Một gia đình hạnh phúc khi vợ chồng cùng nhau vô bếp - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Thi thoảng tôi bắt gặp trong quán một hai phụ nữ không còn quá trẻ, chỉ thoáng qua thôi là biết họ nhất định có một gia đình cần chăm sóc. Vậy mà cuối tuần họ an nhàn ngồi quán một mình, đôi khi kèm theo tờ báo hay chiếc laptop. Cảm giác nhất thời của tôi là khó hiểu. Mấy chị rảnh ghê hen, ra đây hưởng thụ một mình, vậy con cái ai lo?!
Mãi sau này, khi đã trải qua vô số cái cuối tuần bão táp, tôi mới hiểu ra cái "chân lý" tưởng khó tin rằng, dành riêng cho bản thân một chút thời gian, với cốc cà phê thơm hay ly trà gạo hấp dẫn, cũng chính là cách để nâng niu và yêu thương gia đình.
Sạc lại năng lượng sau cả tuần vất vả, đặng tiếp tục chiến đấu cho tuần kế tiếp. Sao lại phải xoắn với việc dọn dẹp tưng bừng, la mắng oang oang và sau đó có khi người đàn bà trong nhà lại khóc hu hu vì ấm ức?
Bởi chính tôi cũng có dạo khá... siêng năng, chưa tới cuối tuần đã ngồi nghĩ vẩn vơ là thứ bảy nhà mình ăn gì vào buổi sáng. Trưa nấu món gì cho nó hoành tráng xôm tụ. Rồi bữa tối sẽ ra sao. Hôm chủ nhật thì thế nào. Rồi hì hục đi chợ, lục đục cắt gọt nấu nướng.
Tới lúc xong xuôi mới nhớ ra ngày đó chồng phải đi làm, vì là thứ bảy đầu tháng. Hoặc con có lớp học thêm học bớt đột xuất dời ngày gì đó. Đứa nhỏ thì xin đi sinh nhật bạn, sẵn tiện coi phim luôn, là hết buổi.
Cảm giác của bà nội trợ chăm ngoan sẽ ra sao khi những thứ mình tỉ mỉ làm ra bị ế? Tất nhiên là tôi vừa bực vừa cáu, ngồi ăn với "đội ngũ nhân sự" không còn đầy đủ như dự kiến ban đầu chẳng còn thấy ngon lành gì.
Tôi từng có giai đoạn hay trách chồng là anh ít quan tâm tới gia đình quá. Hầu như chưa bao giờ thấy anh có dự định chở vợ con đi chơi đâu, hoặc ra ngoài ăn uống gì vào dịp cuối tuần. Anh cứ ngồi đợi vợ lên kế hoạch sẵn như vậy ư, coi sao được?
Chồng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc, nên lúc nào cũng thắc thỏm hỏi, có muốn đi ăn pizza không, hay là gà rán khoai tây chiên, uống cà phê với ăn mì Ý cũng được. Vài lần như thế thì tôi điên tiết bảo, anh muốn biến cả nhà thành gà công nghiệp hết à? Đoạn tiếp theo là cảnh bà vợ chứng tỏ sự đảm đang thức thời của mình, như đã kể ở trên…
Bây giờ, sau kha khá trải nghiệm, thì chốt lại cuối tuần chồng hay dậy sớm (tức là khoảng hơn 7h sáng!) để chở tôi đi chợ. Tôi ưng cái góc chợ quê be bé hay bày bán bông bí nhà trồng, có trứng gà ta, với mấy con cá đồng tôm sông lớn bé khác nhau. Thêm ít củ khoai lang, bắp nếp hay đậu phộng để ít bữa luộc mang đi làm nhâm nhi. Nhất định phải có cam tươi, đu đủ và chuối, vừa rẻ vừa lành.
Rồi cả nhà chúng tôi ăn sáng trong bếp hoặc lên đồ dắt díu nhau ra quán, cũng đều thấy ổn cả. Chính là mấy cái quán gần nhà mà tôi từng nghi ngại tẩy chay chê mắc rẻ đấy thôi. Nó không tiết kiệm tiền, nhưng đỡ mất thời gian và cả nhà được vài khoảnh khắc thư giãn đông vui, là được!
Tôi không còn tâm lý quá nặng nề chuyện "món ngon thì nhất định phải được chế biến từ bếp nhà mình" nữa. Chỉ cần một bữa canh cua rau đay ăn với cà pháo, đậu hủ mắm tôm là đủ. Tận dụng hàng bánh ướt, mì Quảng hay bò bít tết được tuyển kỹ gần nhà. Có này có kia, vậy mà lại thấy bình yên hơn hẳn.
Lâu lâu xủng xẻng tôi cho cả nhà đi nếm thử sushi của Nhật, thịt nướng kiểu Hàn Quốc, hay ra ngoài cùng ăn hải sản nướng chẳng hạn. Vừa tiện vừa vui, bọn con nít khá là hào hứng.
Cơm nhà hay cơm hàng không nhất thiết phải lăn tăn cắn đắng nhau. Điều quan trọng nhất là mẹ chúng không còn quá cực đoan, nhìn đâu cũng thấy độc hại lãng phí rồi chê bai chỉ trích dỗi hờn bắt bẻ nữa!
Chuyên gia tâm lý Trương Thị Bích Phượng: Phụ nữ không đơn độc trong bếp
Bây giờ người ta luôn nghĩ phụ nữ cũng ra ngoài xã hội, làm kinh tế, cũng có địa vị xã hội... có khi hơn địa vị và thu nhập cao hơn đàn ông rất nhiều...
Họ không còn thời gian tổ chức bữa ăn cho gia đình hoặc họ không muốn "mất thời gian" cho việc nhà, thay vì vậy cả nhà chỉ cần ra ngoài ăn là xong bữa. Bếp nhà chẳng khi nào đỏ lửa nếu không có người giúp việc.
Bên cạnh đó, lại có hình ảnh những người phụ nữ hết giờ làm phải lao ra chợ, bận rộn vào bếp, tất bật với việc nhà. Họ mệt mỏi với vai trò "giỏi việc nước, đảm việc nhà" này.
Tuy nhiên, dù hoàn cảnh nào, hôn nhân như căn bếp, ấm lạnh do người giữ lửa. Không quá chú trọng cũng không quá buông lơi căn bếp nhà mình. Nếu chúng ta không nấu được tất cả các ngày trong tuần thì ít nhất mỗi tuần cũng được một hai ngày. Làm sao để chúng ta duy trì đều đặn một cách thoải mái nhất.
Không phải một mình người vợ tất bật lo phục vụ cho cả gia đình. Sẽ đầm ấm biết bao nếu chồng phụ lặt cọng rau, con lăng xăng lấy cái này giúp cái kia để thành quả cả gia đình cùng tận hưởng bên mâm cơm.
Người ta nói "nghèo xem phòng khách, giàu xem nhà bếp". Nhưng để biết được gia đình đó như thế nào, không phải vô phòng khách, không bước vào phòng ngủ mà nhìn vào căn bếp sẽ thấy được gia đình có nồng ấm hay không, cách bài trí vật dụng của người vợ thế nào, cách tổ chức bữa ăn ra sao, xem nó nồng ấm hay lạnh tanh... sẽ phản ánh được gia đình đó nồng ấm hay lạnh lẽo như căn bếp.
Thạc sĩ văn hóa Hoàng Duẩn: Cần sự đồng hành
Bếp trong quan niệm của người Việt đó là sự ấm no, yên ấm, hạnh phúc của một gia đình.
Có chị em cho rằng mình đi làm bên ngoài cũng giống đàn ông nên buông hết việc cơm nước. Hay có chị em lại "dài tay", một mình làm hết mọi chuyện, đi làm về họ lại tiếp tục đầu tắt mặt tối vào bếp.
Khi dọn lên cả nhà ăn xong, người lên giường, người coi tivi, đọc báo... còn mình lại một mình rửa chén, dọn dẹp, lau nhà... như vậy đều không ổn.
Giữ bếp hay buông bếp là do suy nghĩ của mỗi người, thiển nghĩ người phụ nữ không nên cả tuần ôm bếp mà cũng không nên bỏ bếp suốt. Có thể trong tuần chúng ta ăn bên ngoài, nhưng buổi cơm cuối tuần tại gia đình, mẹ là đầu bếp chính chế biến các món ăn mà chồng con thích, chồng phụ rửa chén, lau nhà, con nhặt rau, vo gạo... điều đó sẽ làm gia đình vui vẻ và hạnh phúc hơn.
Nhưng quan trọng là lúc buông hay không buông bếp, người phụ nữ rất cần có sự đồng hành của chồng, con và các thành viên trong gia đình, có như vậy cuộc sống mới thật sự hạnh phúc.
DIỆU NGUYỄN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận