06/10/2019 10:00 GMT+7

Biển hiệu chữ Trung Quốc vi phạm: Phạt nhiều nhưng 'chưa ăn thua'

PHAN SÔNG NGÂN
PHAN SÔNG NGÂN

TTO - Nhiều biển hiệu chữ nước ngoài vi phạm, nhất là chữ Trung Quốc, vẫn xuất hiện dù các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa và TP Nha Trang đã kiểm tra, chấn chỉnh, xử phạt.

Biển hiệu chữ Trung Quốc vi phạm: Phạt nhiều nhưng chưa ăn thua - Ảnh 1.

Nhiều biển hiệu có chữ nước ngoài trên đường phố Nha Trang - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Việc quy định phải có chữ tiếng Việt và phải viết ở trên chữ nước ngoài trong biển hiệu, thực đơn là cần thiết. Nhưng việc bắt buộc phải thể hiện đầy đủ tất cả nội dung trong giấy phép và quy định kích cỡ chữ Việt chỗ nào cũng đều phải to hơn thì không nên cứng nhắc như thế.

Chị Bùi T.H. (chủ một tiệm ăn ở Nha Trang)

Trong 8 tháng đầu năm, Khánh Hòa đã đón gần 2,5 triệu lượt khách quốc tế, chủ yếu đến TP Nha Trang. Trong đó, theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh, nhiều nhất vẫn là khách Trung Quốc, chiếm khoảng 63%, tiếp đến là khách Hàn Quốc và Nga. Trong khi đó, lượng khách du lịch từ châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và Úc chỉ chiếm khoảng 18%.

Biển hiệu chữ Trung Quốc vi phạm nhiều nhất

Cùng với việc gia tăng về khách du lịch, ở Nha Trang có nhiều khu phố gần như "nhà nhà làm du lịch" với đủ các dịch vụ kinh doanh, phục vụ du khách các nước. Theo đó, biển hiệu, bảng quảng cáo, thực đơn của các khách sạn, nhà hàng lớn nhỏ đến các quầy kinh doanh... đều sử dụng chữ các nước có số lượng du khách đông là Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và tiếng Anh.

Khách du lịch các nước lại thường cùng ở tập trung theo một số khu phố nên biển hiệu, quảng cáo cũng xuất hiện tập trung theo. Do đó, nhiều người gọi đó là khu "phố Tây", "phố Tàu", "phố Nga" tại Nha Trang, chủ yếu theo các đường phố ở gần biển như Biệt Thự, Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật, Tuệ Tĩnh và một số khu vực.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, trong hơn một năm qua Sở Văn hóa - thể thao (VH-TT), UBND TP Nha Trang đã kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm đối với việc treo biển hiệu, bảng quảng cáo bằng chữ nước ngoài không đúng quy định, nhất là các khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh thể hiện chữ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và tiếng Anh. 

Từ tháng 5-2018 đến hết tháng 6-2019, có gần 700 cơ sở kinh doanh ở TP Nha Trang đã bị kiểm tra và gần một nửa cơ sở đó có sai phạm, vi phạm. Trong đó có 228 cơ sở bị buộc phải sửa đổi biển hiệu, bảng quảng cáo, thực đơn viết chữ nước ngoài vi phạm quy định và 71 nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh bị xử phạt. 

Theo ông Đinh Văn Cường - trưởng Phòng VH-TT TP Nha Trang, những cơ sở bị xử lý nhiều nhất là có các biển hiệu, bảng quảng cáo viết bằng chữ Trung Quốc.

Vì sao phạt nhiều vẫn còn sai phạm?

Ông Phạm Đức Hùng - phó chánh thanh tra phụ trách thanh tra Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa - cho biết: "Dù các cơ quan quản lý vẫn làm thường xuyên nhưng không thể nào quán xuyến hết 100% và phát hiện kịp thời ngay các cơ sở kinh doanh vi phạm. Bởi họ thay đổi chủ đảo qua, đảo lại rất nhanh và rất nhiều".

Theo ông Hùng, theo Luật Quảng cáo và các quy định liên quan, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có quyền ghi chữ nước ngoài trên biển hiệu, bảng quảng cáo, nội dung giới thiệu sản phẩm kinh doanh của mình. Nhưng trong đó phải có thể hiện bằng chữ tiếng Việt được viết ở trên và cỡ chữ phải to hơn chữ nước ngoài, kể cả trong thực đơn của nhà hàng cũng vậy.

Nhưng thực tế không phải chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nào cũng nắm rõ hết các quy định liên quan về quảng cáo. Nhiều khi họ cứ muốn thể hiện trên biển hiệu, bảng quảng cáo bằng chữ nước ngoài theo cách mà họ cho là để thu hút được sự chú ý, hấp dẫn khách hàng mà chẳng biết là vi phạm quy định.

Trong khi đó, theo chị Bùi T.H. - chủ một tiệm ăn trên đường Tuệ Tĩnh, TP Nha Trang: "Có những cơ sở kinh doanh nhỏ, đường phố hẹp, không gian chật, biển hiệu nhỏ mà cứ buộc phải ghi đủ, ghi hết nội dung theo giấy phép cả chữ Việt lẫn chữ nước ngoài thì chữ trên biển hiệu sẽ rất nhỏ, nhiều rối rắm, khó thu hút khách hàng, nhất là người nước ngoài".

Do đó, theo chị Bùi T.H. và anh Lê Minh Ngân (kinh doanh trên đường Hùng Vương, TP Nha Trang), nên có quy định linh hoạt hơn trong việc thể hiện trên biển hiệu, bảng quảng cáo để người dân có thể thể hiện được đặc thù cơ sở kinh doanh của họ. Chẳng hạn ở các khu vực chủ yếu chỉ phục vụ khách nước ngoài, dù vẫn phải thể hiện đầy đủ tiếng Việt, viết ở bên trên nhưng có thể cho phép viết chữ nước ngoài có nhiều du khách tập trung theo kích cỡ lớn hơn để dễ thu hút và dễ nhận dạng cho người nước ngoài.

Còn trên thực đơn, giới thiệu sản phẩm trong nhà hàng "cũng nên linh động, chứ đừng cứ bắt buộc phải viết đúng theo quy định chữ Việt to hơn, nằm ở bên trên rồi chữ nước ngoài phải ghi ngay bên dưới; có thể cho viết các chữ nằm ngang, song song nhau" - chị Bùi T.H. nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Không có chữ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Không có chữ 'Trung Quốc' nào trong dự luật đặc khu

TTO - "Dự thảo không có một chữ nào về Trung Quốc, chỉ có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc", bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nói.

PHAN SÔNG NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên