Doug Kingham là một trong các tay viết của trang xe The Autopian. Đồng thời, anh cũng là một kỹ sư xây dựng, quản lý dự án và đam mê mày mò xe cộ, luôn tìm kiếm những dự án mới để thử thách bản thân.
Năm 2020, Doug đã thử thuê một chiếc xe máy điện. Ngay lập tức, anh "nghiện" mô men xoắn và độ im lặng của chiếc Frank-E. Do đó, anh quyết định mua chiếc xe máy điện NIU N1S 2017.
Trong khoảng thời gian sống tại Frankfurt, Đức, Doug bắt đầu bị thu hút bởi những chiếc xe máy Peugeot cổ điển và ý tưởng về một chiếc xe điện tự chế hình thành. Quyết định chuyển đổi chiếc Vespa thành xe máy điện đánh dấu bước chuyển quan trọng trong hành trình theo đuổi đam mê của Doug.
Hành trình lột xác: Từ Vespa PX125 đến chiếc xe máy điện thời thượng
Động cơ truyền động trung tâm (Hub Motor hay còn gọi là InHub) là một loại động cơ điện được lắp trực tiếp vào trục bánh xe. Động cơ này có thể cung cấp năng lượng cho bánh xe mà không cần sử dụng hệ thống truyền động phức tạp thông thường như dây curoa, xích hay hộp số.
Doug đã mua một chiếc Vespa PX125 2008 sử dụng động cơ 2 thì 125cc.
Sau đó, anh mua một bộ chuyển đổi sang xe máy điện từ Retrospective Scooters. Bộ dụng cụ bao gồm một mô tơ điện (hub motor) 3 kW, gắp đôi, bộ điều khiển, dây điện, pin 64V, bóng đèn LED và các linh kiện khác.
Quá trình lắp đặt các bộ phận điện phức tạp hơn Doug dự kiến. Anh phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu sơ đồ đấu nối, đảm bảo mọi thứ hoạt động trơn tru, trong khi còn đi làm và có một gia đình với 3 con nhỏ. Doug thừa nhận nếu không nhờ vợ thông cảm, anh khó có thể độ lại chiếc xe khi chưa bao giờ có kinh nghiệm.
Chuyển Vespa thành xe máy điện
Chưa bao giờ vặn cờ lê trên xe Vespa, Doug phải tìm kiếm sự hỗ trợ trên YouTube. Đầu tiên là hút nhiên liệu ra khỏi bình xăng, và cho chạy động cơ đến khi chết máy.
Sau đó anh tháo động cơ cũ, bao gồm cả dây cáp, dây điện cũ, cũng như công tắc đèn, phanh. Doug cho biết làm theo hướng dẫn cũng không quá khó, chỉ là không thể chỉ trong 4 phút như chuyên gia được.
Sau đó, anh tháo gương, kính chắn gió (Vespa ở châu Âu có trang bị này), ốp sườn, còi… vẫn theo hướng dẫn trên mạng.
Doug tỉ mỉ tháo rời động cơ cũ và các bộ phận của Vespa. Các phần tháo ra đều được lau sạch, những bộ phận không sử dụng đến như động cơ và bình xăng cũ - Ảnh: Doug Kingham/The Autopian
Với bộ dụng cụ chuyển đổi xe điện, Doug có tất cả các dây cần thiết để thay thế cho những thứ không còn dùng đến trên một chiếc xe sử dụng động cơ mới.
Anh cho biết mỗi bộ dụng cụ sẽ khác nhau. Các bộ hiện đại dễ dàng hơn nhiều, còn bộ Doug mua nhiều dây hơn, phức tạp hơn, nhưng cũng nhờ vậy anh biết cách đi lại đường dây trên chiếc Vespa và có thể dễ dàng sửa chữa sau này.
Doug bắt đầu lắp những bộ phận anh cho là đơn giản nhất. Đầu tiên là còi và lẫy ở tay lái bên trái, siết chặt cùm côn. Những phần này đều khá đơn giản.
Nhưng chẳng ngờ, lắp bóng đèn LED vào cụm đèn pha lại phức tạp hơn Doug nghĩ. Bóng đèn phải được lắp vào vỏ đèn, nhưng đường kính của bóng đèn lại lớn hơn phần lỗ, nên không còn cách nào khác là phải mài để lỗ mở rộng hơn.
“Việc này không quá khó, nhưng tốn thời gian quý báu và tạo ra một mớ hỗn độn. Mặc dù tôi đã cố gắng hết sức dùng máy hút bụi, nhưng vẫn còn một ít bụi nhựa trong vỏ đèn, điều này thật khó chịu. Việc lắp đèn LED đèn hậu diễn ra suôn sẻ và tôi chuyển sang phanh sau”, Doug kể lại.
Tháo phanh sau khá dễ, nhưng tháo cáp phanh sau và vỏ cáp cũ thì không. Cáp phanh sau được giữ cố định bằng một chốt, chốt này lại được giữ cố định bằng một chốt chẻ (chốt khóa). Chốt chẻ này là thứ khó tháo nhất.
“Tôi không nhớ mình đã mất bao lâu để lấy nó ra. Cuối cùng, tôi đã dùng kìm để hủy, nhưng ít nhất, cuối cùng tôi cũng có thể tiếp tục. Tôi đã hy vọng có thể tái sử dụng, nhưng giờ thì điều đó là không thể. May mắn thay, tôi được lấy một cái mới miễn phí từ một cửa hàng xe máy địa phương”, Doug cho hay.
Sau đó đến các bộ phận công tắc đèn phanh, động cơ và bộ điều khiển mới. Doug chia sẻ kinh nghiệm đến giai đoạn này, tốt hơn hết là gọi người giúp đỡ, đừng "dại dột làm một mình như tôi".
Sau khi lắp xong các thành phần chính là đi dây điện, đặc biệt là hệ thống dây điện 12V do liên kết với nhiều thành phần như đèn xi nhan, đèn hậu, đèn phanh, đèn cụm đồng hồ.
Đi dây điện là phần Doug ngại nhất - Ảnh: Doug Kingham/The Autopian
Trong đó, hệ thống dây điện cụm đồng hồ là khó nhất. Bởi đèn này cần đảm bảo hoạt động cho các đèn tương ứng với từng chức năng. Các bộ dụng cụ hiện đại chỉ việc cắm và chạy. Nhưng bộ Doug mua khá "nguyên thủy" nên anh cần đi lại hết đường dây.
Doug phải tìm lại sổ tay hướng dẫn bảo dưỡng cho chiếc Vespa và may mắn tìm thấy sơ đồ hệ thống dây điện bao gồm cụm đồng hồ đo. Sau đó, anh đã tạo sơ đồ hệ thống dây điện của riêng mình để tương thích với bộ dụng cụ và “chiếc xe mới”.
Một trong những điểm Doug cần đảm bảo với đèn này là làm sao để đèn xi nhan hiển thị đúng đèn báo rẽ trái khi anh bật xi nhan trái, đèn báo rẽ phải khi bật xi nhan phải. Nếu không, cả hai đèn sẽ cùng sáng. Tuy nhiên, Doug thừa nhận đến giờ thì anh vẫn chưa giải quyết được vấn đề này. Dù sao thì “tôi vẫn ổn khi sống chung với lỗi này”, anh hóm hỉnh cho biết.
Phần còn lại của hệ thống dây điện diễn ra theo đúng kế hoạch, bao gồm cả đồng hồ đo. Đồng hồ đo cần lập trình một chút vì được thiết lập cho pin 72V và Doug cần chỉnh tương thích với pin 64V của bộ dụng cụ. Việc tìm tài liệu hướng dẫn rất khó, cuối cùng Doug đã may mắn tìm được thông tin trên một trang web Hàn Quốc.
Sau đó là lắp pin, không có nhiều khó khăn. Bước cuối cùng là kết nối cáp phanh sau mới với phanh tang trống sau. Việc này theo Doug cũng đơn giản.
Các bước cuối cùng - Ảnh: Doug Kingham/The Autopian
Chuyến đi đầu tiên
Lần đầu tiên lái chiếc Vespa điện do chính tay mình tạo ra, Doug vô cùng phấn khích. Chiếc xe vận hành êm ái, không tiếng ồn động cơ, tăng tốc mượt mà và mạnh mẽ hơn hẳn động cơ xăng ban đầu.
Điểm trừ lớn nhất là chiếc xe điện không bằng Vespa cũ khi vận hành từ tốc độ 65km/h trở lên. Nhưng điểm này không khiến Doug phiền lòng bởi khu vực anh thường xuyên chạy xe giới hạn tốc độ ở 50km/h.
So với NIU N1S, chiếc Vespa mang lại cảm giác lái phấn khích hơn, với tốc độ tối đa lên tới 88km/h. Ngoài ra, chiếc NIU mang cảm giác "rẻ tiền" hơn và có vẻ mong manh, do sử dụng nhiều chi tiết nhựa. Còn chiếc Vespa, với thân xe bằng thép và sử dụng ít nhựa, có cảm giác chắc chắn và mạnh mẽ.
Về mặt thẩm mỹ, Doug thích thực tế rằng chiếc xe vẫn giống như một chiếc Vespa PX125 thông thường, nhưng khi nhìn kỹ mới thấy không còn ống xả.
Doug chia sẻ rất thích chiếc Vespa điện “mới”. Mặc dù vậy, anh vẫn quyết định nâng cấp thêm để hài lòng hơn.
Quãng đường anh đi làm khoảng 25km. Phạm vi hoạt động của chiếc xe vào khoảng 50km. Do đó, mỗi khi đến cơ quan, anh sẽ tháo pin ra (khá dễ), mang vào văn phòng và cắm sạc khoảng 90 phút để dùng cho chiều về.
Điều này không phải bất tiện với Doug. Nhưng vấn đề là pin xe điện dùng lâu sẽ chai và dung lượng sử dụng thực tế giảm dần. Ngoài ra, khi dung lượng pin xuống dưới 60%, tốc độ sẽ bị hạn chế. Do đó, anh quyết định đầu tư thêm một cục pin thứ hai. Lần này, anh nhờ luôn thợ của Retrospective Scooters lắp đặt cho nhanh chóng.
Sau khi có bộ pin thứ hai, tầm hoạt động của chiếc Vespa điện lên 100km, thoải mái cho Doug sử dụng. Chỉ có bất tiện lớn nhất là việc ôm hai cục pin vào văn phòng sẽ nặng nề hơn.
Anh cũng cho biết quá trình đăng ký xe điện chính thức tại Anh phức tạp, nhưng anh cần một chiếc xe hợp pháp để dễ dàng đi khắp nơi, bị mất trộm cũng có thể trình báo.
Khi được hỏi chiếc xe có xứng đáng để bỏ công sức lắp đặt rồi xin giấy tờ không, Doug cho biết rất đáng giá.
“Đúng là tôi có thể mua một chiếc NIU, Super Soco mới hoặc một số xe máy điện khác với giá bằng một nửa số tiền tôi đã chi. Tôi thậm chí có thể mua một chiếc Vespa điện mới từ Piaggio với giá gần như vậy.
Nhưng việc mua bất kỳ chiếc nào trong số đó sẽ không mang lại cho tôi thứ tôi đam mê: Một dự án tự làm. Tôi hài lòng vì đã tự chế tạo được chiếc Vespa điện của riêng mình.
Tôi biết chính xác mọi thứ hoạt động như thế nào và tự tin rằng mình có thể giải quyết mọi vấn đề phát sinh trong tương lai. Lái chiếc xe luôn khiến tôi vui, đặc biệt là khi tôi tăng tốc hết cỡ khi đèn chuyển sang xanh”, Doug tự hào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận