01/06/2021 15:35 GMT+7

Biến rác thải nhựa thành gạch xây nhà

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Một nhà khoa học tại Kenya đã có sáng kiến độc đáo giải quyết rác thải nhựa tại nước này, đó là biến chúng thành gạch xây nhà.

Biến rác thải nhựa thành gạch xây nhà - Ảnh 1.

Nzambi Matee bên đống rác thải nhựa và viên gạch được làm ra từ rác thải nhựa. Ảnh: euronews.com

Mỗi ngày có tới hàng trăm tấn rác thải nhựa bị vứt bỏ tại thủ đô Kenya. Ngay ngoại ô Nairobi là bãi rác Dandora với diện tích bằng 22 sân bóng. Kênh CBS News (Mỹ) cho biết mặc dù đã cấm nhựa sử dụng một lần nhưng Kenya vẫn không thể thoát khỏi chúng. Dandora đang ở ngưỡng quá tải trong khi theo lịch trình, bãi rác này phải đóng cửa từ 20 năm trước.

Nhưng một nhà khoa học trẻ có tên Nzambi Matee lại tìm ra biện pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề này. Cô đặc biệt để ý đến đặc tính của nhựa là nổi trong nước. Matee giải thích: 'Tôi đã nảy ra ý tưởng sử dụng nhựa để làm gạch xây nhà'.

Matee đã chia sẻ về các công đoạn sản xuất gạch nhựa tái chế. Ban đầu là phân loại rác thải nhựa với những loại khác. Sau đó là bước đun chảy nhựa rồi đổ vào khuôn. Matee cho biết cô đã phải dành ra 9 tháng để nghiên cứu và sản xuất được một viên gạch từ rác thải nhựa. Sau đó, cô bắt tay vào việc tạo máy móc sản xuất hàng loạt gạch rác thải nhựa với công suất 2.000 viên mỗi ngày. Gạch rác thải nhựa rẻ hơn 35% so với nhựa thông thường nhưng có sức bền gấp 7 lần. Matee hy vọng rằng qua hành động của cô, núi rác tại Dandora sẽ trở thành 'đồi'.

Cuộc chiến chống rác thải nhựa của Kenya không chỉ diễn ra trong nước. Cách đây 2 năm, Mỹ xuất khẩu trên 500.000 tấn rác thải nhựa tới 96 quốc gia, trong đó có Kenya. Hiện nay Mỹ muốn tăng lượng rác thải nhựa xuất khẩu đến Kenya dựa trên thỏa thuận thương mại được đề xuất. Nhưng nhà hoạt động vì môi trường tại tổ chức Greenpeace – ông Amos Wemanya cho rằng Kenya vẫn chưa xử lý được lượng rác thải nhựa của nước này, chưa tính đến việc tái chế cho rác thải nhựa của Mỹ.

Matee trong khi đó cho rằng các quốc gia nên tự giải quyết rác thải nhựa nội địa. Cô cũng bổ sung: 'Chúng ta càng tái chế thêm được nhiều nhựa, sẽ có thêm nhiều việc làm cho thanh niên'.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên