11/06/2016 06:00 GMT+7

Biến một phần đường thành kênh được không?

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN
VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN

TTO - Xung quanh giải pháp chống ngập trên đường Kinh Dương Vương, có đề xuất cho rằng nên biến 1/3 con đường này thành kênh thoát nước. Phương pháp này liệu có khả thi?

Bức tường xây chắn hết lối ra vào trước một cửa hàng - Ảnh: HỮU KHOA - HỮU THUẬN

Bức tường xây chắn hết lối ra vào trước một cửa hàng - Ảnh: HỮU KHOA - HỮU THUẬN

Như báo Tuổi Trẻ đã phản ánh, người dân hai bên đường Kinh Dương Vương, Q.Bình Tân (TP.HCM) hiện rất bức xúc khi bị đơn vị thi công công trình chống ngập nước trên tuyến đường này xây dựng tường chắn cao hơn 1m trước cửa nhà, gây nhiều khó khăn cho việc kinh doanh, đi lại.  

Việc xây tường chắn là để đánh dấu độ cao nâng đường. Tuy nhiên việc này làm nhiều người không khỏi lo lắng liệu rằng sau khi đã nâng đường lên cả mét như thế thì nhà dân hai bên đường sẽ ra sao?

Thay vì nâng đường, có ý kiến đề xuất nên biến 1/3 đường Kinh Dương Vương thành kênh thoát nước để chống ngập.

Đề xuất này nhận được sự quan tâm của rất nhiều bạn đọc. Tuy nhiên tính khả thi ra sao? Cần làm gì để thực hiện giải pháp này?

Cần xem xét vấn đề giao thông và thiết kế xây dựng kênh

Theo kiến trúc sư (KTS) Lê Công Sĩ, việc biến một phần diện tích đường Kinh Dương Vương thành kênh thoát nước là một đề xuất hay nhưng còn phải xét đến tình trạng giao thông của khu vực này.

Cụ thể là việc phân luồng giao thông thế nào, đấu nối với các khu vực khu vực lân cận ra sao,...

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng khi thực hiện phương án này cần có sự tham gia của Sở Giao thông - vận tải để tránh hiện tượng kẹt xe sau khi biến một phần đường thành kênh. Cần xem xét đến việc đường Kinh Dương Vương là một tuyến giao thông huyết mạch.

KTS Lê Công Sĩ cũng bày tỏ sự quan ngại khi chưa rõ đề xuất xây kênh trên đường Kinh Dương Vương chống ngập ra sao, liệu có phải đơn giản là xây kè chứa nước ngay trên mặt đường nhựa hiện hữu hay không.

Bên cạnh đó cần xác định rõ kênh chứa nước này chỉ hoạt động vào mùa mưa hay cả mùa khô, tức kênh này tích nước quanh năm hay chỉ có mục đích chống ngập cho mùa mưa.

“Xác định rõ chức năng, thời gian hoạt động của kênh này là cơ sở tiên quyết để tính toán các vấn đề khác về kinh phí, tình trạng kết nối giao thông với khu vực, hệ thống thoát nước thải sinh hoạt của người dân. Từ đó mới có thể kết luận giải pháp này có khả thi hay không. Tuy vậy, nhìn chung đề xuất này theo tôi là rất trúng, rất phù hợp” - KTS Lê Công Sĩ nhận xét.

Kênh Kinh Dương Vương (tạm gọi là vậy) trên đường Kinh Dương Vương thông thủy với kênh Tham Lương và kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng như các hồ tự nhiên xung quanh - Đồ họa: T.THIÊN

Kênh Kinh Dương Vương (tạm gọi là vậy) trên đường Kinh Dương Vương thông thủy với kênh Tham Lương và kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng như các hồ tự nhiên xung quanh - Đồ họa: T.THIÊN


Đỡ tốn kém hơn so với nâng đường?

KTS Lê Công Sĩ cho rằng về vấn đề kinh phí, tuy chưa thể tính toán cảm tính mà phải có đề án nghiên cứu hẳn hoi nhưng nếu so sánh với giải pháp nâng đường thì có thể nói giải pháp xây kênh đỡ tốn kém hơn.

Bởi phương án nâng đường sẽ kéo theo những hệ lụy là phải nâng nền nhà, nâng sàn các tầng lầu, thậm chí là “khai tử” một hoặc rất nhiều tòa nhà, đồng thời phải nâng các hẻm đấu nối với đường.

Nếu các chi phí như nâng nhà, sửa nhà, nâng hẻm... được tính vào kinh phí cho nâng đường thì chắc chắn số tiền sẽ vô cùng lớn.

Tuy nhiên hiện nay nhiều dự án chống ngập bằng cách nâng đường không tính luôn các chi phí này nên giải pháp nâng đường thường được cho là có chi phí thấp hơn, từ đó cũng được “ưa chuộng” nhiều hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - phó trưởng khoa vận tải - kinh tế ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, việc nâng đường có lợi ở chỗ cải thiện được nền đường, kinh phí thấp, thời gian thi công nhanh nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Theo kiến trúc sư (KTS) Lê Công Sĩ, giải pháp xây kênh thoát nước không phải là mới mà cũng tương tự phương pháp chống ngập của Nhật Bản và các thành phố tại Hà Lan.

Tuy vậy, dường như việc xây dựng hệ thống kênh thoát nước chưa được các cơ quan chức năng chống ngập ở TP.HCM nghĩ đến, hoặc có nghĩ đến nhưng chưa biết cách triển khai và hiệu quả đến đâu nên chỉ tồn tại ở dạng ý tưởng của một cá nhân.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng ủng hộ việc trả lại các dòng kênh cho thành phố. Tuy nhiên việc đưa vào thực hiện như thế nào nên có sự phối hợp của nhiều ban ngành, đừng vì để giải quyết vấn đề này lại làm nảy sinh thêm vấn đề khác như kẹt xe, ô nhiễm môi trường,...

Người dân khổ sở lội nước ngập dưới cơn mưa lớn trên đường Kinh Dương Vương - Ảnh: THANH TÙNG

Người dân khổ sở lội nước ngập dưới cơn mưa lớn trên đường Kinh Dương Vương - Ảnh: THANH TÙNG


Tập trung cho các giải pháp tổng thể

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, vấn đề giao thông và quy hoạch đô thị ở VN từ xưa đến nay chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành liên quan, cụ thể trong trường hợp này là giữa bộ phận làm đường và bộ phận thoát nước.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng từ đầu khi phát triển đô thị, chúng ta ít quan tâm đến những yếu tố lâu dài như chống ngập nên bây giờ phải lãnh hậu quả nghiêm trọng.

“Chuyện nâng nền, giảm nền đường nằm trong đề án phòng chống ngập lụt chung của thành phố, là nỗ lực quy hoạch lại cốt nền đô thị về thiết kế và xây dựng. Tuy vậy, không nên chỉ tập trung giải quyết ở một khu vực mà phá vỡ quy hoạch tổng thể chung” - KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, để giải quyết vấn đề này phải có cái nhìn toàn cục và phải có phương án giải quyết vừa lâu dài và hiệu quả, vừa ít ảnh hưởng đến lợi ích của người dân.

Cần phối hợp đồng bộ ba nhóm giải pháp

Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ - tổng thư ký phụ trách miền Nam, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, để chống ngập hiệu quả thì phải thực hiện phối hợp cả ba nhóm giải pháp tương ứng với ba nguyên nhân gây ngập là do mưa, do thủy triều và do xả lũ từ thượng nguồn.

Nhóm giải pháp thứ nhất chống ảnh hưởng từ thủy triều là hệ thống cống ngăn mặn, công ngăn triều bố trí dọc theo cách dòng kênh có nước triều vào.

Nhóm giải pháp thứ hai hạn chế ngập do nước lũ từ thượng nguồn đưa về là vận hành tốt hệ thống liên hồ chứa.

Có nghĩa là khi nước ở dưới hạ lưu thừa thì trên thượng nguồn phải ngăn dòng chảy xuống và ngược lại. Tuy nhiên bây giờ đang có hiện tượng “lệch pha” là nước ở dưới đang thừa nhưng ở trên thì cứ thải xuống.

Nhóm giải pháp thứ ba phòng tránh ngập do mưa bao gồm rất nhiều giải pháp nhỏ như xây dựng hệ thống thoát nước, tạo kênh, đào hồ hoặc xây dựng hệ thống bơm nếu kênh hay hồ chứa quá tải.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho rằng muốn chống ngập hiệu quả thì phải thực hiện phối hợp đồng thời cả ba giải pháp trên.

“TP.HCM hiện chỉ mới giải quyết nguyên nhân ngập do mưa nhưng đã tốn quá nhiều tiền. Thêm vào đó cũng chưa có giải pháp nào phòng chống hai nguyên nhân còn lại, như vậy cũng không chống ngập được” - PGS.TS Phùng Chí Sỹ đánh giá.

Theo ý kiến của PGS.TS Phùng Chí Sỹ, phương án nâng đường không phải là một giải pháp căn cơ mà chỉ là giải pháp tình thế.

TP.HCM còn thiếu quy chuẩn cốt nền chung cho tất cả các con đường. Bên cạnh đó, chương trình giải quyết, quy hoạch chung cũng chưa có mà chỉ toàn các giải pháp cục bộ, rất tốn kém mà không giải quyết được tận gốc vấn đề, ngập chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.

“Tuy lộ trình thực hiện một cách đồng bộ cả ba nhóm giải pháp chống ngập sẽ rất lâu, tốn rất nhiều thời gian và công sức nhưng cũng phải làm. Các nước trên thế giới đều thế cả” - PGS.TS Phùng Chí Sỹ nói.

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục