Hiện trạng ngôi biệt thự cổ 237 Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh) khi bị tạm đình chỉ tháo dỡ sau ba ngày thi công - Ảnh: Hữu Thuận |
Tiếp tục câu chuyện ngôi biệt thự gần trăm năm tuổi 237 Nơ Trang Long bị chủ nhà tháo dỡ và hiện đang bị các cơ quan chức năng ách lại, Tuổi Trẻ ghi nhận thêm ý kiến từ các góc nhìn khác nhau xung quanh một vụ việc liên quan đến quyền lợi của nhiều người nhiều cấp.
* LS Trương Xuân Tám (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu):
Chính quyền đã lúng túng, chậm trễ
Theo thông tin trên báo chí, căn biệt thự số 237 Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) dù là biệt thự đẹp, được xây cất cách nay đã gần 100 năm, nhưng chưa được Hội đồng bảo tồn TP.HCM xác định, lập danh sách và phê duyệt, xếp hạng là di tích lịch sử, văn hóa, nên chủ sở hữu chưa bị ràng buộc bất cứ điều gì đối với di tích lịch sử, văn hóa.
Vì vậy, nếu đây là căn nhà thuộc sở hữu tư nhân và đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng thì chủ nhà có quyền tháo dỡ, nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Theo quy định của Bộ luật dân sự và Luật nhà ở, chủ sở hữu có toàn quyền quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản của mình. Tại điều 5 Luật nhà ở quy định:
Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về nhà ở của các chủ sở hữu theo quy định của luật này. Nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không bị quốc hữu hóa.
Trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước quyết định trưng mua, trưng dụng, mua trước nhà ở hoặc giải tỏa nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ và thực hiện chính sách tái định cư cho chủ sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật.
Ở đây, nếu căn biệt thự 237 Nơ Trang Long là cần xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa thì cần phải được xếp hạng cụ thể theo Luật di sản văn hóa, và lúc đó chủ sở hữu phải được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để duy tu, sửa chữa, bảo tồn.
Qua sự việc này, rõ ràng chính quyền đã lúng túng, chậm trễ, dẫn đến việc tháo dỡ đáng tiếc mà người dân không hề có lỗi.
* LS Cổ Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM):
Người dân có thể khởi kiện
Hiện tại, chủ nhà 237 Nơ Trang Long có đầy đủ quyền sở hữu (bao gồm các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt) đối với căn nhà này.
Chủ nhà mua căn nhà này cách đây không lâu, việc mua bán diễn ra suôn sẻ, trong giấy chủ quyền nhà do Nhà nước cấp cũng không ghi hạn chế về việc sở hữu nhà.
Cũng chưa có bản án hay quyết định của tòa án tuyên về việc hạn chế quyền sở hữu của chủ nhà. Căn nhà cũng chưa được phân loại, chưa được xếp hạng di tích, chưa có một văn bản pháp lý nào hạn chế quyền sở hữu của chủ nhà.
Các cơ quan nhà nước không thể ban hành quyết định hành chính để hạn chế, ngăn cấm chủ nhà thực hiện quyền sở hữu đối với căn nhà.
Theo tôi, căn nhà cổ này hiện chưa có quyết định xếp hạng di tích hay giao một cơ quan nào quản lý, Nhà nước không có quyền cấm cản chủ nhà xây dựng, sửa chữa căn nhà đúng theo quy hoạch của khu vực.
Trước mắt, UBND quận Bình Thạnh phải trả lời cho chủ nhà là tạm ngưng xây dựng, sửa chữa trong thời gian bao lâu.
Hết thời hạn đó, nếu chính quyền không cấp giấy phép thì người dân tự xây, tự sửa. Người dân có thể khởi kiện hành vi không cấp giấy phép xây dựng, sửa chữa của cơ quan chức năng.
Trong trường hợp Nhà nước muốn xếp hạng di tích để bảo tồn căn nhà này thì phải thỏa thuận, thương lượng mua lại căn nhà, không thể lấy tài sản của người dân để làm di tích hay bảo tồn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận