Bên trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện của Mỹ - Ảnh: REUTERS
Nghiên cứu được thực hiện trên 43.338 trường hợp mắc COVID-19 được ghi nhận tại Anh từ ngày 29-3 đến ngày 23-5 năm nay.
Trong đó có 1,8% số trường hợp là người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin COVID-19, 24% đã tiêm 1 mũi và số còn lại chưa tiêm.
Để bảo đảm chính xác nhất, nhóm nghiên cứu đã giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm và nhận thấy gần 80% mắc biến thể Alpha, 20% mắc biến thể Delta.
Nghiên cứu được thực hiện vào giai đoạn trước khi Delta trở thành biến thể thống trị toàn cầu, nhưng vẫn có ý nghĩa vào thời điểm hiện tại, càng cho thấy rõ hơn mức độ nguy hiểm của biến thể lần đầu phát hiện tại Ấn Độ này.
Sau khi tính toán các yếu tố được biết là dễ làm bệnh tiến triển nặng - bao gồm tuổi tác, chủng tộc và tình trạng tiêm chủng - các nhà nghiên cứu nhận thấy nguy cơ nhập viện ở người mắc biến thể Delta cao gấp đôi người mắc biến thể Alpha.
"Các kết quả từ nghiên cứu này chủ yếu cho chúng ta biết về nguy cơ nhập viện với những người chưa tiêm hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ", đồng tác giả nghiên cứu Anne Presanis nói với Hãng thông tấn AFP.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tiêm chủng đầy đủ giúp giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng và nhập viện, kể cả biến thể Delta lẫn Alpha.
Các nghiên cứu ban đầu cho thấy Delta có khả năng lây lan cao hơn tới 50% so với biến thể Alpha. Một số nghiên cứu nhỏ khác cũng dẫn tới những giả thuyết cho rằng có thể Delta có độc lực cao hơn, khiến người mắc phải dễ trở nặng hơn các biến thể trước đó.
Biến thể Alpha được ghi nhận lần đầu tiên tại Anh và có đặc tính dễ lây lan. Trong khi đó, biến thể Delta được ghi nhận đầu tiên tại Ấn Độ và hiện là biến thể chiếm đa số các ca mắc COVID-19 mới trên toàn cầu.
Tổ chức Y tế thế giới đã xếp cả hai biến thể Alpha và Delta vào danh sách các biến thể đáng lo ngại. Hiện danh sách này còn hai biến thể khác là Beta và Gamma lần lượt được ghi nhận tại Nam Phi và Brazil, Nam Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận