hằn học trong giới tinh hoa. Thời Đệ ngũ Cộng hòa Pháp (từ 1958), có 15 thủ tướng và 6 tổng thống từng ở đây mài dùi đũng quần và kinh sử, không kể vô số bộ trưởng và cố vấn chính quyền, chuyên gia ngoại giao và kinh tế, hành chính.Giới tinh hoa này cảm thấy bị sinh viên trường hiện giờ "phản bội" truyền thống của cha anh khi phê bình Israel. Lập tức có ý kiến gay gắt đổ là trường này bị "người nước ngoài" xâm nhập và lũng đoạn, đã mất "chất Pháp" của ngày trước. Người nước ngoài nào? Trường này từng có cựu sinh viên nước ngoài là thủ tướng Pierre Trudeau (Canada, cha của thủ tướng hiện giờ), hay Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Boutros Boutros-Ghali, thủ tướng Iran Mohammed Mossadegh và cả Hoàng đế Bảo Đại.Thái độ sinh viên nay đã khácVào thời tôi, thành phần sinh viên cấp tiến trong trường khoảng 15%, và thành phần cực hữu khoảng 20%. Thành phần còn lại, tức 65%, là hữu khuynh từ nặng đến từ tốn, từ hữu khuynh khệnh khạng đến hữu khuynh vừa phải. Dạo đó vì số 20% phát xít ra mặt, Sciences Po được coi là hang ổ của thành phần này, cùng với Trường Luật của Đại học Paris 2-Assas.Sinh viên Pháp xuống đường tháng 5-1968. Ảnh: Magnum PhotosSciences Po, như đã nói, đào tạo nhân viên hành chính, quận trưởng, tỉnh trưởng Pháp, nhân viên các cơ quan kinh tế và ngoại giao. Số không vào bộ máy công quyền thì ra trường thường làm việc trong ngành truyền thông và báo chí. Cựu sinh viên trường vì vậy trấn hết guồng máy thượng tầng quốc gia, từ tư tưởng, ngôn luận, đến thi hành chính sách.Việc ngày nay sinh viên trường lại ủng hộ Palestine là điều khó chấp nhận. "Phe Palestine" phải là lao động Bắc Phi Ả Rập và Hồi giáo ít học ở những phố ngoại ô tù mù, chứ không thể là thành phần ưu tú của đất nước. Nên nhớ, sinh viên trường này mươi năm nữa sẽ nắm guồng máy hành chính của nhà nước, sẽ làm quận trưởng, lãnh sự, là bộ trưởng, đại sứ. Lúc đó sẽ còn ai bênh Israel nữa, nguy hiểm thật! Như đã thấy, anh bạn tôi có bạn gái chỉ bị tạt nước mà còn nhớ mãi mối hận. Những sinh viên ngày hôm nay bị cảnh sát đuổi ra, nửa thế kỷ sau sẽ vẫn không quên đâu.Trong thập niên 1960-1970, phong trào sinh viên Tây phương được nuôi dưỡng bằng chống đối bất công xã hội và kỳ thị da màu ở Mỹ, đòi hỏi bình quyền sắc tộc và nam nữ, tự do luyến ái và tự do nói chung. Đây đều là những đề tài liên hệ trực tiếp đến cuộc sống của giới trẻ và sinh viên ở Tây phương.Ảnh: The AtlanticCuối năm 1969, tôi đang học cấp III tại Trường trung học Michelet ở sát cạnh Paris. Năm 1968 trước đó đã diễn ra phong trào tháng 5 của sinh viên và công nhân khiến tướng Charles De Gaulle còn phải bỏ chạy sang Tây Đức và cuối cùng phải ra đi. Phong trào tháng 5-1968 bắt đầu từ Đại học Nanterre, một trường ngoại ô, từ ngày 22-3, khi sinh viên nam đòi được vào thăm và ngủ đêm tại ký túc xá nữ!Vấn đề lúc đầu chỉ có bấy nhiêu thôi, nhưng Cách mạng tháng 5 này về mặt văn hóa thay đổi cả xã hội Âu Mỹ. Tại Michelet của tôi vào cuối năm 1969, học sinh các thành phần sôi sục bầu bán ban chấp hành, tuyên bố bãi học và sau khi thương thuyết với nhà trường không đạt thì chiếm luôn trường và giữ thầy chủ nhiệm làm con tin.Tôi còn nhớ anh em mười mấy người trong phòng của thầy, còn ông ngồi hút tẩu giữa phòng, mặt như đưa đám. Việc phải đến là một đại đội hiến binh cơ động nai nịt dùi cui được gọi tấn công trường, giải thoát con tin và tái chiếm các lớp, bắn trái cay bốc khói đì đoàng. Phía học sinh bịt mặt đẩy bàn ghế ra chặn và đánh giữ từng lớp, nhưng dĩ nhiên thua bét. Chúng tôi thuộc đường lối hơn cảnh sát, đi vòng liệng đá phía sau lưng, leo cửa sổ nhảy ra công viên tẩu thoát. Một số bị bắt đưa đi, trật tự được vãn hồi. Nhắc lại, đó là một trường cấp III và năm 1969 tôi là học sinh lớp 10, các bạn lớn nhất (lớp 12) thì 17 tuổi.Từ phản chiến Việt Nam tới phản chiến GazaĐấu tranh đó là cho quyền lợi và tự do của thế hệ chúng tôi ở Tây phương. Ở Mỹ thời đó, sinh viên cũng đấu tranh, chủ yếu là chống chiến tranh tại Việt Nam. Phong trào rất hùng hậu vì 8,75 triệu người Mỹ phục vụ trong quân đội thời gian đó; và 3,5 triệu tham chiến trực tiếp, đa số theo chế độ quân dịch. Người sau này là phó tổng thống Dick Cheney chẳng hạn, từng 4 lần được miễn dịch vì lý do học vấn. Đến năm 1965, ông kết hôn nhưng lẽ ra sẽ vẫn bị gọi nếu lập gia đình mà chưa có con. Ông bèn... có con ngay lập tức và được miễn dịch lần thứ 5 vì lý do gia cảnh là vợ có bầu. Con gái ông là bà Elizabeth (sau này là hạ nghị sĩ) ra đời đúng 9 tháng 2 ngày sau khi ban hành luật động viên đó! Qua năm 1966, ông Cheney 26 tuổi và thoát hẳn nghĩa vụ nhờ hạn tuổi. Nói vậy để thấy việc một số lớn sinh viên Mỹ chống chiến tranh Việt Nam là vì họ không muốn đi thăm China Beach ở Đà Nẵng.Ngày nay biểu tình có khác, ở chỗ việc chiếm đóng hàng trăm khuôn viên đại học Âu Mỹ không xuất phát từ quyền lợi cá nhân kiểu "tôi không thích đi trực thăng, chóng mặt lắm, nhất là khi bị bắn rớt, nó rơi quay vòng vòng". Họ biểu tình để đoàn kết với Palestine đang gặp nạn diệt chủng, và để chống bất công. Trí thức Âu Mỹ cấp tiến và khuynh tả, nhưng giới có quyền lực ở đại học và truyền thông báo chí cho đến giờ vẫn đồng hành với người Do Thái, tức là gián tiếp với Israel.Trong số những người biểu ở Mỹ phản đối chiến tranh Gaza, có cả người Do Thái. Ảnh: AFPNgười Do Thái có vai trò then chốt trong các lãnh vực trên, nhưng đây là lần đầu vai trò này sứt mẻ trong dư luận, bắt đầu ở thành phần sinh viên. Các Đại học Columbia (hạng 23), Harvard (4), MIT (1), Yale (16), Princeton (17), Texas ở Austin (58), California ở Berkeley (10), California ở Los Angeles (29) tại Mỹ; Đại học McGill (30, Canada) hay Đại học Quốc gia Úc (34), Đại học London (Anh, 9) đều là những trường hàng đầu thế giới. (Con số trong ngoặc là thứ hạng các trường này theo QS). 10 hay 20 năm nữa, sinh viên hiện đang ăn dùi cui và hơi cay tại các trường này sẽ ở vị trí nào trong xã hội? Họ có nhớ những ngày xưa thân ái đó không? Lần bạn gái của họ bị bẻ quặt tay còng, hay bạn trai họ bị xịt hơi cay vào mặt?Một điều khác cũng đang thay đổi, ngoài thiện cảm của người trẻ Mỹ với Palestine, là thái độ của người Do Thái trên thế giới với Israel. Ta không có con số thăm dò chính xác, nhưng sự hiện diện của người Do Thái trong các đoàn biểu tình chống Israel ngày càng tăng ở nước ngoài. Thành phần này, trước sự ngang ngược của Israel, không muốn bị quy kết liên hệ bè phái và phải lên tiếng, ngày càng mạnh mẽ và đông đảo. Quốc gia chủ nghĩa Zion không đại diện cho tất cả người Do Thái hay đạo Do Thái. Israel không phải là đại diện cho họ. Bắt đầu là mất ủng hộ của sinh viên Mỹ; sau đó đến mất cả ủng hộ của sinh viên Do Thái ở Mỹ; cuối cùng là sẽ mất Mỹ luôn, vì những sinh viên đó sẽ lớn chứ. Mà mất Mỹ, thì còn lại gì đây?■ Ngoài các trường ưu tú và ngoài giới sinh viên, hình ảnh Israel tại Tây phương đã mất sự ủng hộ của cả một thế hệ, mà ở Mỹ gọi là Gen Z. Thăm dò Pew tháng 2 cho thấy 33% lứa tuổi 18-29 có thiện cảm hơn với Palestine, trong khi 14% có thiện cảm hơn với Israel. Thăm dò YouGov-The Economist tháng 4 cũng thấy vậy, 32% và 13% tương ứng. 10 năm trước, chiến tranh Gaza 2014 đã là một thay đổi lớn, là bước ngoặt trong dư luận Mỹ. Còn bây giờ, hành trình sau bước ngoặt đó đang tăng tốc.Hiện có trên 80 đại học Mỹ phản đối chiến tranh Gaza và khuôn viên bị chiếm đóng, khoảng 2.000 người bị bắt. Câu hỏi là cầm dùi cui đánh thêm một đám người trẻ ở Mỹ nữa thì con số thiện cảm với Israel có tăng lên không? Chuyện này khiến phe Israel nói thế hệ Gen Z này phải gọi là Gen T, tức thế hệ khủng bố (terrorist). Ta biết Israel đối xử với khủng bố như thế nào, giờ chỉ còn cách mang máy bay ném bom các đại học Mỹ như 12 đại học ở Gaza đã bị họ san bằng. Tags: Sinh viên nước ngoàiPhản đối chiến tranhBiểu tình phản chiếnIsraelMỹ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Sáng nay 20 độ C, người dân TP.HCM khoác áo ấm ra đường LÊ PHAN 23/12/2024 Sáng nay 23-12, thời tiết TP.HCM lạnh, nhiệt độ giảm mạnh, người dân cảm nhận được cái lạnh rõ rệt dù trời có nắng.
Quyền lực của tỉ phú Elon Musk lớn cỡ nào? DUY LINH 23/12/2024 Sự kết hợp giữa tỉ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những cơn sóng làm chao đảo chính trường Mỹ.
Xe buýt lao qua đường tông xe máy và xe đạp, hai người nhập viện MINH HÒA 23/12/2024 Sáng 23-12, xe buýt chạy trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ lao qua làn đường ngược lại tông xe máy và xe đạp.
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng mạnh lên thành bão số 10 CHÍ TUỆ 23/12/2024 Dự báo trong ngày hôm nay (23-12), áp thấp nhiệt đới ở phía nam Biển Đông mạnh lên thành bão, cơn bão số 10 trong năm 2024.