31/05/2014 23:31 GMT+7

Biển Đông và nỗi buồn bóng đá

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Các nhà quản lý bóng đá Việt Nam đã quyết định thuê trọng tài Nhật để điều khiển một số trận đấu của V-League 2014.

Như vậy là sau việc tốn ngoại tệ thuê HLV cho đội tuyển, thuê cầu thủ ở các CLB, thuê chuyên gia làm tổng giám đốc Công ty VPF, giờ đây VN chúng ta còn tốn cả ngoại tệ cho việc thuê trọng tài bóng đá!

Thú thật, trước đây tôi thuộc về trường phái ủng hộ thuê chuyên gia nước ngoài sang giúp cho bóng đá Việt biết thế nào là chuyên nghiệp. Nhưng, trong thời điểm hiện nay thì không thể ủng hộ chuyện bóng đá chi ngoại tệ đi thuê mướn các loại chuyên gia, nhất là trọng tài. Chúng ta hãy hướng cái nhìn ra vùng biển Hoàng Sa, điểm nóng đang làm sôi sục cả nước trong nhiều ngày qua. Ở đó, những chiếc tàu kiểm ngư, cảnh sát biển nhỏ bé đang phải vất vả cản phá những con tàu to lừng lững của Trung Quốc xâm phạm vùng biển quê hương. Không người Việt nào không thấy đau xót, giận dữ khi những chiếc tàu hải cảnh, hải giám vừa to lớn, vừa đông đảo áp dụng trò lấy thịt đè người.

Trong bối cảnh như thế, trên đất liền, chỉ là một trò chơi thôi, chúng ta cũng tốn quá nhiều ngoại tệ! Mà thà rằng tốn ngoại tệ để thuê những chuyên gia cao cấp, nhằm học hỏi những tri thức, những kỹ năng điều hành chuyên nghiệp mà ta chưa có, chứ trọng tài bóng đá - một công việc giản đơn - mà không làm được thì hãy nghỉ chơi chuyên nghiệp đi!

Không đủ sức làm chuyên nghiệp thì xin hãy trở về với ngày xưa vậy. Cái ngày xưa ấy, bóng đá tuy không mặc chiếc áo chuyên nghiệp, nhưng sân vẫn kín người xem và đặc biệt không tốn ngoại tệ cho việc thuê mướn cầu thủ, trọng tài.

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải nhìn mục tiêu tối thượng của thể thao nói chung, bóng đá nói riêng là gì. Trên báo Cứu Quốc số 199 xuất bản vào cuối tháng 3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ trong bài viết “Sức khỏe và thể dục”, đó là “dân cường thì nước thịnh”, là khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tương tự, một nhà lãnh đạo nổi tiếng của nước láng giềng Singapore - ông Lý Quang Diệu cũng có quan điểm: sức khỏe của người dân là mục tiêu cao nhất của thể thao.

Đã xác định được mục tiêu tối thượng thì sẽ thấy việc cần kíp hơn là bóng đá phải làm tốt thể thao học đường, tạo được nhiều sân bãi cho người dân chơi đá bóng nhằm rèn luyện sức khỏe... chứ không phải nay thuê cầu thủ, mai thuê chuyên gia, mốt thuê trọng tài!

Nhân câu chuyện buồn của bóng đá, cũng giật mình khi nhìn toàn ngành thể thao trong thời điểm cả nước sôi sục theo biển Đông. Trong lúc từ học sinh tiểu học cho đến sinh viên đại học, từ những ông bà cụ nhận lương hưu cho đến chị bán ve chai, và cả giới văn nghệ sĩ, ai ai cũng có hành động để thể hiện tình yêu nước, thì tuyệt đối ngành thể thao im lặng như tờ. Hỏi thì có người có trách nhiệm trả lời thế này: Công đoàn của Bộ VH-TT&DL có yêu cầu đóng tiền!

Các nhà quản lý thể thao Việt lúc nào cũng bảo rằng sẽ học Nhật Bản trong việc xây dựng nền thể thao nói chung, bóng đá nói riêng. Nhưng học cái gì thì hình như chẳng ai biết!

Riêng trong thể thao, Nhật Bản được như hôm nay là nhờ họ rất giỏi trong việc “thổi” ngọn lửa yêu nước vào tim các vận động viên. Như năm 1964, đội bóng chuyền nữ Nhật Bản làm cả thế giới ngỡ ngàng khi đoạt HCV Olympic. Để làm được điều ấy, các cô gái Nhật đã tập luyện như khổ sai, với mục tiêu phải chiến thắng để cả thế giới thấy rằng Nhật Bản đã đứng dậy hùng mạnh sau năm 1945. Hay mới đây, đội bóng đá nữ Nhật Bản tuy chưa phải giỏi nhất thế giới, nhưng đã đoạt chức vô địch World Cup 2011 - một chức vô địch mà họ cho rằng cầu thủ của mình đã thi đấu vì hơn 15.000 người chết và hơn 3.000 người mất tích do sóng thần ở Fukushima!

Phải làm cho các trọng tài biết xấu hổ khi không điều hành nổi một giải bóng đá; phải làm cho các vận động viên thi đấu với tinh thần của những kiểm ngư viên, cảnh sát biển đang ở ngoài biển Đông... Tiếc thay, thể thao Việt quá thờ ơ!

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên