Du khách rời khỏi Nam Phi sau khi nhiều nước cấm bay đến khu vực này - Ảnh: CNN
Ngày 25-11, Nam Phi xác nhận các nhà khoa học nước này đã phát hiện một biến thể mới của virus corona, với số lượng đột biến lớn, có thể khiến nó dễ lây hơn.
Ngày 26-11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên biến thể mới là Omicron, và đưa vào danh sách "đáng quan ngại" cùng với 4 biến thể khác là Alpha, Beta, Gamma, Delta.
Các nhà khoa học kêu gọi cần cẩn trọng nhưng không nên hoang mang, vì hiện có rất ít thông tin liên quan đến Omicron. Giới chức Nam Phi cho biết những bệnh nhân nhiễm Omicron nhập viện ở nước này hầu hết đều chưa tiêm vắc xin.
Omicron xuất hiện ở đâu?
Không ai biết Omicron có nguồn gốc từ đâu, nhưng biến thể này được phát hiện lần đầu ở miền nam châu Phi. Ngày 23-11, các nhà khoa học Nam Phi đã công bố dữ liệu về biến thể này.
Ngay lập tức, nhà virus học người Anh Tom Peacock, thuộc Trường Imperial College London, gióng chuông báo động, vì ông nhận thấy số lượng đột biến "khủng" trên protein gai (dùng để xâm nhập tế bào người) của biến thể này.
Giới chức Nam Phi cho biết Omicron đang lây lan nhanh, dù không rõ "nhanh" ra sao. Điều này một phần cũng do nước này chỉ có gần 25% dân số trưởng thành tiêm ngừa đầy đủ.
Theo số liệu của báo Washington Post, Nam Phi ghi nhận 50 ca nhiễm mới/ngày/100.000 dân từ ngày 20 đến 27-11, tăng gần 600% so với tuần trước đó. Chưa rõ Omicron chiếm bao nhiêu phần trăm trong số đó.
Khoa học đã biết gì về Omicron?
Bộ gene của Omicron khác nhiều so với các chủng virus đang lưu hành, có nghĩa nó là một nhánh hoàn toàn mới của SARS-CoV-2. Có đến hơn 30 đột biến trên protein gai của Omicron - đây là bộ phận giúp nó tấn công tế bào người.
Một số nhà khoa học suy đoán Omicron có thể dễ lây và kháng lại hệ miễn dịch mạnh hơn Delta, có nghĩa vắc xin sẽ ít hiệu quả hơn.
Còn WHO ngày 26-11 cho biết dữ liệu ban đầu cho thấy nguy cơ tái nhiễm Omicron cũng cao hơn các chủng khác.
Tin tốt là Omicron (hay B.1.1.529) vẫn phát hiện được bằng xét nghiệm PCR.
Thế giới đã làm gì để ngăn Omicron?
Chỉ trong vài ngày từ lúc phát hiện, nhiều nước đã ban lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi và các nước xung quanh.
Israel đóng cửa hoàn toàn biên giới, trong khi Úc, Anh, Nhật Bản, Thái Lan... cấm bay và cách ly đối với hành khách đến từ miền nam châu Phi. Mỹ và Liên minh châu Âu cũng có động thái tương tự.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi đây là "bước đi đề phòng", đồng thời kêu gọi người Mỹ nhanh chóng đi tiêm ngừa và tiêm liều bổ sung.
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Quản lý tình trạng khẩn cấp tháng 2-2020, lệnh cấm đi lại có thể ngăn một căn bệnh truyền nhiễm xâm nhập một quốc gia trong vài ngày hoặc vài tuần, tuy nhiên về lâu dài lại rất khó để loại hoàn toàn nguy cơ.
Vắc xin còn hiệu quả với Omicron không?
Các chuyên gia nhận định cho dù biến thể mới làm giảm hiệu quả của vắc xin, nó cũng không hoàn toàn phá hết lớp phòng vệ vắc xin trong cơ thể.
"Bất kể con virus này có chiếm ưu thế hay không, tôi khuyến cáo mọi người làm những gì có thể để giảm thiểu rủi ro bị nhiễm. Có những thứ hiển nhiên bạn có thể làm: tiêm ngừa, tiêm liều bổ sung và đeo khẩu trang" - nhà virus học người Mỹ Jesse Bloom nêu quan điểm.
Hiện tại đa số trường hợp nhập viện ở Nam Phi là người chưa tiêm vắc xin, nên còn sớm để kết luận liệu vắc xin có giảm hiệu quả trước Omicron.
Omicron đã lây lan tới những nơi nào?
Các chuyên gia y tế nhận định khả năng cao là Omicron có mặt ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác, ngoài những nơi đã phát hiện. Chẳng hạn ca nhiễm Omicron đầu tiên ở Hong Kong là một hành khách đáp máy bay ngày 11-11.
Ngoài ra còn một số dấu hiệu đáng lo. Ví dụ một trong số ca nhiễm đầu tiên ở Bỉ là một phụ nữ trẻ chưa từng đi đến vùng cận Sahara của châu Phi. Cô phát triệu chứng 11 ngày sau khi quá cảnh ở Thổ Nhĩ Kỳ rồi đến Ai Cập. Cô chưa tiêm vắc xin và cũng chưa có dấu hiệu bệnh nặng.
Khoảng 10% hành khánh trên hai chuyến bay từ Nam Phi đến Hà Lan đã nhiễm Omicron.
Bác sĩ Anthony Fauci, nhà miễn dịch học hàng đầu của Mỹ, nói ông "không ngạc nhiên" nếu biến thể này đã có mặt tại Mỹ.
Omicron có kết liễu giấc mơ trở lại bình thường?
Sau gần 2 năm chịu đựng đại dịch, nhiều người lo lắng không biết biến thể Omicron sẽ mang lại điều gì, liệu nó có giống Delta lúc mới xuất hiện, liệu mọi thành quả chống dịch có biến mất... Nhưng các chuyên gia y tế cho rằng còn quá sớm để kết luận bi quan.
Giáo sư Bill Hanage, chuyên gia dịch tễ của Đại học Harvard, dự báo hậu quả của Omicron sẽ nghiêm trọng hơn ở một số nơi, đặc biệt là những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp, nhưng nghiêm trọng đến mức nào còn phải chờ xem.
"Đây không phải là biến thể virus cuối cùng chúng ta thấy, nên tôi nghĩ chúng ta cần xem đây là một bài học tìm hiểu về con virus này" - ông Stuart Ray, chuyên gia bệnh truyền nhiễm từ Đại học Johns Hopkins, chốt lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận