Tại cuộc họp báo tối 7-6, sau khi kết thúc Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ tại Bắc Kinh, thấy báo chí Mỹ không hỏi gì đến bài diễn văn của chủ nhà Tập Cận Bình, đại diện của làng báo nước này là Chen Weiwei bèn đặt câu hỏi mang tính gợi ý.
Nhà báo này hỏi: “...Chủ tịch nói rằng châu Á - Thái Bình Dương không nên biến thành đấu trường kình địch mà là một mặt bằng cho sự hợp tác toàn diện. Thế ngoại trưởng nghĩ sao?”.
Nói là hỏi gợi ý bởi Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ (S&ED) diễn ra ngay sau Đối thoại Shangri-La, nơi mà phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đã có những phát ngôn thăm dò phản ứng của thế giới, qua đó dọn đường cho “ông Tập Cận Bình lên tiếng ở S&ED bằng bài diễn văn khai mạc ra vẻ cởi mở.
Nếu ông Kerry trả lời “hợp tác toàn diện” thì xem như chấp nhận “đại cục” mà Bắc Kinh muốn Washington tham gia, trước mắt là “nhắm mắt” trên Biển Đông, qua đó thừa nhận trong thực tế, dù không thừa nhận trong pháp lý.
Nhưng câu trả lời của ông Kerry rất rõ ràng: “Hợp tác toàn diện? Chúng tôi sẵn lòng nhất trí một cách cơ bản với tuyên bố đó. Tôi nghĩ rằng Tổng thống Obama cũng từng nói những điều tương tự. Thái Bình Dương đủ rộng lớn cho mọi người, nếu như các luật lệ và quy tắc hành xử hàng hải được tôn trọng, lúc đó sẽ không còn bất cứ thách đố nào nữa”.
Mệnh đề “Thái Bình Dương đủ rộng...” từng được ông Tập nói với ông Obama. Ông Kerry cũng đã nghe ông Tập nói như thế ở Bắc Kinh hôm 17-5-2015. Tham vọng “chia đôi Thái Bình Dương” là cám dỗ rất “tự nhiên” khi đang là nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới.
Việc Trung Quốc cùng Mỹ “đối thoại chiến lược và kinh tế” hằng năm, mà riêng mảng kinh tế bàn về những quyết sách tác động đến cả thế giới, như năm nay bàn về sản lượng thép của Trung Quốc, về lãi suất của Mỹ... càng khiến tham vọng xưng hùng xưng bá thêm thôi thúc, biến thành hành động lấn chiếm.
Bởi thế nay vấp phải sự đối kháng của Mỹ, Bắc Kinh lặp lại ý tưởng “chia đôi Thái Bình Dương” với chiêu bài “hợp tác toàn diện”, hi vọng ông Obama sẽ chọn một sự “êm ả” trên Thái Bình Dương thay vì một bầu không khí sôi sục.
Ông Kerry tiếp tục cứng rắn: “Tôi nghĩ rằng lập trường của chúng tôi rất rõ ràng, rất đúng với luật biển. Chúng tôi muốn sự tự do hàng hải, hàng không mang tính lịch sử truyền thống phải được tôn trọng”.
Cặp từ “lịch sử truyền thống” mà ông Kerry sử dụng là để chỉ các luật lệ quốc tế thật sự đã được loài người soạn ra và thông qua, khác với từ “lịch sử” mà Bắc Kinh dùng để bổ nghĩa cho cụm từ “...thuộc chủ quyền lịch sử không thể tranh cãi của Trung Quốc”, mơ hồ đến nỗi không chấp nhận ra tòa đối chất là xác thực hay “siêu thực”.
Tấn tuồng diễn từ Shangri-La Singapore đến S&ED Bắc Kinh đã hạ màn như thế!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận