Chiếu đèn là phương pháp điều trị vàng da đơn giản, an toàn và hiệu quả. Ảnh: momjunction.com
Biểu hiện vàng da ở trẻ sơ sinh sau khi sinh 2-3 ngày khá phổ biến. Đa phần ở trẻ sinh non tháng, tỉ lệ khoảng 30% ở những trẻ đủ 40 tuần thai. Vàng da sinh lý sẽ tự khỏi trong khoảng 2 tuần, còn vàng da bệnh lý cần được chữa trị bởi bác sĩ.
Nếu như vàng da sinh lý thường xuất hiện từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 sau khi sinh và khỏi trong vòng 10 ngày thì vàng da bệnh lý cần điều trị lâu dài bằng nhiều phương pháp khác nhau tùy mức độ bệnh.
Những trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh vàng da
Có 4 yếu tố chính gây ra bệnh vàng da sớm ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, đó là:
- Sinh non: Những bé sinh non trước 36 tuần có nguy cơ mắc bệnh vàng da sinh lý cao hơn, do gan không có khả năng xử lý bilirubin nhanh như trẻ được sinh đủ tháng.
- Bầm tím trong khi sinh: Trong quá sinh chuyển dạ và sinh nở tự nhiên hoặc cũng có thể là sinh mổ một số bé bị bầm tím trên cơ thể. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu trẻ sơ sinh có vết bầm tím sẽ có nguy cơ cao về mức độ cao vượt quá ngưỡng bình thường của bilirubin từ sự phân hủy của các tế bào máu đỏ.
- Nhóm máu: Mẹ có nhóm máu O hoặc nhóm máu Rh cũng ẩn chứa nhiều khả năng trẻ sinh ra bị vàng da sớm hơn.
- Cho con bú: Trẻ bú mẹ có nguy cơ mắc bệnh vàng da cao hơn. Tuy nhiên, những lợi ích mà sữa mẹ mang lại vượt xa những bất lợi mà vàng da có thể gây ra nên các chuyên gia vẫn khuyến cáo mẹ nên cho con bú từ khi mới lọt lòng.
Biểu hiện vàng da bệnh lý
Khác với các biểu biểu hiện của vàng da sinh lý thông thường như: Xuất hiện ở vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn khoảng 24 giờ sau sinh, hết trong vòng 1 tuần với trẻ sinh đủ tháng và 2 tuần với trẻ sinh sớm hơn. Ở mức độ này, trẻ vẫn phát triển tốt và lên cân đều. Vàng da ở trẻ sơ sinh được coi là bệnh lý khi có các biểu hiện bất thường sau:
- Vàng da đậm xuất hiện sớm;
- Không hết vàng sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng;
- Mức độ vàng toàn thân và cả mắt;
- Vàng da kết hợp các triệu chứng bất thường khác như bỏ bú, sốt, khóc nhiều;
- Xét nghiệm bilirubin trong máu tăng hơn bình thường.
Một số biến chứng nguy hiểm
Với trẻ bị vàng da bệnh lý, cần được sớm đưa đến các bệnh viện chuyên khoa nhi để khám và điều trị. Thể dạng bệnh nặng không thể coi thường vì nếu không chữa trị, có thể gây biến chứng nghiêm trọng.
Bilirubin não cấp tính: Nếu mẹ phát hiện trẻ bị vàng da có các dấu hiệu khác như ngủ li bì, không tập trung, khóc nhiều, bỏ bú và sốt cao cần nghĩ ngay tới tình trạng bilirubin não cấp tính. Theo các bác sĩ, bilirubin rất độc hại đối với tế bào của bộ não. Vàng da nặng có khả năng bilirubin đi vào trong não và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Vàng da nhân: Khi chất bilirubin vượt qua giới hạn cho phép, gan không đào thải kịp, thì có nguy cơ thấm vào não tức là trẻ đã bị vàng da nhân. Điều này gây tổn thương não không hồi phục được. Vì thế, nếu xác định vàng da bệnh lý phải điều trị trước 7 ngày sau sinh để phòng nguy cơ tổn thương não.
Lời khuyên dành cho mẹ
Hậu quả của việc không phát hiện và điều trị vàng da kịp thời sẽ dẫn đến vàng da nhân và di chứng để lại có thể là bại não suốt đời, thậm chí tử vong.
Chính vì vậy, để phòng bệnh vàng da tốt nhất chính là trong quá trình mang thai mẹ cần theo đúng lịch khám của bác sĩ. Đặc biệt, các tháng cuối cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để không bị sinh non. Khi có các triệu chứng bất thường cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ, điều dưỡng viên có chuyên môn theo dõi.
Đối với các trẻ mới chớm vàng da thì có thể tắm nắng ấm mỗi sáng, nhưng nếu trẻ đã vàng da nhiều thì phải sớm đưa trẻ đi khám ở bác sĩ chuyên khoa nhi để được điều trị ngay.
Như vậy, biểu hiện vàng da ở trẻ sơ sinh cần được theo dõi chặt chẽ để tránh những trường hợp vàng da bệnh lý bị hiểu nhầm là vàng da sinh lý và không điều trị kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận