Đường số 4 hay còn gọi là đường nhà ông Hai Bột vừa qua đã bị 3 đối tượng dùng 5 triệu đồng chi trả, rồi chặt vài hàng bắp nới rộng đường để vận chuyển hàng lậu, nay đã bị đóng - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 29-6, ông Nguyễn Bảo Trung - chánh văn phòng UBND tỉnh An Giang - phản hồi bài viết "An Giang: Doanh nghiệp mua đất, tự mở thêm đường mòn xuyên biên giới" mà Tuổi Trẻ Online đăng ngày 26-6.
Theo đó, hiện nay trên địa bàn xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu không phát sinh mới con đường nào như phản ánh. Khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương hiện có 5 đường mòn (là ranh đất các hộ dân canh tác trên khu vực biên giới) tồn tại từ lâu đời, gắn liền với khu vực 68 hộ dân trên khu vực cửa khẩu.
Đối chiếu với thực trạng mà báo phản ánh là đường ranh số 4 trong sơ đồ. Đường ranh này đã tồn tại từ lâu để người dân lên chăm sóc ruộng, vườn giáp biên giới.
"Hiện tại, một số người dân đã làm hàng rào không cho môtô chạy. Đối với các hộ dân có đất canh tác trên khu vực cửa khẩu, chính quyền địa phương đã làm việc và cho viết cam kết không cho thuê mướn hoặc chuyển nhượng phần đất hiện canh tác sát biên giới cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để lợi dụng vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới", văn bản nêu.
Lãnh đạo Đồn biên phòng Sông Tiền cho biết sau khi báo phản ánh thì đơn vị đã cử lực lượng chức năng giăng võng túc trực 24/24 giờ ở các con đường mòn lên biên giới Campuchia để chống buôn lậu.
Đồn biên phòng Sông Tiền đã cho cán bộ túc trực ở các con đường mòn lên biên giới Campuchia để chống buôn lậu - Ảnh: BỬU ĐẤU
Trao đổi qua điện thoại với Tuổi Trẻ Online chiều 29-6, ông Nguyễn Văn Hùm - bí thư, chủ tịch UBND xã Vĩnh Xương - cho biết sau khi báo phản ánh, các ngành chức năng đã vào cuộc xác định được 3 đối tượng lén lút thỏa thuận với 9 hộ dân có đất, nhưng chỉ có 3 hộ đồng ý nhận 5 triệu đồng để cho các đối tượng này mở rộng đường.
"Họ không mở mới đường, mà chỉ chặt vài hàng bắp để mở rộng 2 đường hiện có ở đường số 4. Tôi đã làm việc và các hộ dân này nhận thấy hành vi như vậy giống như tiếp tay buôn lậu, nên họ đã tự rào lại 2 con đường đó. Riêng về 3 đối tượng thuê đất của người dân thì lực lượng công an đang làm rõ. Nếu đủ yếu tố vi phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật", ông Hùm nói.
Theo ông Hùm, địa phương đã làm việc với 68 hộ dân ven biên giới là ban ngày bà con đi lại trong 3 con đường, còn ban đêm rào lại hết. "Tôi đã buộc người dân cam kết không cho bất kỳ ai thuê, mướn khu vực này. Bởi đây là vùng quy hoạch. Còn bán là trái với quy định của Luật biên giới", ông Hùm nói thêm
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, gần một tháng nay, doanh nghiệp H.P. chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu đường cát, có địa chỉ tổ 15, ấp 3, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang đã liên hệ mua đất của ông Sáu Phú ở cặp vành đai biên giới Việt Nam - Campuchia.
Khu đất có mặt tiền giáp tỉnh lộ 952, nối dài dọc đường biên giới và mấy hàng rẫy bắp phía sau ngang khoảng 3m, kéo dài hàng trăm mét tiếp giáp với đường biên giới Campuchia. Hiện doanh nghiệp này đã rải đá mi, trấu mở đường lên biên giới, không cần qua đường cửa khẩu.
Hằng ngày, một số đối tượng được thuê mướn dùng xe máy xuất biên trái phép qua đường mòn này, sau đó chở hàng nhập lậu (chủ yếu là đường cát) về lúc giữa trưa, chiều tối và nhất là ban đêm, sau giờ đóng cửa khẩu, từ 18h chiều đến sáng hôm sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận