Hội thảo trực tuyến do Trường đại học Luật TP.HCM tổ chức - Ảnh: U.L.
GS.TS Shruti Bedi - Viện nghiên cứu pháp lý, Đại học Panjab, Chandigarh, Ấn Độ - cho biết độ tuổi tối thiểu để chịu trách nhiệm hình sự ở các nước quy định khác nhau, riêng ở Ấn Độ là 18 tuổi.
Đạo luật trẻ em, người chưa thành niên...
Từ năm 1960 Ấn Độ đã có đạo luật trẻ em. Đến năm 1986 Ấn Độ có luật cho người chưa thành niên, bé gái dưới 18 tuổi và bé trai dưới 16 tuổi được xem là người chưa thành niên, sẽ không phải chịu chế tài được áp dụng cho người thành niên.
Ấn Độ gia nhập công ước quốc tế vào năm 1992 và nhiều đạo luật ra đời, không phân biệt độ tuổi của bé trai và bé gái nữa và trẻ em không bị giam giữ trong các cơ sở giam giữ người lớn.
Năm 2012, ở Ấn Độ xảy ra vụ hiếp dâm tập thể, nạn nhân bị 5 người đàn ông hiếp dâm trong xe buýt, trong đó có 1 bị cáo dưới 18 tuổi. Vụ việc này dẫn đến làn sóng phẫn nộ trong dư luận và dẫn đến nhiều sửa đổi trong hệ thống pháp luật.
Năm 2015, Ấn Độ ban hành đạo luật bảo vệ và chăm sóc người chưa thành niên: người từ 16 tuổi đến 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng như hiếp dâm, giết người… thì chính phủ phải thành lập ủy ban tư pháp người chưa thành niên.
Ủy ban này sẽ xem xét nếu cho rằng bị cáo phạm tội một cách man rợ, côn đồ, tính chất rất nghiêm trọng thì có thẩm quyền chuyển bị cáo sang thủ tục xét xử thông thường dành cho người thành niên.
Bà Bedi cho rằng với quy định này, Ấn Độ đã vi phạm các công ước quốc tế về người chưa thành niên.
Biện pháp tư pháp nghiêm khắc hơn hình phạt
Về biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa - trưởng khoa luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM - cho rằng đây là biện pháp tư pháp đặc thù đối với người chưa thành niên.
Trong công ước về quyền trẻ em đã đề ra biện pháp xử lý chuyển hướng, là các biện pháp chuyển trẻ em ra khỏi hệ thống tư pháp bất cứ thời điểm nào trước, trong quá trình tố tụng liên quan. Các biện pháp xử lý chuyển hướng không bao gồm sự tước tự do.
Bà Hoa cho rằng biện pháp đưa người chưa thành niên vào trường giáo dưỡng 1-2 năm không được phép rời khỏi nơi này, nên đây không phải là biện pháp xử lý chuyển hướng. Mục đích của biện pháp này là giáo dục, phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội.
Như vậy, tính nghiêm khắc cao hơn một số hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội như hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ.
Việc nhà làm luật quy định chỉ áp dụng hình phạt nếu việc giáo dục tại trường giáo dưỡng không đảm bảo hiệu quả giáo dục, phòng ngừa... là bất lợi cho người chưa thành niên. Điều này mâu thuẫn với đường lối xử lý người chưa thành niên tại khoản 1, điều 91 Bộ luật hình sự 2015.
Ngược lại, PSG.TS Trịnh Tiến Việt - phó chủ nhiệm khoa luật Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng không nên căn cứ vào thực tiễn để đánh giá. Vì bản chất của hình phạt luôn luôn nghiêm khắc. Biện pháp tư pháp mang tính giáo dục, mục đích áp dụng khi đưa vào trường giáo dưỡng là để các đối tượng này được học văn hóa, học nghề.
TS Trịnh Tiến Việt góp ý có thể bổ sung biện pháp miễn hình phạt khi các biện pháp khác không thể áp dụng được.
"Một đứa trẻ người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam thì khung pháp lý trên có được áp dụng không?" - ông Kith Sothearith, đại diện Lãnh sự quán Campuchia tại TP.HCM, hỏi.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng trong hệ thống hình phạt của Việt Nam có hình phạt trục xuất. Tuy nhiên khi áp dụng biện pháp này, tòa án sẽ phải cân nhắc để lựa chọn phù hợp.
Về việc có phải chấp hành án tại Việt Nam hay không, bà Hoa cho rằng trong các hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự và hợp tác quốc tế, có những thỏa thuận về chuyển giao phạm nhân để thi hành án vì lý do nhân đạo.
Khi Việt Nam và Campuchia có hiệp định song phương thì đứa trẻ đó có thể được chuyển giao về Campuchia để thi hành hình phạt tù tại Campuchia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận