Căn biệt thự kín cổng cao trường trong khuôn viên 6.500m2 của Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng - Ảnh: Khắc Tâm |
Như TTO đã thông tin, chỉ trong chưa đầy một tháng, nhiều trường hợp cán bộ xây biệt thự trái phép bị phát hiện. Điều đáng nói là diện tích xây dựng các “biệt phủ” này lên đến hàng ngàn m2 và thời điểm phát hiện cũng là lúc công trình… gần xây xong.
Xây xong mới phát hiện là xây trái phép?
Đầu tháng 4-2017, tính đến thời điểm được xác định là công trình xây trái phép trên đất nông nghiệp thì căn biệt thự của ông Nguyễn Sỹ Kỷ - phó Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xây xong. Căn nhà kiểu biệt thự diện tích khoảng 200m2, khu nhà bếp và nhà ăn 91m2, nhà chòi xây trên hồ nước tổng diện tích 19m2, một hồ bơi rộng 152m2.
Theo quy hoạch sử dụng đất tính đến năm 2020, khu đất nói trên không được chuyển đổi sang mục đích đất thổ cư.
Cùng thời điểm này, tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai), người dân tổ 13, ấp Trần Hưng Đạo, xã Xuân Thạnh phản ánh có một công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp được cho là của ông Nguyễn Văn Đấu - phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai.
Công trình xây dựng không phép nằm trên khu đất có diện tích gần 2.000m2 được ông Đấu mua trước đó. Năm 2015, ông Đấu có đơn xin thay đổi mục đích sử dụng đất nhưng không được chấp thuận do khu này là đất nông nghiệp quy hoạch trồng cây lâu năm.
Gần đây, khu biệt thự trong khuôn viên 6.500m2 của chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng Đặng Văn Ngọ xây dựng hơn một năm, sắp hoàn thành mới bị phát hiện là chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa cấp giấy phép mà đã xây dựng và mới chỉ phạt hành chính trên 6,2 triệu đồng.
Mới nhất, lại một công trình lại xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp của ông Nguyễn Quang Trường - giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Đắk Lắk, với tổng diện tích lên đến 8.000m2.
Buộc phải tháo dỡ
Căn nhà được cho là "nhà cấp 4" của con rể phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai - Ảnh: A LỘC |
Theo các luật sư, Điều 170 Luật Đất đai năm 2013 quy định công dân có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan. Về nguyên tắc, người dân không được xây dựng nhà ở, công trình kiên cố trên đất nông nghiệp. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, có thể bị yêu cầu phá bỏ công trình thậm chí là thu hồi đất.
Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng, xây dựng công trình sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng…
Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai cũng nêu rõ hành vi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5ha đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Theo luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP.HCM), cơ quan chức năng cần xem xét đến thời hiệu xử phạt vi phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định với các vi phạm về xây dựng thì thời hiệu xử phạt là 2 năm.
Nếu quá thời gian này, cơ quan chức năng vẫn có quyền ra quyết định buộc người vi phạm khắc phục hậu quả, trong đó có việc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính, buộc tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm.
Không thể có "quyền ngoại lệ"
Khu vườn và biệt thự của ông Nguyễn Sỹ Kỷ - phó Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk - xây trái phép trên đất nông nghiệp - Ảnh: T.B.D. |
Luật sư Phạm Công Út cho biết hành vi sai phạm của cán bộ phải được xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
“Nếu địa phương có sự cả nể, e dè trong xử lý sẽ để lại tiền lệ xấu. Khi ấy, chính cơ quan chức năng đã tự thủ tiêu tinh thần “mọi công dân bình đẳng trước pháp luật”, tự thủ tiêu vai trò quản lý nhà nước của mình”, ông Út nhấn mạnh.
Chuyên gia xã hội học Lê Minh Tiến cho rằng hiện nay một bộ phận cán bộ quản lý nhà nước vẫn còn quan niệm các quy định được đưa ra là để điều chỉnh hành vi của người dân mà “quên” đi trong đó cũng có chính họ.
Theo ông Tiến, cần xử lý nghiêm các trường hợp này để giữ thượng tôn pháp luật.
Tháo dỡ công trình và xử luôn nơi quản lý tắc trách Hàng trăm bạn đọc bày tỏ bức xúc khi những công trình kiên cố, quy mô bị phát hiện khi sắp hoàn thành. Ông Trần Minh Luân (Q.8, TP.HCM) cho biết: “Tháo dỡ công trình quy mô như vậy thì đúng là lãng phí nhưng không tháo dỡ pháp luật sẽ bị xem thường. Vì kỷ cương, cần phải tháo dỡ công trình, xử luôn các cán bộ, cơ quan chức năng đã tắc trách khi “thờ ơ” để công trình được xây trong suốt thời gian dài. Bà Tuyết Nhung (Đồng Nai) nêu ý kiến: “Phải làm mạnh tay, không thể cứ đặt mọi chuyện vào thế đã rồi!”. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu:
>> Luật sư Phạm Công Út
>> Chuyên gia xã hội học Lê Minh Tiến
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận