Dẫu hành trình Biên giới, biển, đảo trong tim tôi không dài, song đã để lại trong lòng mỗi bạn trẻ nhiều dấu ấn, nhất là nghĩ về tình yêu nước, trách nhiệm của người trẻ với biên cương Tổ quốc dù trên biển hay đất liền.
Hành trình 'Biên giới, biển, đảo trong tim tôi': Đi để thấu hiểu
Về lý do chọn Quảng Trị làm điểm đến, Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM Doãn Trường Quang nói tỉnh này có đường biên giới dài hàng trăm km và cả đường bờ biển dài. Nhưng lớn hơn, mảnh đất ấy từng đi qua bao ác liệt của chiến tranh, cũng là nơi gánh chịu nỗi đau chia cắt hơn hai mươi năm từ vĩ tuyến 17.
Trong suốt hai ngày của hành trình, 110 đại biểu là cán bộ Đoàn - Hội - Đội cùng nhiều văn nghệ sĩ trẻ của TP.HCM đã có mặt trong những hoạt động ý nghĩa.
Tại khu di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị - nơi được nhắc đến gắn liền với cuộc chiến 81 ngày đêm bi tráng - các bạn đã tham gia lễ chào cờ "Tôi yêu Tổ quốc tôi" giữa không gian khá đặc biệt.
Các bạn đến viếng nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9.
Đoàn hành trình đã đến với cán bộ, chiến sĩ tại các Đồn biên phòng: Thuận, Thanh và Ba Tầng (huyện Hướng Hóa) cùng Đồn biên phòng A Vao (huyện Đắk Rong). Mỗi điểm đến giúp các bạn trẻ từ TP mang tên Bác có cảm nhận rõ hơn về nơi các chiến sĩ làm nhiệm vụ canh giữ biên giới Tổ quốc.
Còn tại huyện Gio Linh, chương trình "Hãy làm sạch biển" thu hút nhiều người cùng tham gia ở xã Gio Hải. Chương trình đã tổ chức khám, phát thuốc cho 500 người dân có hoàn cảnh khó khăn, khởi động hoạt động xúc tiến du lịch biển tại huyện này với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng.
Lan tỏa tình yêu quê hương đất nước
Điểm nhấn của hành trình chính là chương trình chào cờ tại cột mốc biên giới Việt - Lào cùng chương trình giao lưu nghệ thuật diễn ra ngay ở xã Lìa, một xã giáp biên giới.
Lần đầu tiên chào cờ tại cột mốc biên giới đã mang đến nhiều cảm xúc khác biệt, cũng là lúc trái tim mỗi bạn trẻ tham gia hành trình cảm nhận rõ nhất ý nghĩa thiêng liêng về chủ quyền đất nước.
"Đứng ở cột mốc biên giới, mình càng cảm nhận rõ hơn giá trị của độc lập, giá trị máu xương cha ông đã đổ xuống" - Hoàng Phúc, một thành viên trong đoàn, chia sẻ.
Đêm cuối cùng, hành trình khép lại với chương trình nghệ thuật tại xã Lìa, nơi cách đường biên giới chỉ vài trăm mét ấy chất chứa bao tình cảm yêu thương mà Đội tình nguyện viên Nghệ sĩ (thuộc Hội LHTN Việt Nam TP.HCM) mang đến phục vụ cán bộ chiến sĩ, bà con khu vực biên giới huyện Hướng Hóa.
Đêm giao lưu kết thúc trong cái chia tay bịn rịn của những đứa con từ vùng đất nắng ấm phương Nam với đồng bào biên giới miền Trung.
Anh Doãn Trường Quang nói Đoàn - Hội TP.HCM mong thông qua hành trình này tiếp tục lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước, sự gắn bó với biên giới, biển, đảo trong lòng các bạn trẻ. Từ lòng tri ân với bao công lao, sự hy sinh của các thế hệ đi trước để đổi lấy hòa bình, độc lập dân tộc, mỗi bạn trẻ TP.HCM sẽ chọn cho mình cách sống đẹp, sống có ích.
Đó còn là tình cảm gắn bó của thanh niên, người dân TP.HCM với vùng đất Quảng Trị anh hùng. Để mỗi bạn trẻ sẽ không ngừng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phục vụ nhân dân, cùng chung tay xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, hùng cường. "Hy vọng mỗi thành viên tham gia hành trình này sẽ là một tuyên truyền viên, một đại sứ để lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, yêu và trân quý giá trị của hòa bình" - anh Quang bày tỏ.
Cùng với chuỗi hoạt động trong hai ngày diễn ra, chiều cuối cùng trước khi kết thúc hành trình tại Quảng Trị, đoàn đã chính thức khởi công xây dựng ngôi nhà nhân ái tặng một hộ dân khó khăn ở xã biên giới Lìa (huyện Hướng Hóa). Trong đó, Hội LHTN Việt Nam TP.HCM hỗ trợ 70 triệu đồng để thực hiện công trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận