02/06/2020 08:22 GMT+7

Biểu tình lan ra 140 thành phố ở Mỹ

D.KIM THOA - MINH KHÔI
D.KIM THOA - MINH KHÔI

TTO - Các cuộc biểu tình phản đối sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd đã bùng lên tại ít nhất 140 thành phố trên toàn nước Mỹ, trong đó ít nhất 21 bang phải huy động lực lượng Vệ binh quốc gia thiết lập trật tự.

Biểu tình lan ra 140 thành phố ở Mỹ - Ảnh 1.

Biểu tình bùng phát ở ít nhất 140 thành phố ở nước Mỹ tính đến cuối ngày 31-5, giờ địa phương - Ảnh: NYT

Chúng ta chưa bao giờ chứng kiến những cơn bạo loạn như thế này kể từ vụ ám sát Martin Luther King, Jr. năm 1968.

Sử gia Douglas Brinkley so sánh phong trào biểu tình hiện tại với cuộc nổi dậy tuần thánh sau vụ ám sát mục sư Martin Luther King, Jr. ngày 4-4-1968

"Michael Brown!, Amadou Diallo!, Trayvon Martin!, Alton Sterling!, Eric Garner!, Philando Castile!"..., một người biểu tình đã lần lượt hô to những cái tên này trong khi tham gia tuần hành phản đối tại đại lộ Flatbush ở quận Brooklyn, thành phố New York.

4.000 người biểu tình bị bắt

Theo trang Slate, đó là danh sách dài gồm tên của những người da màu đã bị cảnh sát Mỹ giết chết trước đây trong những tình huống gây tranh cãi hoặc cảnh sát bị cáo buộc lạm quyền. Cứ sau mỗi cái tên được xướng lên, đám đông xung quanh lại hô to "Đừng bắn! Đừng bắn!".

Lời hồi đáp của đám đông rền vang như sấm khi cái tên cuối cùng, cũng là trường hợp nạn nhân mới nhất, ông George Floyd, 46 tuổi, được xướng lên. Floyd đã chết ngày 25-5 sau khi bị một cảnh sát da trắng dùng đầu gối siết cổ trong gần 9 phút trong lúc ông bị hai cảnh sát khác trói tay và giữ chặt.

Đã có những tình huống ngạt thở xảy ra, như chiều 31-5 một chiếc xe bồn đã lao rất nhanh vào đám đông người biểu tình đang tuần hành hòa bình trên một chiếc cầu ở thành phố Minneapolis. Chưa có thông tin gì về trường hợp người biểu tình nào bị thương nặng trong vụ việc và tài xế của xe bồn đã bị bắt.

Biểu tình lan ra 140 thành phố ở Mỹ - Ảnh 3.

Viên cảnh sát quỳ gối trước khuôn mặt đầy giận dữ của một người biểu tình ở cạnh Nhà Trắng, thủ đô Washington DC hôm 31-5 - Ảnh: AFP

Theo Đài CNBC, các thành phố lớn đều đã phải áp dụng lệnh giới nghiêm gồm có Atlanta, Chicago, thủ đô Washington, một số khu vực ở Dallas, Los Angeles, Miami, Minneapolis, một số khu vực ở Nashville, Philadelphia, San Francisco và Seattle.

Tuy nhiên bất chấp giới nghiêm và phớt lờ luôn nỗi lo dịch bệnh, người biểu tình vẫn ồ ạt đổ ra đường trong sáu ngày liên tiếp. Lực lượng vệ binh quốc gia đã phải huy động hơn 5.000 người tại ít nhất 21 bang và thủ đô Washington.

Tính đến chiều 1-6 (giờ Việt Nam), theo Đài CNN, đã có 4.000 người biểu tình bị bắt. Riêng tại thành phố New York, nhà chức trách đã bắt giữ khoảng 350 người biểu tình, khoảng vài chục cảnh sát đã bị thương nhẹ trong khi trấn áp những thành phần quá khích.

Trong số này có cô Chiara de Blasio, 25 tuổi, con gái thị trưởng New York Bill de Blasio. Chiara bị bắt khi tham gia biểu tình tại Manhattan tối 31-5, bị buộc tội cản trở giao thông trên cầu Broadway ở khu vực Lower Manhattan và không chịu rời đi khi được yêu cầu.

Bên ngoài Nhà Trắng tối chủ nhật rơi vào cảnh hỗn loạn, khi người biểu tình hò hét, đập phá và đốt lửa, buộc cảnh sát phải dùng tới lựu đạn gây choáng và hơi cay để giải tán đám đông.

Lo ngại siêu lây nhiễm

Tính đến hôm qua 1-6, đã có ít nhất gần 1,8 triệu ca COVID-19 và hơn 104.000 ca tử vong ở Mỹ. Nhưng nhiều quan chức lo rằng con số này sẽ tăng vọt sau các cuộc biểu tình. Chỉ riêng chủ nhật (31-5), nước Mỹ đã có thêm 20.000 ca nhiễm mới.

"Tôi rất quan tâm đến khả năng siêu lây nhiễm. Chúng ta sẽ thấy số ca COVID-19 tăng vọt. Đó là điều không thể tránh khỏi", Thống đốc bang Minnesota Tim Walz cho biết.

Biểu tình lan ra 140 thành phố ở Mỹ - Ảnh 4.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nói rằng tuy mọi người có quyền biểu tình ngay cả trong đại dịch, nhưng họ cũng có nghĩa vụ bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người khác. "Bạn có quyền tuần hành, bạn có quyền biểu tình nhưng bạn không có quyền lây nhiễm cho người khác", ông Cuomo nói.

Theo Reuters, cho tới lúc này nước Mỹ vẫn đang chờ thông điệp quốc gia về biểu tình từ Tổng thống Donald Trump. Ông Trump chưa đưa ra tuyên bố nào để giải quyết khủng hoảng ngoài những phát biểu dày đặc trên mạng xã hội Twitter, ám chỉ người biểu tình cực đoan là "côn đồ" và kêu gọi các thị trưởng, thống đốc bang "hãy cứng rắn".

Ông Trump cũng đe dọa sẽ sử dụng quân đội, ông tuyên bố ủng hộ việc đấu tranh cho Floyd nhưng sẽ ra tay mạnh với thành phần quá khích, hôi của, cướp bóc, gây mất trật tự. Ông cũng tuyên bố xếp các nhóm Antifa là thành phần khủng bố.

8 phút và 46 giây

Báo New York Times đã phục dựng tường tận quá trình dẫn tới cái chết của George Floyd xảy ra ngày 25-5 thông qua hình ảnh ghi lại trên camera an ninh, video nhân chứng cung cấp…

Theo đó, các cảnh sát thành phố Minneapolis bắt ông George Floyd sau khi một nhân viên cửa hàng gọi điện tới số 911 cáo buộc ông này đã dùng một tờ bạc 20 USD giả để mua thuốc lá. 17 phút sau khi chiếc xe cảnh sát đầu tiên ập tới, ông Floyd đã bất tỉnh và bị ba cảnh sát đè nghiến xuống đường, không còn dấu hiệu sự sống.

Viên cảnh sát da trắng Derek Chauvin đã dùng đầu gối chèn cổ ông Floyd trong 8 phút 46 giây theo như cáo trạng chính thức buộc tội ông này.

Người biểu tình chặn người biểu tình… hôi của

hàng ngang 2(read-only)

Một nhóm người biểu tình lập hàng ngang bảo vệ cửa hàng Target trước bọn cướp phá ở Brooklyn, New York hôm 30-5 - Ảnh: Andrew Solender/Forbes

Bên trong các cuộc biểu tình "Tôi không thở được" để phản đối cái chết của George Floyd, người ta không chỉ thấy các cảnh đối đầu bạo lực mà còn cả hình ảnh tiêu cực: cảnh cướp phá, hôi của ở nhiều nơi.

Ngay cả những người tham gia biểu tình cũng phản đối những kẻ lợi dụng bạo loạn để cướp bóc. Trong một video được phóng viên tạp chí Forbes đăng lên mạng xã hội Twitter, cuối tuần trước một nhóm người biểu tình xếp hàng ngang phía trước cửa hàng Target ở khu Brooklyn, New York để ngăn không cho những kẻ cướp phá đi vào trong.

Nhiều người biểu tình đã lắc đầu và hô to "Không được!" khi lập thành bức tường ngăn chặn những kẻ có ý định đập phá cửa hàng. Trước đó, nhiều chi nhánh của Target đã bị cướp phá và nhà bán lẻ này đã thông báo sẽ tạm thời đóng 175 cửa hàng khắp các bang.

Hãng Apple cũng thông báo đóng nhiều cửa hàng của họ do biểu tình, sau khi một số cửa hàng của "táo khuyết" bị đập phá. Thị trưởng Minneapolis cho biết khoảng 170 cửa hàng ở thành phố này đã bị cướp phá.

Nhiều chủ cửa hàng cho biết họ cảm thấy như thể họ là nạn nhân của một cuộc tấn công không đúng chỗ. "Nhiều người không biết được máu, mồ hôi và nước mắt khi làm một người chủ kinh doanh và không thấy được những hi sinh của chúng tôi để có được ngày hôm nay" - báo New York Times dẫn chia sẻ của ông Kris Shelby đang quản lý một cửa hàng quần áo ở Atlanta.

Cuối tuần trước, một người biểu tình ở thành phố Minneapolis đã có những chia sẻ xúc động trên Đài CNN. Ông nói "có điều gì đó sai trái" với những người cướp phá các cửa hàng và rằng những gì họ đang làm không phải vì George Floyd.

Thị trưởng Robert Garcia của thành phố Long Beach ở California nói rằng cảnh cướp phá thật đau lòng và là thứ "nên khiến tất cả chúng ta tức giận". "Những ai gây tội và đập phá nên thấy xấu hổ về bản thân họ" - ông nói. (BẢO ANH)

Khám nghiệm pháp y: công dân Mỹ George Floyd chết do Khám nghiệm pháp y: công dân Mỹ George Floyd chết do 'bị giết'

TTO - Kết quả khám nghiệm pháp y của hạt Hennepin, thành phố Minneapolis, kết luận cái chết của công dân Mỹ da màu George Floyd là do "giết người". Thủ đô Washington đã áp đặt lệnh giới nghiêm do biểu tình bùng phát.

D.KIM THOA - MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên