Biến trang văn thành tour du lịch

TRẦN MINH HƠP 12/11/2014 04:11 GMT+7

TTCT - Đọc tiểu thuyết Vòng tròn bội bạc, tới trang 38, 39, nhà văn Chu Lai viết về cà phê Hói. Trong lòng cồn cào hình ảnh của cái quán cóc cà phê đó...

Mai Châu (Hòa Bình) sẽ “bước ra” từ văn học với vẻ quyến rũ mà bất kỳ du khách nào cũng sẽ “say” - Ảnh: T.T.Linh
Mai Châu (Hòa Bình) sẽ “bước ra” từ văn học với vẻ quyến rũ mà bất kỳ du khách nào cũng sẽ “say” - Ảnh: T.T.Linh

Không biết bây giờ có còn ở Hà Nội không, muốn một ngày sớm nhất được đi đến đó để ngồi dưới những gốc cây ướt nhớp, nhấp từng ngụm nhỏ, vẻ mặt đăm chiêu...

Uống ly cà phê giống cà phê sữa mà lại không phải cà phê sữa. Tưởng pha chế thêm ca cao nhưng không thấy vị ca cao. Cái quán quyến rũ của hơn tất cả những gì người ta quảng bá về thủ đô…

Câu chuyện ly cà phê trong tiểu thuyết của Chu Lai như là sự khơi mở dòng cảm xúc âm thầm bấy lâu nay, đó là sự thôi thúc, ham muốn đến những nơi chốn mà mình bị quyến rũ qua những tác phẩm văn học.

Như muốn đến với Mai Châu (Hòa Bình) để ăn xôi, vì “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Hay được đến thăm nơi chốn yên ả miền Bắc để sống lại không khí những tác phẩm học trong thời phổ thông của Nam Cao, Nguyễn Khải, Thạch Lam...  

Văn học ngoài chức năng thẩm mỹ, chức năng giáo dục, chức năng giải trí còn có chức năng thông tin. Trong đó thông tin về cuộc sống, tập quán, văn hóa, con người là không thể thiếu. Thông tin trong văn chương là những thông tin được sàng lọc kỹ lưỡng qua tâm hồn của người viết.

Khi viết nên một tác phẩm, người viết đã nuôi dưỡng thông tin rất lâu trong người, trở thành mạch cảm xúc rồi viết nên từng chữ từng lời. Một nơi chốn họ sống, họ đặt chân đến, họ cảm nhận rất lặng lẽ nhưng sâu thẳm. Và họ đã gieo cái hồn vía cho vùng đất ấy.

Những nơi chốn ấy, quán xá ấy, con đường ấy xuất hiện một cách tự nhiên, thậm chí rất vô tình như không hề đá động đến cốt truyện, cốt thơ. Và khi chúng ta bắt gặp được qua tác phẩm thì như một sự giới thiệu từ trái tim, từ tinh thần, từ tình yêu không hề khiên cưỡng của người viết.

Độ chân thực của nó làm chúng ta tin và cuốn hút từng ngóc ngách của nơi chốn. Dường như đó đã trở thành những di sản tinh thần. Và cuộc sống có nhiều lắm những điều thú vị mà những thông tin du lịch không kể hết, vậy phải nhờ vào văn chương…

Trong các thể loại nghệ thuật, văn học hiện hữu nhiều nhất trong tâm hồn người dân, từ những tác phẩm trường học đến những tác phẩm vang bóng một thời. Bên cạnh những kênh quảng bá khác thì nên khai thác văn học để thu hút khách.

Có lẽ, những du khách muốn được trải nghiệm kiểu này không nhiều, nhưng chắc hẳn họ sẽ rất nhiều say mê, đầy cảm xúc khi đến những nơi này.

Tại Phan Thiết, có quán kem flan của gia đình nữ sĩ, bà giáo Mộng Cầm, người tình nổi tiếng của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Quán đã trở thành “di sản”, người ta vẫn tìm đến ngồi trong quán, trước sân nhà của bà, ngắm ngôi nhà tường vàng im lìm và cảm giác như cô gái Mộng Cầm của thời son nữ đang ngồi trong nhà.

Đó là cảm giác thi vị từ thơ ca ra đời thực, khó mà tạo dựng nên được một cách bình thường.

Những nhà làm du lịch nên tìm lại những nơi chốn văn chương như vậy để đưa du khách đến những khoảnh khắc đỉnh cao của cảm xúc, sống trong bầu không khí văn chương tuyệt diệu. Họ sẽ thêm hài lòng vì chuyến đi tròn trịa của mình. 

Và văn chương cũng âm thầm, nên khai thác những gì đã có, đã ăn sâu vào tâm trí của du khách vì nguồn tác phẩm văn học Việt Nam cũng vô cùng bao la cho những nhà làm du lịch khai thác.

Tôi tin có nhiều chuyến đi của những du khách âm thầm, theo sự quyến rũ của những nơi chốn trong tác phẩm văn chương mà họ đã say mê. 

Chẳng hạn, phục dựng cái quán của bà Tư béo trong tác phẩm Đất rừng Phương Nam của Đoàn Giỏi, nơi cậu bé An sống trong ngày tháng đầu tiên lang bạt, rồi bán lại những món ăn được miêu tả trong truyện như gà nước mật ong, cá lóc, mắm...

Sẵn nơi chốn ấy, giới thiệu thêm về cánh rừng U Minh và những năm tháng kháng chiến chống Pháp của người dân Nam bộ. Chuyến đi thấm đẫm văn hóa, vừa thấm đẫm lịch sử, vừa truyền vào trong lòng du khách những phẩm chất quý giá, truyền thống của dân tộc. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận