Người đòi nợ đạp phá cửa nhà của con nợ trên địa bàn quận 10, TP.HCM ngày 10-8 - Ảnh: A.X.
UBND TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ cấm kinh doanh hoặc siết loại hình kinh doanh cung cấp dịch vụ đòi nợ. Không phải tự nhiên có kiến nghị này.
Không vay vẫn bị "khủng bố" đòi tiền
Ngày 26-9, trao đổi với chúng tôi, anh L.Đ.D. (32 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) bức xúc cho biết gia đình đã và đang bị những người đòi nợ "khủng bố" nhưng phải ráng chịu.
Theo anh D., năm 2016, một người quen năn nỉ vợ chồng anh xin nhập hộ khẩu để thuận tiện kinh doanh. Mới đây, nghe nhiều người hỏi thăm việc bị bêu xấu trên mạng xã hội, anh phát hiện hộ khẩu gia đình mình được chụp lại, chia sẻ trên Facebook.
Xem qua nội dung, anh giật mình bởi sổ hộ khẩu và lai lịch của gia đình anh được đăng bởi một số người liên quan đến một công ty cung cấp dịch vụ đòi nợ trên địa bàn TP.HCM.
Qua tìm hiểu, anh D. mới biết người anh cho nhập hộ khẩu đã vay khoảng 80 triệu đồng nhưng sau đó bỏ trốn vì không còn tiền trả nợ.
Phía chủ nợ đã bàn giao khoản nợ cho một công ty cung cấp dịch vụ đòi nợ. Công ty này tự thu thập tư liệu (trong đó có sổ hộ khẩu gia đình anh D.) đưa lên mạng xã hội để bêu riếu và dọa "xử đẹp".
"Gia đình tôi đành im lặng cho qua, tránh dây dưa với những người đi đòi nợ" - anh D. bức xúc.
Ông T.N.V. (Q.Bình Tân) đã gửi đơn tố cáo đến báo Tuổi Trẻ sau khi bị một nhóm tự xưng là đội cung cấp dịch vụ đòi nợ phát giấy báo khẩn cấp đến nhà yêu cầu phải trả hơn 60 triệu đồng nợ của người em gái (vay một công ty tài chính).
Do người em này có hộ khẩu ghép tại nhà ông nên ông liên tục bị đòi tiền. Ông V. cho biết hành động của họ khiến gia đình ông bị uy hiếp tinh thần, mất mặt với hàng xóm dù ông không phải là người vay.
Có trường hợp còn bị đe dọa tính mạng. Anh T.C.T. (Q.4) dù không vay nợ nhưng trót xác nhận một người có trong hộ khẩu nhà mình khi một nhân viên công ty tài chính gọi, nên sau này liên tục bị truy đòi.
"Tôi bị khủng hoảng tinh thần vì ban ngày họ gọi điện thoại hù dọa, còn ban đêm họ cũng gọi điện thoại nhưng mở thu âm sẵn để phát khi tôi bắt máy" - anh T. nói và cho hay có lần họ còn ra tối hậu thư, kèm đe dọa, dọa kiện ra tòa, đòi triệu tập về quê...
Rất nhiều người khác dù chỉ là vô tình bị người vay nợ đưa vào vai "người tham chiếu" nhưng cũng bị các đối tượng đòi nợ nhắn tin, gọi điện với những lời lẽ tục tĩu, chửi là "vô học", "mất dạy", bị gọi là "nghi phạm" và yêu cầu có mặt tại tòa án...
Biến tướng, lách luật
Theo quy định, dịch vụ đòi nợ thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, ngoài giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do sở kế hoạch - đầu tư cấp, phải được cơ quan công an cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Tuy nhiên, do chưa có quy định về địa bàn hoạt động nên nhiều công ty đăng ký ở tỉnh, thành khác rồi ủy quyền cho văn phòng đại diện tại TP.HCM thu hồi nợ (hiện chưa có quy định văn phòng đại diện phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự mới được đòi nợ).
Theo thống kê, đến hết năm 2017 trên địa bàn TP.HCM có 68 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Tuy nhiên trong số này chỉ có 44 doanh nghiệp được cơ quan công an cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự.
12 doanh nghiệp sau đó đã tự nguyện nộp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự với lý do ngưng hoạt động hoặc sắp xếp lại. Do vậy hiện vẫn có 28 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đòi nợ chính thức đang hoạt động.
Nên siết chặt quản lý
Theo luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP.HCM), nên siết chặt quản lý cung cấp dịch vụ đòi nợ vì thời gian qua có đối tượng dạng này rất lộng hành, thậm chí hành xử như giang hồ.
"Họ đòi nợ bằng cách phát loa, giả danh cảnh sát 113 để gắn còi hụ vào xe khi đến đòi nợ. Thậm chí chiêu mới nhất mà họ sử dụng là điều tra ra trường học của con cái người có vay nợ, sau đó cứ canh sau giờ tan học thì đi theo về tận nhà làm con nợ phát khiếp" - ông Thạnh nói.
Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng không nên cấm loại hình này mà nên quản.
"Đành rằng có cơ quan tòa án, viện kiểm sát, thi hành án... nhưng có bản án đã tuyên vẫn không thi hành được... Do vậy cần có lực lượng cung cấp dịch vụ đòi nợ trợ giúp. Nhưng cần có hệ thống văn bản dưới luật để hướng dẫn chặt chẽ, từ trình tự, thủ tục, các bước xử lý..." - ông Hải nói.
Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, kiến nghị nên có quy định rút giấy phép với các công ty đòi nợ hành xử kiểu giang hồ.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, cũng cần áp dụng các nội dung như kiến nghị của UBND TP như phải mặc đồng phục khi đòi nợ, số lượng nhân viên tối đa tham gia mỗi lần đòi nợ, thông báo danh sách nhân viên được cử đi đòi nợ cho công an phường nơi đến đòi nợ, không được đòi người thân con nợ.
Kéo giang hồ đòi nợ, vướng lao lý
Giữa năm 2018, TAND huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã đưa ra xét xử 3 bị cáo Lưu Thị Hoàng Oanh, Nguyễn Phước Hùng và Nguyễn Văn Vũ về tội cướp tài sản.
Theo nội dung vụ án, tháng 10-2014, Oanh cho anh Nguyễn Văn Thuật vay 230 triệu đồng. Đến tháng 4-2015 anh Thuật mới trả được 110 triệu đồng, còn nợ lại 120 triệu đồng.
Sau nhiều lần đòi nợ bất thành, ngày 20-5-2015, Oanh gặp và nhờ Vũ đòi giúp số tiền.
Khoảng 0h ngày 3-6-2015, khi anh Thuật đang ngủ trong chòi rẫy thì Vũ cùng 5 đối tượng không rõ lai lịch đến yêu cầu anh Thuật trả tiền. Nhóm này tước điện thoại không cho anh Thuật liên lạc với gia đình, đánh và lấy đi 7,5 triệu đồng cùng nhiều tài sản có tổng giá trị hơn 100 triệu đồng.
Sau đó, Oanh, Hùng, Vũ bị Viện KSND huyện Đắk Mil truy tố về tội cướp tài sản. Các đối tượng do chưa xác định được lai lịch nên CQĐT tiếp tục điều tra.
TUYẾT MAI
Xử phạt 13 trường hợp năm 2017
Theo số liệu của UBND TP, trong năm 2017, cơ quan chức năng đã tổ chức phối hợp kiểm tra 28 lượt doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Qua kiểm tra phát hiện vi phạm, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 13 trường hợp, tổng số tiền phạt là 91,5 triệu đồng.
Các lỗi vi phạm chủ yếu của các đơn vị cung cấp dịch vụ đòi nợ là: sử dụng nhân viên không đúng điều kiện, tiêu chuẩn, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự do công an cấp.
A.H.
Luật sư Hà Ngọc Tuyền (Đoàn luật sư TP.HCM):
Giảm cầu
Hiện người ta thường đòi nợ theo 3 hình thức. Thứ nhất là thuê người có máu mặt đi đòi nợ. Thứ hai là thuê công ty dịch vụ đòi nợ. Thứ ba là khởi kiện vụ án dân sự.
Việc thuê giang hồ đòi nợ hiện chưa có quy định cụ thể. Đối tượng cung cấp dịch vụ đòi nợ chuyên nghiệp thường dùng đủ mọi cách để khủng bố, đe dọa tinh thần con nợ, người thân của họ.
Với các công ty dịch vụ cung cấp dịch vụ đòi nợ hoạt động theo giấy phép và được cơ quan công an quản lý có phần đỡ hơn. Nhưng thực tế cho thấy có công ty cũng đòi nợ gần giống giang hồ.
Để hạn chế việc thuê giang hồ đòi nợ, cần có chế tài để chủ nợ tuân theo pháp luật. Nếu cố tình không trả hoặc tẩu tán tài sản trốn nghĩa vụ trả nợ phải bị pháp luật xử lý. Giảm cầu dịch vụ sẽ giảm cung.
Vừa qua, Luật hình sự cũng đã điều chỉnh về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như "đến thời hạn trả nợ, mặc dù có điều kiện trả nợ mà cố tình không trả". Đây cũng là một điểm để tăng áp lực cho người nợ phải trả.
Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM):
Do pháp luật chưa hoàn thiện
Không ít vụ kiện dân sự giải quyết chậm, thậm chí kéo dài nhiều năm, đến khi tòa tuyên cho đòi nợ thì bên nợ tẩu tán hết tài sản, nên nhiều người tìm đến nơi cung cấp dịch vụ đòi nợ.
Bộ luật dân sự không cấm người dân ủy quyền cho người khác đòi nợ thay.
Dịch vụ cung cấp dịch vụ đòi nợ nếu hoạt động đúng cũng tốt. Nhưng đã sinh ra "biến tướng" như: khủng bố, đe dọa, có dấu hiệu xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thậm chí có dấu hiệu xâm hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác...
Điều này cơ bản là do quy định của pháp luật liên quan chưa hoàn thiện và việc quản lý còn lỏng lẻo. Vì vậy, cần coi trọng công tác quản lý hơn.
TUYẾT MAI - SƠN BÌNH ghi
Đòi nợ kiểu xã hội đen
Bảng thông báo đòi nợ cùng với tên và ảnh của người bị đòi nợ được dán tại cầu thang một chung cư ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Châu Anh
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đòi nợ có khi được hưởng tới khoảng 50% số tiền đòi được… nên họ tìm đủ cách để đòi tiền.
Tìm hiểu chính những người từng tham gia cung cấp dịch vụ đòi nợ, chúng tôi được tiết lộ dịch vụ này đã có nhiều biến tướng với đủ chiêu đòi nợ.
Anh V.N. - hiện làm bảo vệ một quán cà phê trên đường CMTT (Q.10, TP.HCM), từng là nhân viên một công ty thu hồi nợ - tiết lộ: "Họ thường đến vào giờ cơm tối, không nói không rằng cầm cả chén nước mắm tạt vào mặt con nợ hoặc người nhà. Nếu không thì khuya sẽ tạt sơn, mắm tôm vào nhà con nợ. Tôi không chịu nổi nên bỏ nghề".
Nhiều người thuộc một số công ty đòi nợ cho hay tuy nghề này nguy hiểm nhưng những năm trước, mỗi nhân viên có thể thu nhập khoảng 100 triệu đồng/tháng. Nay số nơi cung cấp dịch vụ nhiều hơn, thu nhập giảm nhưng trung bình cũng khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Tuy có quy định của pháp luật nhưng theo "bật mí" của một số người kinh doanh cung cấp dịch vụ đòi nợ, cơ bản đã có "luật riêng".
Sau khi nhận thông tin từ khách hàng kèm theo những chứng từ liên quan để chứng minh, phía công ty sẽ cử tổ công tác đi xác minh tình hình tài chính của khách nợ (con nợ).
Sau khi biết có khả năng chi trả, không "xương xẩu", phía công ty sẽ ký hợp đồng với chủ nợ (có vụ lên đến 50% số tiền đòi được).
Những người này tiết lộ thêm một số "chiêu": cắt cầu dao điện, kêu dân nghiện đến đọc báo, nằm ngủ, nhậu trước cửa nhà, công ty... Nếu chưa trả, tát cảnh cáo, tạo va quẹt xe đe dọa hoặc tạt nhớt, tạt sơn, phân thối...
Theo văn bản kiến nghị cấm hoặc siết loại hình kinh doanh cung cấp dịch vụ đòi nợ, UBND TP.HCM xác nhận dịch vụ trên đang biến tướng, một số vụ việc có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Để đòi nợ, các công ty thường sử dụng nhiều chiêu trò đe dọa mang tính chất xã hội đen, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ.
Theo Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM, thời gian qua có nhiều đơn phản ánh tình trạng một số công ty đi đòi nợ không đúng quy định pháp luật.
Về cơ bản, phía công ty đòi nợ đều có hợp đồng ủy quyền của chủ nợ. Nhưng có trường hợp họ không xác định công nợ có đúng thuộc phạm vi điều chỉnh của hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ không (khoản nợ đang thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật) mà chỉ căn cứ vào hợp đồng ủy quyền.
Nên có trường hợp buộc phải ngưng hoạt động đòi nợ. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đòi nợ cũng có trường hợp tổ chức đòi nợ gây mất an ninh trật tự tại khu vực nên đã bị xử phạt, thậm chí có trường hợp phải xem xét xử lý hình sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận