TTCT - TP.HCM đang rà soát, thống kê và phân loại biệt thự cũ (xây trước 1975). Trao đổi với TTCT, TS.KTS Lê Vĩnh An - trưởng khoa kiến trúc, Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM) - nói: Biệt thự Phương Nam hơn 100 năm tuổi, giáp ba mặt tiền đường: Bà Huyện Thanh Quan, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Diệu (TP.HCM). Ảnh: -Hữu Thuận Đây là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách, đáng lẽ phải làm từ lâu. Những biệt thự cổ ở TP.HCM hầu hết xây từ thời Pháp thuộc mà chúng ta quen gọi là “Kiến trúc thuộc địa” (Colonial Architecture), trên dưới 100 năm tuổi. Kiến trúc di sản này rất quý, cần được bảo tồn cho các thế hệ mai sau vì nó là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa bản địa và quốc tế. Về giá trị thẩm mỹ và kiến trúc, những công trình này tuyệt đẹp: tỉ lệ kiến trúc hài hòa, cân xứng từ tổng thể đến các chi tiết, bộ phận; tổ chức không gian mặt bằng thích ứng công năng của từng công trình, tổng thể công trình kiến trúc toát lên vẻ đẹp vương giả, trí tuệ. Về giá trị khoa học công nghệ, đây là minh chứng cụ thể về khả năng tiếp nhận và thích ứng công nghệ xây dựng mới của người Việt Nam trong quá khứ. Những công trình “đầu tay” này đã tồn tại ngót nghét 100 năm trong điều kiện khắc nghiệt của phong thổ xứ nhiệt đới. Về giá trị bản sắc, tuy không phải là “gốc Việt” nhưng thể hiện bản sắc của một đô thị “nhượng địa” thuộc Pháp ở giai đoạn sơ khai. Đây chính là cái “lõi” của sự hình thành, phát triển đô thị Sài Gòn trong quá khứ, hiếm hoi còn sót lại của đô thị Sài Gòn hiện đại cần được bảo tồn và phát huy. Về giá trị sử dụng, từ khi được xây dựng đến nay, công năng của những công trình kiến trúc này chưa hề bị mai một, đặc biệt đối với loại hình kiến trúc công sở, nhà ga, bưu điện và biệt thự. Theo ông, danh sách biệt thự đặc trưng cho dạng nhà ở trước năm 1975 nên tập trung những khu vực nào? Khi chọn cần chú ý đến những tiêu chí nào? - Việc chọn công trình nào để bảo tồn tùy thuộc vào các mặt giá trị mà nó sở hữu. TP.HCM cần lập hội đồng chuyên trách để thống kê, phân loại, lập hồ sơ khoa học cho từng công trình, thẩm định các mặt giá trị (gồm cả giá trị khuôn viên đất mà nó tọa lạc), xác định các tiêu chí lựa chọn cụ thể như: giá trị lịch sử và niên đại, giá trị thẩm mỹ - kiến trúc, giá trị khoa học công nghệ, giá trị bản sắc, giá trị sử dụng. Tập trung chọn khu vực nào để bảo tồn là bài toán không dễ trong tình hình quy hoạch phát triển đô thị hiện nay. Trước tiên cần gắn với công tác nghiên cứu quy luật lịch sử của quá trình hình thành và phát triển đô thị Sài Gòn từ khi hình thành đến trước năm 1975, xác định “lõi” đô thị, khoanh vòng bán kính 5km từ khu vực trung tâm phát triển ra ngoài để bảo vệ. Với những công trình nằm trong khu vực I cần áp dụng khung di sản cấp quốc gia để bảo tồn. Với khu vực II và III thì khung áp dụng “loãng” hơn. Trường hợp biệt thự nằm ngoài khu vực I nhưng có giá trị thẩm mỹ, kiến trúc cao cần có biện pháp ứng xử đặc biệt. Ngoài ra có những đô thị vệ tinh là các tỉnh thành xung quanh Sài Gòn, nơi còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc thuộc địa có giá trị cũng cần có sự quan tâm thỏa đáng. Có nhiều biệt thự thuộc sở hữu tư nhân và việc bảo tồn sẽ không dễ dàng. Theo ông, nên có giải pháp nào với dạng này? - Những biệt thự cổ thường có ba hình thức sở hữu: nhà nước, tập thể và tư nhân. Với những công trình thuộc sở hữu nhà nước thì việc áp dụng chính sách bảo tồn là đương nhiên và không khó, nhưng với hai hình thức còn lại thì rất nhạy cảm. Nhưng bất kể là hình thức sở hữu nào đi nữa, nếu công trình thực sự có giá trị thì cần phải được bảo tồn vì lợi ích lâu dài. Nhưng nếu không có chính sách phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng “án treo nhà cổ” và tạo ra hiệu ứng xã hội không tốt đối với chính quyền. Chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm của người Nhật trong chuyện bảo tồn. Đối với hình thức sở hữu ngoài nhà nước, thượng sách được áp dụng là vì lợi ích dân tộc bên cạnh chính sách hỗ trợ thỏa đáng, hoặc có kế hoạch phát triển du lịch. Có những trường hợp đặc biệt nhà nước phải mua lại tài sản đó để bảo tồn. Một đô thị muốn phát triển bền vững cần có những bước đi vững bền, phải dựa trên sự kế thừa thành quả quá khứ. Tạo “chất” đô thị không phải công việc một sớm một chiều, việc bảo tồn những công trình kiến trúc nói trên chỉ mới là động thái đầu tiên. ■ Tags: Biệt thự cổRà soát biệt thự cổBiệt thự cổ Sài Gòn
Thiếu phôi bằng lái khắp cả nước: Cục Đường bộ mở gói thầu hơn 141 tỉ đồng ĐỨC PHÚ 23/11/2024 Chuyện thiếu phôi bằng lái xe lan ra nhiều tỉnh thành dẫn đến nhiều người dân đã thi đậu vẫn chưa được cấp bằng.
Hai cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục va li, yêu cầu cởi đồ vì nghi lấy 20 triệu HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để kiểm tra va li, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng khiến nhiều người bức xúc.
Biến động ở REE: ‘Nữ tướng’ Mai Thanh rời ghế chủ tịch, sếp mới là đại diện quỹ ngoại BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Ông Alain Xavier Cany - đại diện của quỹ ngoại Platinum Victory - trở thành chủ tịch HĐQT mới của REE thay bà Nguyễn Thị Mai Thanh.
Bắt nghi phạm trộm cướp 2 ô tô, đánh chết cụ ông ở Hà Nội DANH TRỌNG 23/11/2024 Nghi phạm Ma Vũ Duy bị công an bắt giữ với cáo buộc sử dụng ma túy rồi trộm cướp 2 ô tô, tông vào người đuổi theo ngăn chặn và dùng xẻng đánh chết cụ ông 69 tuổi ở Hà Nội.