Đại tá Lê Nga và con trai - đại tá Lê Hồng Vương - chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh - Ảnh: ĐỨC TRONG
Đại tá Lê Nga, nguyên phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, là người cầm súng đuổi đánh quân Khmer Đỏ và cũng là người chỉ huy cắm những cột mốc biên giới đầu tiên 40 năm về trước.
Người con trai ông, đại tá Lê Hồng Vương, vừa được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh vào đầu năm 2017.
Biên cương, cha và con
Ông Lê Nga đã 86 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh. Trong câu chuyện kể với chúng tôi về cuộc đời binh nghiệp của mình, ông nhớ rành rẽ tên từng đơn vị, từng người lính, từng địa danh và thậm chí cả từng người dân vùng biên giới.
Ông giữ chức chỉ huy phó - tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh từ năm 1977 đến khi nghỉ hưu vào năm 1990.
Năm 1977, đại úy Lê Nga được chỉ huy Bộ đội Biên phòng phía Nam điều động lên Tây Ninh để đuổi đánh quân Khmer Đỏ.
Sau khi đánh đuổi Khmer Đỏ, ông Nga là người chỉ huy, vận động toàn dân đào đắp giao thông hào để chống sự xâm nhập của quân địch dài từ Long An lên tới Xa Mát.
Ông Lê Nga nói rằng việc làm đáng nhớ nhất của ông chính là những cột mốc biên giới đầu tiên giữa Việt Nam - Campuchia mà ông là người chỉ huy cắm mốc, khi hai nước ký hiệp ước biên giới vào cuối năm 1985.
Ngày ấy, ông Nga cùng ăn, cùng ở với bà con hai bên biên giới cả tháng trời. Khi cắm mốc gặp khó khăn, trắc trở, ông phải bàn thảo, trò chuyện có lý, có tình với phía bạn để hai bên thống nhất được với nhau, rồi cột mốc được cắm.
Theo sách lịch sử Bộ đội Biên phòng Tây Ninh từ 1986-1988, hai bên đã cắm được 48 cột mốc và phân giới trên thực địa được gần 120km.
Năm 1986, khi ông Lê Nga đang cùng đội cắm mốc ở biên giới, xa nhà hàng tháng thì ở Việt Nam, con trai ông là Lê Hồng Vương (sinh năm 1966) thi vào Trường Sĩ quan biên phòng ở Sơn Tây - Hà Nội. Sau khi ra trường, anh Vương về Bộ đội Biên phòng Tây Ninh công tác cho đến nay.
Đại tá Vương cho biết khi mới lớn anh đã chứng kiến cha mình lăn lộn nơi biên giới để giữ từng tấc đất nơi đây, đuổi đánh Khmer Đỏ, rồi cắm từng cột mốc.
Vùng biên ngày ấy chưa yên, tiếng súng còn nổ, nên dù có nhiều lựa chọn nhưng anh đã quyết thi vào Trường Sĩ quan biên phòng để nối nghiệp cha.
Bia tôn vinh, ghi danh các chiến sĩ biên phòng Tây Ninh hi sinh trong chiến tranh biên giới 40 năm trước - Ảnh: ĐỨC TRONG
Ngâm mình trong nước chống giặc
Thượng tá Nguyễn Hữu Minh (61 tuổi), nguyên đồn trưởng biên phòng Xa Mát, là người trực tiếp cầm súng chống lại quân Khmer Đỏ trong trận đánh cách đây 40 năm ở đồn Phước Tân (huyện Châu Thành).
Ông là một trong những người đầu tiên nhận lệnh đi triển khai thành lập đồn biên phòng Phước Tân vào tháng 5-1975. Tuy mới thành lập nhưng đồn Phước Tân phụ trách đường biên giới dài khoảng 30km.
Ngày ấy, đồn đó chỉ là những căn nhà lá che mưa nắng, cột kèo làm bằng cây rừng và chưa có công sự, xây dựng vững chắc như sau này.
Rạng sáng 17-11-1977, Khmer Đỏ đã huy động hai trung đoàn của sư 221, có sự yểm trợ của pháo lớn đánh vào đồn Phước Tân - nơi thượng tá Minh lúc đó là người lính thông tin - cơ yếu.
Nắm được thông tin đồn sẽ bị tấn công nên trước ngày 16-11-1977, đồn đã được tăng cường lực lượng nhưng cũng chẳng bao nhiêu so với quân số lên tới hai trung đoàn của Khmer Đỏ.
Thượng tá Minh nhớ lại, để chiến đấu, cầm cự trước sự bao vây, chia cắt của Khmer Đỏ, anh em trong đồn đã phải ngâm nửa mình dưới nước trong giao thông hào ròng rã nhiều ngày liền. Vì không được tiếp tế nên cán bộ, chiến sĩ trong đồn phải dùng nước ruộng đổ vào gạo sấy để ăn.
Trong hoàn cảnh bị bao vây ngặt nghèo, cán bộ, chiến sĩ đồn đã tìm ra những cách đánh hay, hiệu quả và dũng cảm triển khai cách đánh ấy.
Điều này làm cho Khmer Đỏ không thể tiến chiếm đồn. Họ mang khẩu DKZ đặt ngay giữa sân, trên một ụ đất được đắp cao, nhô lên. Từ đây, hỏa lực của khẩu súng đã phát huy hiệu quả, chặn đứng mọi cuộc tiến lên của quân Khmer Đỏ.
Họ dùng đất đá giả lựu đạn ném ra ngoài, khiến quân Khmer Đỏ tưởng lựu đạn bỏ chạy. Lúc đó, họ mới ném lựu đạn thật. Đó là cách để tiết kiệm vũ khí.
Đồn Phước Tân đã bị Khmer Đỏ bao vây, pháo kích trong bảy ngày đêm và phải hứng chịu đến 38 đợt tấn công. Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, 36 cán bộ, chiến sĩ ở đồn đã hi sinh. Bù lại, họ tiêu diệt gần 300 tên địch.
Đồn biên phòng Phước Tân được giữ vững cho đến tận ngày nay. Từng thước đất biên giới mà họ góp phần gìn giữ vẫn còn cho đến bây giờ.
"Nhiều người đã bỏ xương máu, công sức cho biên giới ngày nay. So với ngày đó, bây giờ nhìn cảnh giao thương, đi lại giữa hai bên mà thấy quá hạnh phúc" - thượng tá Minh chia sẻ.
Chiến đấu kiên cường
Cũng trong đêm 24 rạng sáng 25-9-1977, 39 lính biên phòng tại đồn Xa Mát, huyện Tân Biên đã ròng rã năm ngày đêm kiên cường chiến đấu đẩy lui 22 đợt tấn công của hai tiểu đoàn quân Khmer Đỏ và tiêu diệt hơn 100 tên địch.
Ngoài giữ vững vị trí tiền tiêu, các cán bộ chiến sĩ đồn Xa Mát còn lao ra cứu nhiều dân thường, đưa vào đồn trú ẩn an toàn.
Cùng thời điểm tấn công đồn Xa Mát, Khmer Đỏ đã dùng một trung đoàn và một tiểu đoàn lính địa phương có hỏa lực yểm trợ tấn công vào các chốt có bộ đội địa phương và áp sát đồn Long Phước, huyện Bến Cầu.
Ở đồn Lò Gò (Tân Biên), dù chịu đựng trên 3.000 quả pháo cối của Khmer Đỏ nhưng cán bộ, chiến sĩ đồn vẫn không rời bỏ trận địa.
Năm 1978, Nhà nước đã tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang cho đồn Xa Mát và Phước Tân.
_________
Kỳ tới: Người Campuchia ở Việt Nam
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận