Nghiên cứu mới từ Viện Y khoa thuộc Đại học Tokyo cho thấy vắc xin có thể kém hiệu quả đối với biến thể Mu của virus SARS-CoV-2 - Ảnh: REUTERS
Nhóm nghiên cứu do phó giáo sư Sato Kei chủ trì công bố phát hiện này trên tạp chí y học New England.
Nhóm nghiên cứu đã tạo ra virus SARS-CoV-2 nhân tạo có các đặc trưng của biến thể Mu rồi đánh giá mức độ nhạy cảm của nó với các kháng thể trong mẫu máu lấy từ những người đã tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech.
Kết quả cho thấy biến thể Mu có khả năng kháng kháng thể cao gấp 9,1 lần so với virus SARS-CoV-2 gốc. Điều này cho thấy kháng thể từ vắc xin kém hiệu quả hơn trước biến thể Mu.
Nhóm nghiên cứu cho biết vắc xin có nhiều tác dụng khác bên cạnh việc tạo ra kháng thể, nên để đánh giá hiệu quả tiêm chủng thì cần phải nghiên cứu thêm.
Theo Đài NHK, phó giáo sư Sato nói rằng virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục biến đổi. Quan trọng là phải thiết lập cơ chế xác định các đặc điểm của virus và chia sẻ thông tin với quốc tế.
Vào tháng 9, báo Asahi Shimbun đưa tin nhóm nghiên cứu của phó giáo sư Sato đã công bố nghiên cứu về khả năng kháng kháng thể của biến thể Mu. Kết quả thời điểm đó cho thấy khả năng kháng kháng thể của biến thể này chỉ cao hơn 7 lần so với virus gốc.
Như vậy nghiên cứu mới sau 2 tháng cho thấy dường như khả năng kháng kháng thể của biến thể này đã tăng lên.
"Mặc dù khả năng kháng thuốc tăng lên, biến thể Mu không làm vắc xin mất tác dụng - ông Sato nói - Nhưng chúng tôi phát hiện thấy biến thể này có khả năng kháng kháng thể cao nhất trong số các chủng virus đã phát hiện trước đây".
BIến thể Mu được phát hiện lần đầu ở Colombia và đã lây lan tới 70 quốc gia. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào ngày 30-8 đã thêm biến thể này vào danh sách theo dõi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận