Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nghiện là trạng thái phụ thuộc định kỳ hoặc mãn tính vào các chất hoặc hành vi.
Trạng thái này được đặc trưng bởi việc không thể kiểm soát hành vi nhiều lần, bất chấp những tác động và hậu quả tiêu cực, nhằm đạt mục đích giữ cho con người ở trạng thái vui vẻ ngay lập tức, hoặc giảm cảm giác khó chịu.
Bác sĩ Trần Duy Tâm - Bệnh viện Tâm thần (TP.HCM) - cho hay việc sử dụng Internet và máy tính đã ăn sâu vào xã hội đương đại và thay đổi lối sống nhiều hơn bất kỳ phương tiện công nghệ nào.
Nhiều người tin rằng việc lướt web hoặc xem video trên YouTube, TikTok là hành động tương đối vô hại, nhưng một số người dành quá nhiều thời gian để sử dụng máy tính hoặc Internet đến mức điều đó đã bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày.
Theo đó, nghiện Internet bao gồm nhiều hình thức khác nhau như: nghiện game, nghiện mạng xã hội, nghiện tình dục mạng…
Bác sĩ Duy Tâm cho biết nếu có những triệu chứng dưới đây chứng tỏ đã lệ thuộc vào Internet:
- Lúc nào cũng bận tâm tới Internet (suy nghĩ về online trước đó hoặc nghĩ về lần online tiếp theo).
- Nhu cầu sử dụng với thời lượng ngày càng tăng để đạt hài lòng.
- Đã thực hiện những nỗ lực không thành công để kiểm soát, cắt giảm hoặc ngừng sử dụng Internet.
- Trực tuyến lâu hơn dự định ban đầu.
- Bồn chồn, ủ rũ, chán nản hoặc cáu kỉnh khi cố gắng giảm hoặc ngừng sử dụng Internet.
- Sử dụng Internet như một cách để thoát khỏi các vấn đề làm dịu tâm trạng.
- Đã nói dối để che giấu mức độ sử dụng Internet.
- Đã gây mất nguy cơ quan hệ bạn bè, công việc hoặc cơ hội, nghề nghiệp vì Internet.
Nghiện Internet có thể gây ra nhiều tác hại cả về thể chất lẫn tinh thần: đau nhức cơ thể, hội chứng ống cổ tay, mất ngủ, các vấn đề thị lực, tăng/giảm cân.
Những ảnh hưởng về cảm xúc có thể bao gồm: trầm cảm, không trung thực, lo lắng, cô lập xã hội, hung hăng và cảm xúc không ổn định.
Bác sĩ Tâm cũng cho hay tùy vào mức độ nghiêm trọng của chứng nghiện, người nghiện có thể điều trị bằng phương thức trị liệu khác nhau nhằm mục đích thay đổi hành vi đến dùng thuốc (nếu mắc lo âu, trầm cảm trước đó).
Mục tiêu của điều trị không thể là kiêng hoàn toàn việc sử dụng Internet vì mạng là yếu tố không thể thiếu trong văn hóa nghề nghiệp và giải trí ngày nay.
Thay vào đó, mục đích trị liệu cuối cùng là kiểm soát việc sử dụng Internet, đặc biệt là các ứng dụng trang mạng xã hội và ngăn ngừa tái nghiện.
Người nghiện Internet có thể được điều trị bằng việc cắt giảm từ từ thời gian sử dụng. Bên cạnh đó, những người nghiện Internet thường có xu hướng xa rời thực tế do đó nên tham gia các hoạt động xã hội, gặp gỡ bạn bè…
Làm gì để phòng ngừa nghiện Internet?
Theo bác sĩ Tâm, để phòng ngừa được nghiện Internet, đối với trẻ em và thanh thiếu niên phụ huynh cần quản lý thời gian sử dụng Internet. Bố trí thiết bị ngay ở khu vực giao lưu để kiểm soát, nhắc nhở tính tự giác của trẻ trong sử dụng.
Người lớn cần hài hòa giữa hoạt động giao tiếp, sinh hoạt thể chất, giải trí ngoài trời. Cải thiện cuộc sống vợ chồng, điều chỉnh sự thiếu hài hòa trong tình dục.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy người phụ thuộc vào Internet có xu hướng dễ bị kích thích khám phá cao.
Do vậy thanh thiếu niên có tính cách trên nên tham gia các hoạt động khám phá lành mạnh và sáng tạo ngoài mạng, đáp ứng nhu cầu của tính cách.
Hạn chế sử dụng Internet vào những thời điểm nhất định trong tuần để giảm nguy cơ nghiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận