16/10/2017 11:49 GMT+7

Biết đâu vài năm nữa nhạc kịch thành 'mốt'

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Lần đầu thử sức đạo diễn một vở nhạc kịch với nhiều diễn viên nhí, Nguyễn Khắc Duy - trưởng nhóm Buffalo - đã chia sẻ những thú vị về dự án nhạc kịch thiếu nhi Bé chịu chơi vừa được công diễn vào những ngày đầu tháng 10.

Sau hai tuần công diễn thành công tại TP.HCM, vở nhạc kịch thiếu nhi Bé Chịu Chơi sẽ đến với khán giả tại Hà Nội vào ngày 21/10, 22/10, 28/10 và 29/10 với các suất diễn tại nhà hát Âu Cơ (Hà Nội) (2 suất diễn mỗi ngày).

Nguyễn Khắc Duy sinh năm 1990, một chàng trai trẻ sống tình cảm và ấm áp, là người sáng lập nhóm kịch Buffalo. 

Ngay trong cuộc phỏng vấn, hơn một lần mắt anh chàng đỏ hoe mỗi lúc nhắc đến hai chữ "sân khấu".

Trong khi nhiều người làm nghề bế tắc bởi rất khó khăn để sân khấu sáng đèn, thì Duy với sức trẻ và sự lạc quan lại nuôi một hi vọng khác, luôn hào hứng và tràn đầy năng lượng cho những dự án còn ấp ủ hoặc đang thực hiện.

Anh chia sẻ rất vui khi làm đạo diễn sân khấu vở nhạc kịch dành cho thiếu nhi mang tên Bé chịu chơi, điều Duy ao ước từ rất lâu nhưng đến giờ mới có cơ hội thực hiện…   

Biết đâu vài năm nữa nhạc kịch thành mốt - Ảnh 2.

Nguyễn Khắc Duy (giữa) rất xúc động khi lần đầu được hợp tác với hai nghệ sĩ Thanh Thuỷ và Tấn Lộc trong vở nhạc kịch mới do anh làm đạo diễn sân khấu. Ảnh chụp trong buổi họp báo ra mắt vở nhạc kịch Bé chịu chơi - Ảnh: GIA TIẾN

* Mới đó nhóm kịch Buffalo do bạn sáng lập đã gần bước sang năm thứ 5. Khoảng thời gian ấy với Duy có ý nghĩa như thế nào?

- Tôi nghĩ làm gì có con đường nào, ngành nghề nào trải hoa hồng cho mình bước qua.

Và tôi thấy tự hào về những điều Buffalo làm được: bước trên một con đường riêng, bước đầu gặt hái được những thành công nhất định.

Điều đáng quý là chúng tôi tìm được những bạn trẻ đồng hành với mình trong suốt chặng đường này, tiếp thêm niềm tin cho sự lựa chọn của tôi.

* Từ những vở kịch đi mua bản quyền, đùng cái Tết 2016, Buffalo giới thiệu một vở nhạc kịch thuần Việt là Tấm Cám do chính Duy viết, làm mới lại kịch bản và dàn dựng. Điều gì khiến bạn nghĩ đến điều này?

- Đó là lúc tôi muốn viết một vở nhạc kịch dành cho gia đình, một vở nhạc kịch thuần Việt, của người Việt.

Tôi muốn làm mới một câu chuyện cổ rất nhiều người biết theo một hướng nhân văn hơn, đi sâu vào tình chị em máu mủ, thay vì cho Cám và Tấm mâu thuẫn nhau.

Đáng mừng là khi vở kịch được trình diễn, đông đảo các gia đình rủ nhau đưa con nhỏ đi xem, mọi người đều đón nhận rất nhiệt tình.

Có thể nói, Bé chịu chơi đã chuyển tải một thông điệp đầy tính nhân văn. Cả ê-kip cùng quyết tâm ấp ủ gửi đến đến khán giả: hãy để cho con trẻ có một tuổi thơ thật sự, được học, được vui chơi đúng với lứa tuổi của mình.

 * Có phải điều này khiến bạn có động lực để tiếp tục thực hiện nhạc kịch Bé chịu chơi, hướng đến các gia đình, các bậc phụ huynh và các em bé không?

- Thực ra mà nói, nhạc kịch là loại hình nghệ thuật không phân biệt dành cho trẻ nhỏ hay người lớn. 

Bởi dù khán giả là ai, khi đã làm nhạc kịch đếu phải đầu tư rất lớn, công phu về âm nhạc, tập nhảy, tập hát…

Nhạc kịch cho trẻ em xem còn khó hơn nữa, vì âm nhạc không được phép sơ sài, bởi tôi quan niệm rằng nội dung vở kịch, bên cạnh việc đem lại các phút giây vui cười, giải trí, mà hơn thế nữa, cần phải mang đến giá trị giáo dục - thẩm mỹ cho các bé.

Tuy nhiên, làm thế nào để khán giả đón nhận mình là một sự thử thách không hề nhỏ. 

Nhưng với sự quyết tâm và lòng yêu nghề, mong muốn mang đến một tác phẩm có ý nghĩa dành cho phụ huynh và trẻ em, cả nhóm, gồm anh Tấn Lộc, chị Thanh Thủy, và anh Võ Thiện Thanh được tiếp thêm nghị lực rất nhiều trong suốt thời gian qua.

Biết đâu vài năm nữa nhạc kịch thành mốt - Ảnh 4.

Bé chịu chơi, một trong những cú "bật" của nhóm Buffalo và làng nhạc kịch Việt Nam trong năm 2017

* Làm việc với dàn diễn viên nhí trong Bé chịu chơi có phải là thách thức dành cho bạn không? Hay còn thách thức nào khác?

- Ngoài việc phải trả lời khoảng…5000 câu hỏi mỗi buổi cho các em thì cũng không có thách thức gì lắm (cười lớn).

Con nít mà, động chút là hỏi, hỏi là hỏi cho tới nên nhiều khi mình cũng hơi mệt. Nhưng bù lại các bé trong nhạc kịch lần này rất thông minh, nói là hiểu ngay, và còn chăm chỉ nữa.

Đặc biệt nhiều bé có năng khiếu thực sự với kịch. Các em mê kịch, một ngày mà không được lên tập với các bạn thì ỉ ôi với cha mẹ là sao con nhớ sân khấu quá.

Với một người trẻ cũng mê sân khấu như tôi, tự nhiên thấy vui và xúc động lắm. Tôi thấy được cái lửa của các em, thấy được tài năng của các em, và tin rằng nếu quyết tâm theo đuổi, các em hoàn toàn có thể trở thành những diễn viên trong tương lai.

* Sau khi xem lại vở nhạc kịch lần này, điều gì khiến Duy tự hào và hài lòng nhất?

- Điều đầu tiên tôi nghĩ đó là sự choáng ngợp về cảnh sắc, đạo cụ, ánh sáng. Có lẽ rất lâu rồi, sân khấu mới có một vở diễn được đầu tư công phu và kĩ lưỡng như vậy.

Thứ hai là sự nghiêm túc làm việc của các diễn viên nhí khi diễn xuất, khi thể hiện các ca khúc… Có thể nó chưa quá hay, chưa hoàn hảo một cách tuyệt đối, nhưng trên hết là sự truyền tải rất tốt cảm xúc và thông điệp đến người xem.

Chúng tôi rất may khi tìm được một nhà tài trợ đủ tế nhị và thấu hiểu, họ không đòi hỏi phải đưa tên nhãn hiệu hay bất cứ điều gì vào vở.

Chúng tôi được chủ động sáng tạo một vở nhạc kịch dành cho trẻ nhỏ, có lẽ vì thế từ tôi đến biên đạo Tấn Lộc, chị Thanh Thuỷ, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đều rất thích thú với vở nhạc kịch này.

Biết đâu vài năm nữa nhạc kịch thành mốt - Ảnh 5.

Choáng ngợp về cảnh sắc, đạo cụ, ánh sáng trong Bé Chịu Chơi

Tôi tin rằng, hai ba năm nữa người ta gặp sẽ hỏi nhau: Bạn đã đi coi vở nhạc kịch đó chưa? Và xem nhạc kịch sẽ trở thành "mốt" luôn không chừng!

* Lựa chọn nhạc kịch và quyết tâm theo đuổi con đường khó khăn này ngay từ những ngày đầu, chắc hẳn Duy phải có một tham vọng rất lớn ở lĩnh vực này?

- Tôi nghĩ sau một thời gian "no nê" với các game show, khán giả đang từ bỏ dần thói quen xem những điều vô bổ lặp đi lặp lại. Họ bắt đầu trở nên chọn lọc, khắt khe hơn, và sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn để được thưởng thức các sản phẩm giải trí đúng nghĩa.

Với dòng chảy này, tôi tin rằng sân khấu sẽ quay trở lại thời huy hoàng của nó trong vòng vài ba năm nữa, với những sản phẩm nghệ thuật có giá trị.

Hướng đi của chúng tôi là thực hiện những tác phẩm nhạc kịch gần gũi với công chúng, phải có người xem, chứ không phải là những điều quá hàn lâm, xa lạ.

So với opera và múa đương đại, rõ ràng nhạc kịch mang tính đại chúng và dễ dàng được khán giả đón nhận hơn. 

Biết đâu vài năm nữa nhạc kịch thành mốt - Ảnh 7.

Nhạc kịch Bé chịu chơi gây ấn tượng bởi sự đầu tư công phu cho việc dàn dựng - Ảnh: GIA TIẾN

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên