Khách du lịch ngoại quốc rất thích thú khi trải nghiệm hoạt động cưỡi trâu ra đồng tại Hội An - Ảnh: Jack Tran
Ngày 18-5, Trung ương Hội Nông dân VN, Tổng cục Du lịch và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo Phát triển du lịch sinh thái bền vững, gắn với nông nghiệp, nông thôn.
Theo Tổng cục Du lịch, Quảng Nam là một trong những địa phương thành công với mô hình gắn kết nông nghiệp, nông thôn với phát triển du lịch.
Ông Lê Ngọc Cường, phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, cho biết mô hình đầu tiên là làng rau Trà Quế thành lập vào năm 2007 đến nay trở thành điểm đến có thương hiệu và hấp dẫn du khách.
Từ đây, nhiều làng nghề khác liên tiếp ra đời xoay quanh vùng di sản Hội An như làng rau An Mỹ, làng bắp Cẩm Nam, làng gốm Thanh Hà, rừng dừa Cẩm Thanh đều thu hút được khách du lịch.
Theo ông Cường, hiện tại nhu cầu xã hội đối với du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, nông dân rất lớn. Với mô hình của Hội An, các làng nghề nông nghiệp không những làm đa dạng thêm điểm đến, kéo dài thời gian lưu trú của du khách mà còn góp phần phân tán khách ra ngoại ô, giảm tải cho vùng lõi di sản.
"Cái được lớn nhất của du lịch nông nghiệp là tạo ra thu nhập tăng thêm đáng kể cho người nông dân và gìn giữ, quảng bá được bản sắc văn hóa địa phương. Quan điểm của chúng tôi là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện du lịch nông nghiệp.
Thực tế Quảng Nam là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp với tỉ lệ dân cư nông thôn đông đảo, cảnh quan phong phú đa dạng và nhiều làng nghề. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là không phải điểm nào làm nông nghiệp cũng có thể phát triển du lịch. Để làm được và thành công phải có nghiên cứu, quy hoạch rõ ràng, tránh tạo ra các điểm đến và sản phẩm trùng lắp" – ông Cường nói.
Niềm vui của du khách khi tham gia tour chèo thuyền thúng dạo rừng dừa Cẩm Thanh, Hội An - Ảnh: Jack Tran
Đánh giá ở phạm vi toàn quốc, Tổng cục Du lịch cho rằng thực trạng phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn hiện nay chưa có nhiều sản phẩm độc đáo, thiếu chuyên nghiệp. Các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, đặc trưng vùng miền chưa được chú ý đưa vào khai thác.
Các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp về cơ bản chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản. Do đó, chi tiêu của du khách cho các dịch vụ bổ trợ còn rất hạn chế.
Theo Tổng cục Du lịch, để loại hình du lịch mới này phát triển mạnh mẽ cần có sự phối hợp hành động liên ngành nông nghiệp, du lịch và công thương.
Cụ thể, các bên cần bắt tay phối hợp xây dựng điểm du lịch, phát triển sản phẩm và đánh giá xếp hạng. Có chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn, tăng cường kết nối với các đơn vị lữ hành, đào tạo đội ngũ nhân lực người bản địa và đầu tư cho truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận