TTCT - Tôn Tử binh pháp viết: “Biết người biết ta, trăm trận không nguy; không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua; không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại”. Trung Quốc có vẻ đang quá háo hức, chỉ nhớ nửa ý đầu “trăm trận trăm thắng”, mà quên hai ý sau nên đã đánh giá sai tình hình. Quang cảnh thành phố Bantam (nay là Banten) và tàu thuyền ngoài khơi đảo Java. Tranh vẽ năm 1610. Các dân tộc ven Biển Đông đã sinh sống dựa vào vùng biển này suốt nhiều thiên niên kỷ. Ảnh: Wikipedia Có thể nào sau khi dập tắt ổ dịch Vũ Hán với thiệt hại có thể là ít hơn hẳn so với nhiều cường quốc khác nên Trung Quốc tin rằng thiên thời của họ đã đến? Đồng thời nhìn thấy nhiều nước vẫn phải bế quan tỏa cảng vì dịch bệnh mà tin rằng địa lợi đã sẵn sàng, đến mức quên để ý thiên hạ đang “nhìn” Trung Quốc ra sao, cả trước và trong cơn đại dịch? Mới đây, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đặt câu hỏi trên CNN: “Hoa Kỳ đã sẵn sàng sống với một quốc gia khác có nền văn hóa rất khác, một hệ thống chính trị và kinh tế rất khác biệt... trong hòa bình và hợp tác về rất nhiều thách thức toàn cầu vẫn đang gia tăng hay chưa?”; và: “Mọi người phải nhận thức đầy đủ về các thực tế của thế giới ngày nay... Chúng tôi chắc chắn có quyền hợp pháp để xây dựng đất nước của chúng tôi thành một quốc gia hiện đại, mạnh mẽ, thịnh vượng như mọi quốc gia khác trên thế giới”. Thiên thời và địa lợi Worldometers ngày 21-7 cho biết Trung Quốc hiện có hơn 83.000 ca nhiễm COVID-19, hơn 4.600 ca tử vong và gần 79.000 ca đã hồi phục; trong khi toàn thế giới có đến gần 15 triệu ca nhiễm và hơn 600.000 ca tử vong. Hai cường quốc lớn khác cạnh tranh với Trung Quốc hiện đang bù đầu bù cổ vì dịch bệnh: Mỹ gần 4 triệu ca nhiễm, gần 150.000 ca tử vong; Ấn Độ hơn 1,1 triệu ca nhiễm, hơn 28.000 ca tử vong. Esther M. Sit (Tiết Minh Tuệ), nhà nghiên cứu tại Đại học Giáo dục Hong Kong, vào trung tuần tháng 6 đã viết một bài trên trang Fair Observer giải thích lý do Ấn - Trung xung đột ở vùng biên giới có thể do Bắc Kinh tính toán Ấn Độ đang quá bận rộn với việc chống COVID-19 nên nguồn lực phân tán, khó thể làm căng ở biên giới. Đây là nhận xét có thể áp dụng chung cho nhiều nước vốn đang lo chống dịch cũng như giải quyết các hậu quả kinh tế - xã hội của dịch bệnh. Bà Tiết còn cho rằng sức ép trong nước với Trung Quốc hiện là rất lớn: “Các điều kiện kinh tế toàn cầu ngày càng tồi tệ và cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đang diễn ra không còn cho phép Bắc Kinh dựa vào sự tăng trưởng nhanh chóng để làm cơ sở bảo đảm duy nhất cho sự an nguy của chế độ. Thay vì dựa vào hiệu quả kinh tế trong nước, Trung Quốc đang thể hiện sức mạnh bằng cách bảo vệ các yêu sách lãnh thổ”. Tác giả cũng nhìn nhận chính phủ Modi ở Ấn đứng trước sức ép tương tự vì COVID-19, nên việc đẩy cao tinh thần dân tộc cũng diễn ra cả ở nước này nữa. Một trong những điều khiến uy tín của Trung Quốc bị đặt dấu hỏi là vấn đề nguồn gốc virus gây ra dịch bệnh. Hiểu rõ điều đó, ngày 7-6 - sau khi nhiều yêu cầu điều tra dịch bệnh và các vụ kiện đòi bồi thường được mở, Trung Quốc đã công bố Sách trắng về “Các hành động của Trung Quốc để chống lại dịch bệnh viêm phổi do virus corona dòng mới”. Tạm gác lại những tranh cãi chuyên môn sẽ còn là bất tận, Sách trắng này còn có một mục đích nữa. Hai tuần sau khi sách được công bố, Đài Pháp France Culture phỏng vấn nhà nghiên cứu về Trung Hoa Alice Ekman, bà này đã nói về Sách trắng: “Trung Quốc truyền đạt về việc quản lý khủng hoảng dịch bệnh theo cách nhấn mạnh đến sự cạnh tranh giữa các hệ thống chính trị ở cấp độ toàn cầu, nhằm mục đích tôn vinh những thành công được cho là của mình, và ngược lại, làm nổi bật những thất bại và ngờ vực với các hệ thống khác”. Đó phải chăng chính là thiên thời? Tác giả Tiết Minh Tuệ viết về đường lối mới của Trung Quốc và nỗi bực dọc của Ấn Độ: “Trung Quốc muốn đưa ra một thông điệp chính trị cho Ấn Độ: đừng quá gần gũi với Mỹ”. Việc Trung Quốc húy kỵ nước khác quan hệ quốc phòng, mua bán vũ khí với Mỹ, hay tham gia cung ứng cho Mỹ là điều dễ hiểu: “Gã khổng lồ Nam Á đã quyết định ngăn chặn các công ty Trung Quốc thu tóm các doanh nghiệp trong nước. Nếu Ấn Độ gần hơn với Mỹ, điều này có thể cản trở sự phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại Nam Á, bao gồm cả hành lang kinh tế đang tranh chấp nối Trung Quốc với Pakistan”. Chuyện Trung Quốc không muốn các nước khác thân với Mỹ hơn là điều nay đã được bộc lộ công khai, và các nước này hầu hết đều là gần Trung Quốc hơn gần Mỹ về mặt địa lý, không ít nước có quan hệ kinh tế chặt chẽ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Phải chăng đó là địa lợi? Một nữ thủy thủ người Java, tranh vẽ năm 1855. Ảnh: Wikipedia Nhân hòa ở đâu? Có lẽ do đã quá đà, nhất là trong thời buổi đại dịch mà nhà nhà đều rơi vào tâm trạng lo lắng, các nước lại càng ái ngại hơn những động thái quá mạnh bạo của Trung Quốc, đặc biệt là quanh Biển Đông. Trái lại, Mỹ được “một châu Á đang căng thẳng hoan nghênh trong tiếng thở phào nhẹ nhõm”, Asia Sentinel 16-7 chạy tít. Tại sao châu Á thở phào? Lý giải của báo này: “Quyết định của Hoa Kỳ tuần trước triển khai chính sách với Biển Đông dựa trên phán quyết do Tòa án Trọng tài đưa ra năm 2016 căn cứ Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), trong vụ kiện của Philippines, phù hợp với các lập trường của các quốc gia ven biển không phải là Trung Quốc gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia”. Cụm từ “các quốc gia ven biển không phải là Trung Quốc” (the non-Chinese littoral states) có vẻ dài dòng, rối rắm không cần thiết, nhưng nó có ý đồ rõ ràng là cho thấy có hai nhóm nước ven biển: Trung Quốc và không-phải-Trung-Quốc. Lần theo ngày tháng, giữa cảnh bất đồng, nay Hoa Kỳ đưa ra thông báo về Biển Đông dựa theo phán quyết của tòa cách đây bốn năm từng tuyên “không có bất kỳ tảng đá, bãi cát và thực thể nào khác trên biển đủ tiêu chuẩn để thiết lập một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), và chỉ có thể yêu cầu lãnh thổ trong phạm vi 12 hải lý”. Tòa cũng đã “bác các yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc dựa trên giải thích lịch sử của chính họ trong khi thản nhiên không ngó ngàng đến lịch sử của người Malay và người Việt vốn từng sống ở phần lớn vùng bờ biển và cả trên biển trong ít nhất bốn thiên niên kỷ”. Mỹ có xúi bẩy ai không thì chưa biết, nhưng “thông báo của Hoa Kỳ trên thực tế tiếp nối sự cứng rắn rõ ràng về lập trường của hầu hết các quốc gia ven biển”. Philippines, trước đó từng tuyên bố tạm gác lại việc dùng chiến thắng ở tòa để đòi hỏi Trung Quốc tôn trọng pháp luật cũng như định chấm dứt một thỏa thuận quân sự với Mỹ, nay đã thay đổi lập trường. Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana lên tiếng hoan nghênh tuyên bố của Hoa Kỳ. Indonesia thì mô tả động thái của Hoa Kỳ là “bình thường”, sau khi hồi tháng 6 đã gửi cho Tổng thư ký LHQ một công hàm trực tiếp bác bỏ các yêu sách biển Trung Quốc. Liệu những Indonesia và Philippines đó có cần ai xúi bẩy? Rồi cả Malaysia và Việt Nam đều phải chứng kiến màn kịch diễn đi diễn lại “tàu Hải dương địa chất” kèm tàu hải giám húc người! Làm sao các nước ven biển với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý rành rành của mình giờ lại phải “đàm phán”, phải “cùng khai thác chung”, mà nếu không chịu thì có thể bị chèn ép bằng vũ lực đến mức phải bỏ của chạy lấy người. Tương tự, sao có thể trách các nước chủ động phòng vệ, mua sắm vũ khí, thiết bị, diễn tập? Từ 2018, lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật phái một lúc ba tàu ngầm “tập lặn” trên Biển Đông. Hạ tuần tháng 6, hai tàu huấn luyện JS Kashima và JS Shimayuki của Nhật tập với tàu USS Gabrielle Giffords của hải quân Mỹ; qua đầu tháng 7, hai tàu này diễn tập tiếp với tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và tàu khu trục USS Mustin. Cuối tháng 5, tuần dương hạm “tàng hình” RSS Steadfast của Singapore tập với tàu USS Gabrielle Giffords. Từ chủ nhật vừa qua, hải quân Mỹ, Úc, Nhật đã điều động các tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Antietam và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin (của Mỹ), tuần dương hạm Stuart và Arunta, tàu khu trục Hobart, tàu đổ bộ trực thăng Canberra và tàu tiếp tế Sirius (Úc), cùng tàu khu trục Teruzuki (Nhật); trước đó một ngày, tàu hải quân Ấn Độ đã khởi sự diễn tập với tàu sân bay Mỹ USS Nimitz (Nikkei Asian Review 22-7). Nêu câu hỏi hay chê trách việc “kết bè hiệp đảng” như vậy ở Biển Đông và Thái Bình Dương chính là cố tình nhầm lẫn giữa nguyên nhân và hệ quả. Câu hỏi thật ra đơn giản mà thôi: Ai làm Biển Đông dậy sóng?■ Tags: Biển ĐôngTrung QuốcMỹChúc Ngưỡng TuTuần dương hạm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Cô ơi, nhờ có cô con mới biết đến học bổng Tiếp sức đến trường NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG (Giáo viên) 23/11/2024 Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Phượng đã gửi đến Tuổi Trẻ lời cám ơn của mình, sau khi cô nhận được lời cám ơn của đứa học trò vừa nhận được học bổng Tiếp sức học bổng đến trường năm 2024.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
'Ông lớn' chứng khoán SSI bị cơ quan thuế truy thu, xử phạt hàng tỉ đồng BÔNG MAI 23/11/2024 Công ty cổ phần chứng khoán SSI vừa báo cáo với cơ quan lãnh đạo thị trường chứng khoán về quyết định liên quan đến Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).
Ông Medvedev: Phương Tây xác định mục tiêu và dẫn đường cho các tên lửa đánh Nga THANH BÌNH 23/11/2024 Ngày 22-11, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo bất kỳ kịch bản leo thang nào đều có thể xảy ra trong xung đột Nga - Ukraine vì những gì phương Tây đang làm.